Cơ hội nào cho lập trình viên không bằng cấp?

Đối với những ngành nghề liên quan đến máy móc và kỹ thuật, sở hữu một tấm bằng chính quy chính là con đường ngắn nhất để xây dựng sự nghiệp đáng mơ ước. Tuy thế, đó không phải là con đường duy nhất. Trên thực tế, các lập trình viên không bằng cấp nhưng đổi lại là kinh nghiệm dày dặn, kiến thức vững vàng, và thái độ làm việc chuyên nghiệp luôn được chào đón.

Riêng với ngành Kỹ thuật phần mềm, bạn vẫn có thể thực hiện công việc này mà không cần một tấm bằng chính quy. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Bạn nên làm thế nào và có lộ trình học tập ra sao để trở thành một kỹ sư phần mềm mà không thông qua trường lớp chính quy? Cùng Glints tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

1. Kỹ thuật phần mềm là gì?

Kĩ thuật phần mềm là một trong những chuyên ngành “được săn đón” trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Xuất phát với tên gốc tiếng Anh là “Software Engineer”, đây là ngành học mà tại đó, các học viên sẽ được học cách lập trình, viết code, tạo nên các phần mềm máy tính phục vụ cho một mục đích nào đấy. 

Họ thực hiện điều đó dựa trên các nguyên lý, nguyên tắc nền tảng của công nghệ phần mềm. Bên cạnh đó, họ cũng là người phát triển, bảo trì, kiểm thử và đánh giá chất lượng phần mềm, hệ thống hoặc bất kỳ nền tảng nào chứa phần mềm trong đấy. 

Dưới đây là một số đầu việc cụ thể mà kỹ sư phần mềm sẽ phải thực hiện:

  • Lắng nghe mong muốn của khách hàng về phần mềm mới
  • Phân tích các mong muốn của khách hàng để thiết kế mô phỏng phần mềm
  • Viết code
  • Kiểm thử phần mềm trước khi bàn giao cho khách
  • Cung cấp các bản cập nhật 
  • Bảo trì.

2. Cơ hội việc làm cho lập trình viên không bằng cấp

Với gói công việc đặc thù như thế, liệu người làm việc trong ngành kỹ thuật phần mềm có cần bằng cấp chính quy hay không? 

Ta không thể phủ nhận được rằng những chương trình đào tạo mang đến bằng cấp chính quy chính là “tấm vé vàng” để các kỹ sư khởi đầu sự nghiệp của mình. 

Thế nhưng, theo khảo sát dành cho các nhà phát triển năm 2016 được thực hiện bởi Stack Overflow,

“56% lập trình viên không có bằng đại học về khoa học máy tính hoặc lĩnh vực liên quan.”

Điều này mang ý nghĩa rằng họ vẫn có thể đảm nhiệm công việc này mà không cần đến bằng cấp chính quy.

Một phần lý do khiến vị trí kỹ thuật phần mềm không yêu cầu bằng cấp là vì ngành này rất tiềm năng và đặc thù. Điều này cho phép người học dễ dàng tiếp cận với lượng kiến thức từ bất cứ nơi nào: trên Internet, các khóa học ngắn hạn & dài hạn, từ bạn bè, thậm chí nghề dạy nghề, v.v.  

Chính vì lẽ đó, triển vọng cho các kỹ sư phần mềm tự học và sinh viên tốt nghiệp các chương trình phi truyền thống dường như đã được cải thiện trong nhiều năm trở lại đây. Các lập trình viên không bằng cấp vẫn có cho mình những cơ hội phát triển nghề nghiệp nếu thực sự cố gắng và có năng lực.

kỹ sư phần mềm
© Freepik.com

Đọc thêm: Kỹ Sư Phần Mềm Cần Học Những Gì?

