Marketing Excutive Là Gì? Bộ Câu Hỏi Phỏng Vấn Thường Gặp

Ngày nay, các hoạt động marketing dần được chú trọng hơn trong các doanh nghiệp với nhiều đóng góp quan trọng đến hiệu quả kinh doanh. Trong đó, marketing executive chính là nhân tố cốt lõi thực hiện những vai trò chủ chốt này.

Vậy những công việc cụ thể của marketing executive là gì, và làm thế nào để trở thành một nhân viên marketing giỏi? Cùng Glints tìm hiểu nhé!

Marketing executive là gì?

Nhiệm vụ cốt lõi nhất của một marketing executive là lên ý tưởng, xây dựng và thực hiện các chiến lược marketing dựa trên các KPIs do Marketing Manager đưa ra, kết hợp cùng các chỉ tiêu về doanh số từ bộ phận Sales của doanh nghiệp. 

Vì vậy, vị trí này cũng có thể xem là một cầu nối giúp liên kết bộ phận Marketing và bộ phận bán hàng, chuyển đổi các hoạt động tiếp thị thành hiệu quả kinh doanh trên thực tế. 

Bên cạnh đó, một chuyên viên marketing cũng tham gia vào hoạt động giữ chân khách hàng sau các chiến dịch tiếp thị, điển hình là thực hiện chương trình khách hàng thân thiết (loyalty program) và những hoạt động hậu mãi giúp khách hàng tăng lòng tin vào sản phẩm/dịch vụ và thương hiệu, từ đó thúc đẩy khả năng quay lại mua hàng cao hơn.

Công việc của nhân viên marketing là gì?

Vai trò cụ thể của một marketing executive thường khá linh hoạt tùy theo quy mô doanh nghiệp và đặc trưng riêng của từng lĩnh vực. Nhưng nhìn chung các nhiệm vụ cơ bản của marketing executive bao gồm:

  • Lên ý tưởng cho kế hoạch Marketing, hoặc nhận kế hoạch Marketing từ Marketing Manager/Brand Manager.
  • Triển khai và theo dõi các hoạt động marketing cụ thể từ kế hoạch Marketing đã được thông qua bởi Ban lãnh đạo/Marketing Manager/Brand Manager.
  • Hợp tác và hỗ trợ các bộ phận liên quan trong doanh nghiệp như nghiên cứu thị trường, nghiên cứu & phát triển sản phẩm, sales, v.v tùy đặc tính công việc.
  • Phân tích và đo lường hiệu quả marketing bằng các công cụ kỹ thuật số, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để cải thiện hiệu quả tiếp thị và doanh số bán hàng.
  • Quản lý ngân sách cho các chiến dịch quảng cáo, truyền thông.
  • Quản lý và phát triển hệ thống kênh truyền thông của doanh nghiệp/thương hiệu như website, Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube, v.v
  • Quản lý hệ thống Influencers/KOLs cho doanh nghiệp/thương hiệu và đo lường hiệu quả của các chiến dịch có kết hợp với Influencers/KOLs (nếu có).
  • Thực hiện các báo cáo liên quan cho Marketing Manager hoặc Brand Manager về tình hình marketing, hiệu quả và doanh số chiến dịch.
marketing executive là gì
Marketing executive là làm gì?

Tố chất của một marketing executive sáng giá

Kiến thức marketing vững chắc

Để trở thành một marketing executive sáng giá, nền tảng kiến thức vững chắc về thị trường, đối thủ, khách hàng, thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ chính là chìa khóa quan trọng, đồng thời kết hợp với phân tích, nghiên cứu sẽ giúp cho kế hoạch marketing được thực hiện hiệu quả hơn.

Thêm vào đó, khả năng tối ưu công cụ tìm kiếm (SEO) cũng là một yêu cầu cốt lõi giúp đẩy mạnh độ nhận biết thương hiệu đến khách hàng một cách rộng rãi.

Và yếu tố thứ ba giúp truyền tải giá trị của thương hiệu, sản phẩm đến với khách hàng chính là nội dung. Vì vậy, marketing executive cần thành thạo khả năng xây dựng nội dung thông qua các kênh truyền thông để truyền tải trọn vẹn các giá trị và thu hút hiệu quả các đối tượng mục tiêu.

Kỹ năng thuyết trình

Một khả năng thuyết trình tốt sẽ giúp cho marketing executive tối ưu hiệu quả truyền tải ý tưởng, sự sáng tạo và giúp cho người nghe dễ dàng nắm bắt hơn.

Khả năng thuyết trình rành mạch, trôi chảy sẽ dễ dàng thể hiện và truyền tải trọn vẹn các ý tưởng tiếp thị khi cần phải thuyết phục Marketing Manager triển khai một ý tưởng mới nào đó.

Đồng thời, các thông điệp về sản phẩm/dịch vụ và thương hiệu cũng trở nên rõ ràng hơn với một kỹ năng thuyết trình giỏi, từ đó tăng mức độ thu hút các đối tượng mục tiêu cũng như các khách hàng tiềm năng.

