Ma cũ bắt nạt ma mới là thực trạng đáng lên án nơi công sở, nó xảy ra quá đỗi hiển nhiên đến nỗi mọi người coi đây là chuyện bình thường mà chúng ta dễ dàng gặp phải khi đi làm ở một môi trường mới.
Thông qua bài viết này Glints sẽ nêu lên định nghĩa ma cũ bắt nạt ma mới và cách để hòa nhập tại nơi làm việc.
Muôn hình vạn trạng của tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới
Ma cũ bắt nạt ma mới là tình trạng nhân viên cũ có những hành vi bắt nạt những nhân viên mới vào nghề. Làm việc từ xa tưởng như không xảy ra vấn nạn này nhưng sau đó vẫn tiềm ẩn những kẻ bắt nạt trên mạng xã hội.
Theo chuyên gia về nghề nghiệp của TopResume, Amanda Augustine, chia sẻ:
“Bạn có thể cho rằng bắt nạt tại nơi làm việc sẽ ít gây ra vấn đề hơn khi mọi người làm việc tại nhà, nhưng thật không may, không phải như vậy. Trên thực tế, nhiều người có thể cảm thấy dễ bắt nạt đồng nghiệp hơn vì họ có thể nấp sau bàn phím máy tính ”.
Ví dụ về bắt nạt từ xa (và tại văn phòng) bao gồm:
- Tin nhắn có nội dung phân biệt giới tính, miệt thị ngoại hình, vùng miền.
- Các bài đăng trên mạng xã hội có tính công kích cá nhân.
- Tin nhắn hoặc email đe dọa
- Hạ thấp, coi thường hoặc nói chuyện qua loa không vào trọng tâm với ai đó trong các cuộc họp
- Quản lý, xét nét quá mức chi tiết công việc.
- Tung tin đồn không hay về đồng nghiệp.
- Cướp công từ công việc mà người khác làm.
- La mắng một nhân viên trước mặt các nhân viên khác.
- Dựng chuyện và khiến nạn nhân nghi ngờ về chính bản thân họ.
Bắt nạt tại nơi làm việc có thể dẫn đến những vấn đề nguy ngại tới sức khỏe, căng thẳng quá mức, rối loạn lo âu và khiến năng suất làm việc thấp, nhưng đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Đọc thêm: Những điều nhân viên mới nên và không nên làm
Cách đối mặt với tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới
Bạn không thể cứ mãi để yên cho những hành vi quấy rối của những kẻ bắt nạt bạn vì chúng sẽ ngày một lộng hành. Dưới đây là những cách để bạn đối phó với tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới tại nơi làm việc:
1. Giữ bình tĩnh
Trong bất kỳ trường hợp nào bạn cũng phải giữ bình tĩnh vì đó có thể là cái bẫy. Việc bạn vùng lên, tranh cãi chỉ khiến mọi người xung quanh có cái nhìn mất thiện cảm với bạn. Mặc dù đó là do bạn cảm thấy ấm ức, bị tổn thương nhưng với người không hiểu chuyện thì đây chỉ là những hành động quá khích, gây mất đoàn kết, thiếu bình tĩnh.
Cho dù bạn đúng hay sai thì không có bất kỳ sếp nào muốn giữ lại một nhân viên mới vào đã gây mâu thuẫn với đồng nghiệp. Hãy cố gắng giữ tâm trạng bình ổn, tiết chế cảm xúc bên ngoài.
Thời gian sẽ chứng minh tất cả, kẻ bắt nạt bạn sẽ không giấu mình được lâu. Tiếp tục tập trung vào bản thân, nỗ lực trong công việc bạn sẽ nhận được đền đáp xứng đáng.
Đọc thêm: Cách ứng xử với đồng nghiệp “phiền phức” thật khéo léo
2. Tập trung vào công việc
Ở môi trường làm việc mới chắc hẳn bạn sẽ phải nhận những công việc lặt vặt không nằm trong chuyên môn của bản thân nhưng đó là điều bình thường vì nhân viên mới thường chưa có nhiều việc quan trọng được giao phó.
Một số công ty sẽ có những nhân viên cũ chèn ép nhân viên mới vào làm bằng việc đùn đẩy công việc, đổ thừa trách nhiệm cho nhân viên mới.
Thay vì dồn hết tâm trí vào những kẻ chuyên đi bắt nạt hãy cố gắng hoàn thành tốt tất cả các đầu việc được giao. Kết quả công việc là thước đo chính xác nhất cho nỗ lực và cố gắng của bạn.