3. Kỹ thuật phần mềm lương bao nhiêu?

Sẽ rất khó để biết công việc Kỹ thuật phần mềm lương bao nhiêu, nhưng Glints đã tổng hợp những mức lương thường thấy ở vị trí này:

  • Đối với các kỹ sư phần mềm có kinh nghiệm nhất định: mức lương rơi vào khoảng 1000 – 1500 USD/tháng.
  • Đối với cấp độ quản lý cao hơn, mức lương có thể lên đến 3000 – 4000 USD/tháng.
  • Đối với các kỹ sư phần mềm có trình độ tiếng Anh tốt có thể ứng tuyển vào các công ty công nghệ hàng đầu như: Google, Twitter, Facebook,… Họ có thể nhận được mức lương “khủng” đến 160.000 USD/năm cùng môi trường tuyệt hảo để phát triển kỹ năng.

4. Cơ hội việc làm của ngành kỹ thuật phần mềm

Các sinh viên theo học ngành kĩ thuật phần mềm sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành kỹ sư phần mềm. Họ có thể đảm nhiệm các công việc khác nhau tại những công ty khác nhau tùy thuộc vào hướng phát triển cá nhân của họ.

Giám đốc kỹ thuật

Đây là vị trí quản lý cao nhất của phòng kỹ thuật. Công việc này đòi hỏi khả năng giám sát cực kỳ tốt để đảm bảo quy trình vận hành của máy móc, thiết bị thông qua các phần mềm. 

Quản lý dự án (PM)

Đây là vị trí thiên về việc lập kế hoạch, tổ chức, quản lý, giám sát quá trình phát triển của một dự án phần mềm nhằm đảm bảo đầu ra của phần mềm đúng với mong muốn của các cấp quản lý; đồng thời đảm bảo đúng tiến độ thời gian và nằm gọn trong ngân sách đã được duyệt.

Đọc thêm: Kinh Nghiệm Làm Công Việc Trái Ngành

Lập trình viên (Coder)

Họ sử dụng thuần thục các ngôn ngữ lập trình và công cụ để thiết kế mô phỏng, xây dựng và bảo trì phần mềm, ứng dụng,…

Nói một cách ví von, họ giống như một người nhạc sĩ tạo ra lời bài hát cũng như giai điệu, nốt nhạc cho một bài “hit”.

kỹ thuật phần mềm là gì

Kỹ sư cầu nối (BrSE)

Đúng như tên gọi viết tắt của từ tiếng Anh Bridge System Engineer, người đảm nhiệm vị trí này sẽ thực hiện các nhiệm vụ kết nối các nhóm làm việc, công ty với khách hàng để đảm bảo các bên đều đang hiểu “cùng pha” với nhau.

Kiểm thử phần mềm (Tester)

Sau khi một phần mềm gần như hoàn thiện, người kiểm thử phần mềm sẽ trực tiếp kiểm tra (thủ công hoặc kết hợp các công cụ) cách vận hành của phần mềm trên thực tế. Liệu nó đã thỏa mãn được mục tiêu hay chưa? Liệu nó còn đang chứa những lỗi hay khiếm khuyết nào cần cải thiện hay không?

Họ phải kiểm tra, phân tích, quan sát và đánh giá các khía cạnh khác nhau của một sản phẩm. Sau đó, họ sẽ báo cáo kết quả cho đội ngũ phát triển phần mềm để từ đó tối ưu hóa chất lượng phần mềm.

Kỹ sư đảm bảo chất lượng phần mềm

Khác với người kiểm thử phần mềm, kỹ sư đảm bảo chất lượng phần mềm sẽ là người giám sát để chắc chắn rằng các tiêu chuẩn và quy trình được định nghĩa và tuân thủ nghiêm túc.

Tất cả những điều này phải hướng đến mục tiêu và yêu cầu trước đó. Hay nói một cách đơn giản, công việc của kỹ sư đảm bảo chất lượng phần mềm sẽ thiên về quy trình nhiều hơn “soi” lỗi.

Quản lý dự án Công nghệ Thông tin

Đây là công việc đi xuyên suốt cả dự án, bao gồm: lên mục tiêu, lập kế hoạch, tổ chức, phân bổ các nguồn lực và công việc, giám sát, đánh giá, bám sát tiến độ. Công việc này sẽ thiên về việc quản lý con người, quản lý nguồn lực và quản lý tính hiệu quả của dự án. 