Sáng tạo, thái độ làm việc cầu tiến

Yêu cầu tiếp theo của một nhân viên marketing là gì? Tư duy sáng tạo sẽ là nền tảng tuyệt vời giúp cho một marketing executive tha hồ bay bổng cùng những ý tưởng mới mẻ và độc đáo của mình. Đây chính là chìa khóa làm nên bước đột phá cho hầu hết các chiến dịch marketing hiện nay.

Cùng lúc đó, hãy đảm bảo óc sáng tạo luôn được thực hiện dưới tính kỷ luật cao để các ý tưởng sáng tạo được thực hiện đúng tiến độ, thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần cầu tiến, nghiêm túc trong công việc của một marketing executive tài giỏi.

Kỹ năng làm việc nhóm

Bên cạnh những công việc đòi hỏi tính kỷ luật và khả năng quản lý cá nhân, khả năng làm việc nhóm cũng là một kỹ năng quan trọng của marketing executive, góp phần kết nối các thành viên và tăng độ liền mạch cho quá trình thực hiện kế hoạch marketing. 

Là một marketing executive, đừng quên động viên, khen ngợi khi các thành viên trong nhóm của bạn làm việc hiệu quả hay cùng nhau tìm ra giải pháp nếu có vấn đề xảy ra để tất cả các thành viên đều duy trì được phong độ và năng lượng tích cực trong công việc!

marketing excutive và kỹ năng làm việc nhóm
lợi ích của làm việc nhóm

Khả năng ngoại ngữ

Thông thạo ngoại ngữ là một điểm cộng lớn cho marketing executive. Khả năng này sẽ giúp bạn tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu marketing hơn, góp phần phát triển nghề nghiệp và cơ hội thăng tiến trong tương lai.

Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng tạo ra nhiều tiềm năng để bạn có thể phát triển nghề nghiệp ở các môi trường đa quốc gia, hay tiếp cận các khách hàng và thị trường nước ngoài dễ dàng hơn.

Hiện nay, ngoài ngữ phổ biến nhất và cũng được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam chính là tiếng Anh, bạn có thể tìm thêm các khóa học và ứng dụng để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình nhé.

Mức lương của nhân viên marketing là gì?

Với Junior: thường bắt đầu làm quen các nhiệm vụ hoạch định, thực thi kế hoạch và báo cáo hiệu quả tiếp thị. Với kinh nghiệm 1-3 năm, junior executive sẽ có mức thu nhập 6-10 triệu đồng.

Với Senior: là vị trí có kinh nghiệm làm việc lâu năm và khả năng giải quyết những nhiệm vụ phức tạp một cách độc lập. Senior Executive thường tham gia vào định hướng, và tổ chức, quản lý hiệu quả hoạt động của bộ phận marketing, vì vậy mức lương thường nằm trong khoảng 10-15 triệu đồng.

Với vị trí Growth Executive: là vị trí sở hữu nền tảng kinh nghiệm vững chắc và sự nhạy bén cực cao với thị trường, mức lương hằng tháng từ 15-30 triệu đồng.

Đọc thêm: Intern marketing là gì? Tất tần tật về thực tập sinh marketing

Bộ câu hỏi phỏng vấn nhân viên Marketing thường gặp

Không có giới hạn nào cho vị trí marketing executive khi tham gia phỏng vấn vào một công ty mới do đặc thù của vai trò này là sự kết hợp tuyệt vời giữa nền tảng chuyên môn và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo qua một số câu hỏi quan trọng cho vị trí này nhé!

  • Mô tả lại những nhiệm vụ chính mà bạn đã chịu trách nhiệm ở công ty trước đây?
  • Hãy mô tả một chiến dịch marketing mà bạn đã tham gia lên ý tưởng và mang lại kết quả nổi bật?
  • Hãy mô tả một chiến dịch marketing mà bạn gặp thất bại hoặc hiệu quả kém? Bạn đã rút ra được bài học gì từ nó và cải thiện như thế nào?
  • Bạn đã từng gặp phải trường hợp người dùng phản ứng tiêu cực với thương hiệu, sản phẩm chưa (hoặc hãy hình dung công ty bạn đang gặp phải)? Với vai trò là một marketing executive chịu trách nhiệm cho trường hợp này, bạn sẽ giải quyết như thế nào?
  • Với những tìm hiểu về thương hiệu và sản phẩm của công ty, kết hợp với kinh nghiệm làm việc đã có, bạn cảm thấy hiệu quả marketing của công ty cần cải thiện/thay đổi điều gì?
  • Bạn thường cập nhật các xu hướng, kiến thức mới như thế nào?
  • Hãy nói về một thương hiệu có cách tiếp thị đặc biệt mà bạn yêu thích?

Đọc thêm: 7 Bước Chuẩn Bị Và 10 Kỹ Năng Phỏng Vấn Xin Việc Bạn Cần Phải Biết

Kết

Glints đã giúp bạn khám phá đầy đủ những thắc mắc về câu hỏi: “Marketing executive là gì?”. Hãy tiếp tục cùng Glints chinh phục những cơ hội làm việc hấp dẫn về vị trí này và thăng tiến nhanh chóng trong hành trình nghề nghiệp sắp tới! 

Và đừng quên theo dõi những bài viết bổ ích để nắm giữ bí quyết thành công cho chính bạn nhé!

Tác Giả

ứng tuyển tại glints
tải mẫu cv file word