Quân khu 2 – Dựa vào dân để quản lý quân nhân dự bị

QK2 – Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chủ trương, biện pháp quản lý chặt chẽ lực lượng quân nhân dự bị (QNDB). Thực tiễn ở huyện Yên Lạc cho thấy, các đơn vị dự bị động viên (DBĐV) chủ yếu dựa vào cơ sở, cấp xã, thôn, khu dân cư, nhất là quần chúng nhân dân để quản lý QNDB.

Tiết trời vào Thu nhưng vẫn khá nóng bức, tuy nhiên hàng trăm cán bộ, chiến sĩ QNDB tập trung đông đủ tại sân vận động huyện Yên Lạc, theo lệnh triệu tập của Chủ tịch UBND huyện. Người nhận và chuẩn bị quân tư trang, người nhận hồ sơ, xếp hàng đợi giờ lên xe trở về đơn vị. Phía bên ngoài sân vận động có nhiều người thân đưa tiễn QNDB lên đường làm nhiệm vụ. Trung úy Kim Văn Tiến, quê ở xã Bình Định đã chuẩn bị chu đáo quân trang, hành lý chuẩn bị tạm xa vợ con, người thân lên đường làm nhiệm vụ trong khoảng thời gian 2 tuần. Đó là buổi luyện tập huy động QNDB bàn giao cho Trung đoàn 834 tổ chức huấn luyện, diễn tập năm 2023.

QNDB huyện Yên Lạc tập trung chuẩn bị bàn giao cho các đơn vị huấn luyện.

Tìm hiểu được biết, QNDB là những sĩ quan, quân nhân chuyện nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ thôi phục vụ tại ngũ; cán bộ, công chức được đào tạo sĩ quan dự bị, biên chế vào các đơn vị DBĐV; là lực lượng vũ trang dự phòng, sẵn sàng phục vụ Quân đội khi có tình huống xảy ra. Thời gian tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập hàng năm không nhiều, vì vậy việc thường xuyên quản lý QNDB giữ vai trò rất quan trọng. Chỉ khi nào các chiến sĩ QNDB có lệnh tập trung vào các đơn vị DBĐV làm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập thì các đơn vị Quân đội bảo đảm chế độ, tiêu chuẩn theo đúng quy định, còn lại chủ yếu thời gian trong năm các chiến sĩ QNDB sinh sống, làm việc tại gia đình. Nên công tác quản lý QNDB giữ vai trò rất quan trọng, góp phần giúp đơn vị DBĐV và cơ quan quân sự địa phương trong quản lý QNDB. Để khi cần huy động, tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập có thể thực hiện hiện được ngay.

 Ban CHQS huyện và Ban CHQS các xã, thị trấn thường xuyên chú trọng làm tốt công tác đăng ký, quản lý, tạo nguồn DBĐV từ bộ đội phục viên xuất ngũ. Hằng năm, cơ quan quân sự cử cán bộ phối hợp với các thôn (đội) trưởng, trưởng khu, bí thư chi bộ… tiến hành rà soát, lập danh sách, đăng ký, quản lý quân nhân dự bị theo đúng quy định. Hàng năm tổ chức trang trọng việc đón, nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, kết hợp đăng ký vào ngạch DBĐV. Để nâng cao hiệu quả quản lý DBĐV từ huyện xuống cơ sở đều có hệ thống sổ sách, trích ngang theo dõi, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng quân nhân dự bị tại cơ sở.

Huyện Yên Lạc xây dựng đơn vị DBĐV theo phương châm “Nâng cao chất lượng đúng chuyên nghiệp quân sự, gần gọn địa bàn, quân đâu, cán đó”. Đến nay xã xếp đủ 99% đầu mối các đơn vị DBĐV theo chỉ tiêu được giao. Từ việc xếp gần, gọn địa bàn rất thuận lợi cho việc quản lý, huy động QNDB tham gia huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên và xử trí các tình huống xảy ra. Kết quả sắp xếp QNDB vào các đơn vị DBĐV luôn đạt trên 95%, phương tiện kỹ thuật đạt 100%, tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự 78,8%; quân nhân dự bị hạng 1 được 99,6%; dự bị hạng 2 được 0,4%;  tỷ lệ đảng viên đạt 9,5%; đoàn viên đạt 42,2%…

Theo ông Nguyễn Xuân Luận, Chủ tịch UBND xã Bình Định, huyện Yên Lạc, các đồng chí sĩ quan, chiến sĩ được biên chế vào các đơn vị DBĐV cơ bản làm ăn, sinh sống tại địa phương nên công tác quản lý, huy động gặp nhiều thuận lợi. Chỉ có số ít đi làm ăn xa nhưng đều có địa chỉ, số điện thoại và từng đồng chí viết cam kết khi cần tập trung làm nhiệm vụ phải có mặt. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Qua những lần gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, các chiến sĩ đều chấp hành tốt. Ở địa phương các chiến sĩ QNDB đều là những công dân mẫu mực, thể hiện rõ phẩm chất đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bà Đỗ Thị Minh, nhà ở thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, có con trai là Trung sĩ Nguyễn Quang Vinh, Trung đội phó DBĐV chia sẻ, khi Vinh hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về thì được Ban CHQS huyện biên chế vào đơn vị DBĐV của Trung đoàn 834. Mỗi năm gọi huấn luyện, diễn tập một hoặc hai lần. Mặc dù nhà có trang trại chăn nuôi nhiều lúc rất bận rộn nhưng gia đình luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Vinh yên tâm làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Huy Quang, Chính trị viên Ban CHQS huyện Yên Lạc cho biết: Mặc dù biên chế mỗi tiểu đoàn DBĐV chỉ có 1 đồng chí tiểu đoàn trưởng, nhưng công tác quản lý QNDB rất thuận lợi vì có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở. Đặc biệt là sự ủng hộ, giúp đỡ của quần chúng nhân dân, dựa vào dân để quản lý QNDB. Qua các lần gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, quân số các đơn vị DBĐV đạt tỷ lệ cao, các chiến sĩ có sức khỏe, tinh thần rất tốt, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài, ảnh: ĐÀO THÚY QUỲNH