Quản lý kỹ thuật

Dù quy mô công ty lớn hay nhỏ thì nhân viên quản lý kỹ thuật đều phải tham gia vào các công tác vận hành phần mềm.

Thông qua những thay đổi về chiến dịch sản xuất, nhân viên bộ phận quản lý sẽ thường xuyên kiểm tra tình trạng máy móc để chủ động nắm bắt được các loại máy cần sửa chữa hay thay mới.

Quản trị viên dự án phần mềm và CNTT

Đây là vị trí liên quan mật thiết với các hoạt động lập kế hoạch; giám sát và kiểm soát các nguồn lực trong dự án phần mềm (kinh phí, con người,…); đảm bảo thời gian thực hiện; dự trù và giảm thiểu các rủi ro; thiết lập quy trình thực hiện dự án để đảm bảo mọi thứ đúng tiến độ và thành công.

5. Làm gì, học gì để trở thành kỹ sư phần mềm?

Phát triển kỹ năng chuyên môn với các chứng chỉ

Tất nhiên không có bằng cấp chính quy, không có nghĩa là không cần học gì để trau dồi kiến thức. Vậy câu hỏi lớn nhất được đặt ra là học kỹ thuật phần mềm có khó không?

Nếu bạn không có bằng tốt nghiệp đại học, bạn sẽ phải dựa vào các bằng chứng khác để thuyết phục trường hợp của mình với nhà tuyển dụng. 

Các khóa học trực tuyến, các chương trình Coding bootcamps, hay các khóa học ngắn hạn tại các trung tâm dạy nghề là những lựa chọn thay thế ngày càng phổ biến. Những chương trình học này cung cấp cơ hội được đào tạo tập trung vào các kỹ năng cốt lõi cần thiết để trở thành software engineer, mà không cần dành thời gian cho các môn học không liên quan khác.

không phải kỹ sư phần mềm
© Freepik.com

Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình đào tạo và bootcamps sẽ đều yêu cầu hoàn thành một số bài tập về mã hóa để có thể tốt nghiệp và có chứng chỉ. Nếu thực hiện tốt những bài tập này, chúng hoàn toàn có thể được sử dụng sau này làm để minh chứng về kỹ năng của các kỹ sư phần mềm. 

Vì vậy, các dự án cá nhân sẽ trở thành một tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ xin việc của các ứng viên. Bạn có thể xây dựng một website cá nhân để lưu trữ portfolio cũng như các chứng chỉ đã đạt được.

Tham gia vào các dự án lớn nhỏ

Song song với việc tham gia vào các khóa đào tạo, bạn cũng có thể tham gia vào các dự án lớn nhỏ với tư cách là một người làm việc tự do.

Điều đầu tiên bạn cần làm là tìm một số dự án để thực hiện. Dưới đây là một số chiến lược mà bạn có thể áp dụng.

  • Tìm kiếm thông qua mạng lưới: những bạn cùng lớp, người hướng dẫn hoặc tìm kiếm sự trợ giúp từ chính trung tâm dạy nghề mà bạn theo học để có thêm thông tin về các dự án nhỏ mà họ có sẵn thông tin và có thể giới thiệu bạn tham gia.
  • Tìm kiếm trên các nền tảng công việc tự do, như Upwork hay Freelancer
  • Tìm kiếm trên các mạng xã hội như LinkedIn, Facebook, Twitter. Hãy tham gia các nhóm có liên quan đến kinh nghiệm và sở thích của bạn. Hãy viết bài giới thiệu và kết nối với nhiều người cùng ngành nghề nhất có thể. Biết đâu sau khi hiểu về bạn, họ sẽ tìm đến bạn khi có một dự án phù hợp.
  • Tự thành lập các dự án: nếu việc tìm kiếm một dự án thuộc một công ty nào đó khó khăn hơn, bạn có thể kết hợp cùng một vài người bạn của mình để xây dựng một dự án nhỏ cho riêng mình. Hãy tập trung vào điều mà thị trường còn thiếu, tìm ra giải pháp và xây dựng sản phẩm từ đó.