Mục tiêu của ma cũ là khiến bạn xao nhãng và thất bại. Vì vậy hãy lập kế hoạch, ghi chú những công việc cần làm để không bỏ lỡ điều gì. Kể cả khi bị cấp trên khiển trách cũng phải ghi nhớ để không tái phạm lỗi vào lần sau. Luôn ở thế chủ động học hỏi, nắm bắt những góp ý từ sếp và đồng nghiệp.
3. Lên tiếng sớm nhất có thể
Nếu bạn bỏ qua tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới và để nó tiếp tục trong giai đoạn đầu, nó sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Những kẻ bắt nạt sẽ tỏ ra vui vẻ và đắc chí vì nghĩ bạn chấp nhận chịu trận.
Đừng biến mình trở thành mục tiêu lâu dài của chúng. Cách tốt nhất mà bạn có thể làm cho chính mình là vào phút ai đó có ý định bắt nạt bạn, hãy lên tiếng ngay lúc đó và dập tắt nó.
Bạn có thể trực tiếp nói chuyện này với cấp trên hoặc những người đồng nghiệp khác để nhận sự giúp đỡ của họ hoặc ít nhất nhờ họ đưa ra những lời khuyên để đối phó với vấn đề này.
Ngoài ra, chú ý tới ngôn ngữ cơ thể cũng rất quan trọng. Hãy luôn trong tư thế ngẩng cao đầu, thể hiện sự ngay thẳng và tự tin của bản thân. Bởi con mồi của ma cũ thường là những người yếu ớt, tự ti. Gọi tên và chỉ đích danh kẻ bắt nạt nhiều nhất có thể.
Đừng né tránh mà thẳng thắn chia sẻ cảm xúc của bạn với họ.
4. Chú trọng cách ăn mặc
Những điều đầu tiên khiến những kẻ bắt nạt chú ý tới là phong thái, cách đi đứng và cách ăn mặc của bạn. Đừng để bản thân trở thành chủ đề bàn tán của cả công ty, ma cũ sẽ tìm cơ hội để phán xét, nói xấu bạn.
Hãy tìm hiểu quy định về trang phục của công ty, những phong cách phù hợp với môi trường làm việc. Chú trọng sự gọn gàng, ngăn nắp, lích sự ở quần áo bạn mặc ngay từ khi bước vào nơi làm việc.
Không nên có mong muốn gây chú ý bằng cách khoác lên mình những bộ cánh diêm dúa, cầu kỳ và hở hang. Biết cách ăn mặc phù hợp cũng là một cách tôn trọng ánh nhìn của người khác.
Đọc thêm: Ngày đầu đi làm, giới thiệu sao cho thật ấn tượng?
5. Chăm chỉ hoà nhập
Là nhân viên mới bạn nên thường xuyên tham gia những hoạt động ngoại khóa do công ty tổ chức. Ngoài việc mở rộng mối quan hệ nơi công sở. Thông qua các hoạt động, bạn còn có thể gắn kết tinh thần làm việc với mọi người xung quanh.
Nếu quá tách biệt với đám đông bạn sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu của kẻ bắt nạt. Và đặc biệt sẽ không ai đứng ra bênh vực bạn khi bạn gặp khó khăn.
Trong một môi trường làm việc sẽ không quá khó khăn để tìm kiếm những người đồng nghiệp có cùng tần số với mình, hãy cố gắng cởi mở, hòa đồng với mọi người ở công ty bạn.
6. Chăm sóc sức khỏe bản thân bạn
Đừng quá mải mê làm việc và chú tâm tới chuyện ma cũ bắt nạt ma mới mà quên đi sức khỏe của bản thân. Nhiều cá nhân sợ việc phải lên tiếng khi họ bị bắt nạt. Họ lo lắng về những gì người khác sẽ nghĩ.
Và, nếu kẻ bắt nạt là sếp của họ hoặc một người nào đó ở địa vị cao. Điều đó khiến họ cảm thấy vị trí làm việc đang bị đe dọa.
Bị bắt nạt có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe và cả về tinh thần lẫn thể chất. Chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc chuyên gia tư vấn, điều trị tâm lý là một nơi tuyệt vời để giúp bạn đối phó với căng thẳng khi bị bắt nạt và đưa ra các giải pháp về cách xử lý nó.
Kết
Hãy hành động để hỗ trợ bản thân nếu bạn thấy mình bị ảnh hưởng bởi một kẻ bắt nạt tại nơi làm việc. Ngoài ra, khi bạn lên tiếng và giữ vững lập trường cho mình. Điều đó sẽ tạo sức mạnh cho những người khác cũng làm như vậy. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về tình trạng ma cũ bắt nạt ma mới nơi công sở.
Theo dõi những bài viết mới nhất và tìm kiếm cho bản thân những cơ hội việc làm tại Glints.
Tác Giả