Quân khu 2 – Nhịp cầu nối những bờ vui

Kỳ 1: Hân hoan cầu mới, thỏa lòng mong ước

QK2- Việc khánh thành cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô, nối liền huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) với thành phố Việt Trì (Phú Thọ) được coi là sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cây cầu đi vào hoạt động mở ra cơ hội, triển vọng phát triển mới cho nhân dân đôi bờ Lô giang, nhất là đối với người dân huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).

Lãnh đạo tỉnh 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ cùng các đại biểu cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Phú.

Có thể nói, cây cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô – Con sông gắn liền với lịch sử và thơ ca của dân tộc đã chính thức thông xe vào sáng 30-8. Đây được coi là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là niềm phấn khởi, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Từ cây cầu này là cơ sở để cấp ủy, chính quyền địa phương 2 bờ Lô giang định hướng quy hoạch phát triển mới với những mục tiêu, lộ trình xây dựng trong tương lai; trong đó, hàng chục vạn hộ dân trong vùng đã không giấu nổi niềm vui, nhận thấy tương lai phát triển từ cây cầu mang lại mà phấn khởi cho rằng: “Những nhịp  cầu nối bến bờ vui” đã thỏa nỗi niềm mong ước của nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ suốt bao đời nay. Việc khánh thành đưa cây cầu Vĩnh Phú vào sử dụng không chỉ mở ra cơ hội phát triển giao lưu, giao thương cho nhân dân hai bên bờ sông, mà đó còn là thời khắc đánh dấu sự đổi thay, khép lại hoạt động những chuyến đò ngang, khép lại ký ức về một thời nghèo khó, nhọc nhằn, vất vả của biết bao thế hệ nơi vùng quê nghèo chiêm trũng và tình trạng ngăn cách bởi điều kiện địa lý. 
Trong suốt 1/4 thế kỷ đã qua, kể từ khi miền đất Trung du Vĩnh Phú chia tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, niềm ao ước bấy lâu nay của nhân dân đôi bờ Lô giang với cây cầu bắc qua sông đã trở thành hiện thực. Cũng tại thời khắc thiêng liêng đó, bến phà Đức Bác đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, nhường lại cho cây cầu Vĩnh Phú tiếp nối biểu tượng về tình đoàn kết, mở rộng cơ hội hợp tác, triển vọng phát triển giữa hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Anh Nguyễn Văn Hiếu ở xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô là tiểu thương có thâm niên hơn 20 năm trong nghề buôn bán hàng hóa nông sản, hằng ngày anh phải vài lượt qua sông trên những chiếc đò ngang chòng chành để mang các loại nông sản sang thành phố Việt Trì giao bán. Hàng chục năm qua lại trên những chuyến phà, đò dệu dạo cũ kỹ với bao mối hiểm nguy, rủi ro rình rập dưới dòng Lô giang chảy siết cũng là ngần ấy năm anh luôn phải sống trong sự bất an khi mỗi lần qua sông, nay được đi trên cây cầu hiện đại, kiên cố mà anh cứ ngỡ tưởng trong mơ. Anh Hiếu phấn khởi chia sẻ: Tôi và hàng vạn người dân trong huyện đều rất vui mừng khi được đi trên cây cầu này; vậy là mơ ước của bao thế hệ người dân tới nay đã thành hiện thực. Từ nay, nhân dân hai bờ sông nơi thành phố Việt Trì và huyện Sông Lô chúng tôi sẽ dễ dàng qua lại mua bán, thăm thân… mà không phải lo mất thời gian, tiền bạc cùng bao nỗi sợ hãi trên những chuyến phà chen chúc như trước đây. Còn với bà Phạm Thị Mến ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô cũng bày tỏ, đó thực sự là niềm vui không siết, một sự đổi thay vô cùng to lớn, ý nghĩa, thiết thực mà chính quyền hai tỉnh đã đem lại cho người dân. Qua đó, giúp chúng tôi chính thức chấm dứt nỗi lo đi sớm về khuya, nhất vào những thời điểm mưa lũ, đêm đông giá lạnh không còn phải thấp thỏm mong ngóng, chờ đợi đò phà mỗi khi có việc qua sông hoặc phải tìm nơi ngủ lại bên Việt Trì như trước đây. Đến nay có cây cầu khang trang thế này, chúng tôi vô cùng phấn khởi bởi niềm mong ước của nhân dân suốt bao thế hệ nay đã thành hiện thực. 
Trò chuyện với những người dân hai bên bờ sông, chúng tôi được biết, không chỉ hàng trăm nghìn người dân quanh vùng cảm thấy vui sướng khi cây cầu được khánh thành mà ngay cả những người làm nghề lái đò, lái phà có hàng chục năm gắn bó với bến sông, nay phải tìm kiếm một công việc mới nhưng cũng không giấu nổi niềm vui trước sự hiện hữu của cây cầu đã được đưa vào sử dụng thay thế cho những chuyến phà ì ạch đưa khách qua sông. Bởi họ biết, với cây cầu này không chỉ là mơ ước, niềm tự hào của bao người dân bấy lâu nay, mà còn góp phần tạo động lực gắn kết, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết, giao lưu phát triển của các địa phương hai tỉnh, nhất là đối với những người dân nơi miền quê của huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc). Từ nay, hình ảnh những chuyến phà qua sông sẽ mãi là ký ức hằn sâu trong tâm trí của những du khách và người dân đôi bờ sông Lô. 
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, công trình cầu Vĩnh Phú hoàn thành không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, mà còn tạo điều kiện kết nối giao thông, thúc đẩy giao thương, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân hai bờ sông Lô. Đồng thời đó cũng là quyết tâm, nguyện vọng chung của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc – Phú Thọ nhằm rút ngắn thời gian lưu thông, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng quê hương hai bên bờ Lô giang của huyện Sông Lô và thành phố Việt Trì ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: SƠN CA