Hoàn thiện CV

Một bản CV chất lượng sẽ là nơi làm nổi bật những kỹ năng của bạn và giấu đi những điểm yếu. Điều này cũng không ngoại lệ trong ngành Kỹ thuật phần mềm. Đặc biệt là với những người không sở hữu bằng cấp chính quy, việc viết CV lại càng đòi hỏi nhiều khéo léo hơn.

Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp coding bootcamp hoặc đã tham gia một số khóa học trực tuyến quan trọng, liệt kê trình độ học vấn của bạn ở đầu thường là một cách hiệu quả để cho thấy rằng bạn đã đầu tư nhiều thời gian để trau dồi kiến thức trong lĩnh vực này. 

Trong trường hợp bạn là người xin việc trái ngành và bằng cấp chính quy của bạn không liên quan chặt chẽ tới Kỹ thuật phần mềm, bạn có thể cân nhắc đặt nó xuống cuối phần Trình độ học vấn, hoặc thậm chí là không đề cập đến.

lập trình viên không bằng cấp cần học gì?
© Freepik.com

Thay vì dành nhiều đất diễn cho trình độ học vấn, thứ đang được coi là điểm yếu của bạn, hãy đầu tư nhiều hơn vào phần Mô tả chi tiết các dự án của bạn. 

Khi nói về những dự án này, hãy bao gồm những chi tiết như ứng dụng được sử dụng vào mục đích gì, hoạt động như thế nào, cũng như các công cụ bạn đã sử dụng để viết nó (ngôn ngữ lập trình, framework, v.v.). 

Bạn cũng có thể đăng tải dự án của mình lên Github và đề cập mã dự án trong CV để nhà tuyển dụng dễ dàng kiểm chứng; hoặc tự tạo portfolio riêng và đính kèm link trong CV.

Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi phỏng vấn

Các cuộc phỏng vấn trong ngành Kỹ thuật phần mềm sẽ tương đối khác biệt so với những buổi phỏng vấn cho những lĩnh vực khác. Tại đây, các ứng viên sẽ phải đối phó với các câu hỏi nhanh và các bài tập trực tiếp trên bảng trắng hoặc máy tính để chứng minh kỹ năng của mình

Để chuẩn bị tốt, hãy thực hiện một số nghiên cứu để xác định cách mỗi công ty kiểm tra ứng viên. Bạn cũng có thể tìm tới những trang web chuyên cung cấp các bài tập coding chuẩn bị cho vòng phỏng vấn, chẳng hạn như Leetcode, Interviewbit hay Coderbyte, để luyện tập.

lập trình viên không bằng cấp
© Freepik.com

Thêm vào đó, với những ứng viên không sở hữu bằng cấp, người phỏng vấn sẽ cố gắng xác định năng khiếu, khả năng học hỏi nhanh trong môi trường làm việc và niềm đam mê với ngành. 

Bạn cũng cần chuẩn bị trước câu trả lời khi vấp phải những câu hỏi liên quan đến bằng cấp. Hãy nói về những yếu tố liên quan đến giáo dục và đào tạo khác mà bạn có; những kinh nghiệm và dự án bạn đã từng tham gia. 

Đừng quên bày tỏ sự tự tin vào những kỹ năng mà bạn có thể đóng góp ngay lập tức; cũng như thừa nhận rằng bạn vẫn còn nhiều điều để học – giống như những người bạn mới tốt nghiệp đại học khác.

Nếu bạn muốn “dấn thân” vào ngành Kỹ thuật phần mềm, Glints sẽ giúp bạn mở ra những cơ hội nghề nghiệp đấy! Hãy xem ngay thông tin tại ĐÂY để tìm kiếm những công việc phù hợp nhất với bạn nhé! Đừng lo lắng vì nhà tuyển dụng cũng sẵn sàng trao cơ hội cho những lập trình viên không bằng cấp nhưng có năng lực, sự cầu tiến, và đặc biệt là kinh nghiệm dày dạn.

Tác Giả

ứng tuyển tại glints
tải mẫu cv file word