Trong thời đại số hóa, tuyển dụng truyền thống đang đứng trước nguy cơ “bị thay thế”. Từ đó mà Talent Acquisition (thu hút nhân tài) – một hình thức tuyển dụng mới mẻ đang dần lên ngôi.
Talent Acquisition là gì và có khả năng tạo nên những bước đột phá như thế nào đối với ngành tuyển dụng? Cùng Glints tìm hiểu “từ A đến Z” về ngành nghề mới này nhé!
Ý nghĩa của Talent Acquisition đối với doanh nghiệp
Talent Acquisition là một hình thức tuyển dụng mới mẻ và mang đến rất nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, chẳng hạn như:
- Giúp công ty tạo ra nhóm ứng viên bền vững: Để chuẩn bị nguồn nhân lực những hoạt động lâu dài trong tương lai, các doanh nghiệp ưu tiên hướng đến việc tạo ra một nhóm ứng viên bền vững hơn những đợt tuyển dụng ngắn hạn. Talent Acquisition sẽ giúp họ làm điều đó.
- Nâng cao giá trị thương hiệu: Nhân tài sẽ được thu hút bởi những doanh nghiệp chất lượng và uy tín. Thương hiệu không khó để nâng cao giá trị, nhưng nó cần được xây dựng lâu dài. Mỗi hoạt động của doanh nghiệp đều phải nghiêm túc và liên tục đẩy mạnh, quan tâm đến chất lượng người dùng và chính sách cho nhân viên.
- Tạo nguồn nhân lực tài năng cho doanh nghiệp: Cung cấp giải pháp dài hạn hơn so với những đợt tuyển dụng ngắn hạn từ phương pháp truyền thống, Talent Acquisition sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra nguồn nhân lực chất lượng. Doanh nghiệp có thể tiếp cận và tuyển dụng các ứng viên tiềm năng hay nhân tài hiếm có nhờ khai thác tối đa lượng người dùng lớn trên các nền tảng website.
Vì sao Talent Acquisition sẽ dần thay thế Tuyển dụng truyền thống?
Tuyển dụng truyền thống không phải lúc nào cũng phù hợp với các doanh nghiệp. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phần lớn các nhà tuyển dụng phải vật lộn để tìm được những người đáp ứng những yêu cầu từ vị trí tuyển dụng của họ.
Khác hẳn các chiến thuật tuyển dụng đơn thuần dường như có vẻ máy móc. Thực hiện chiến lược Talent Acquisition là công việc đòi hỏi bạn làm thế nào để hiểu được giá trị thực sự của nhân viên. Người làm Talent Acquisition cần nhận thức được các xu hướng nhân sự hiện tại, tình trạng của lực lượng lao động và sử dụng cái nhìn sâu sắc đó để thu hút nhân tài.
Muốn theo đuổi nghề Talent Acquisition cần có kỹ năng và phẩm chất gì?
Kỹ năng lên kế hoạch và xây dựng chiến lược
Người làm Talent Acquisition cần xây dựng một chiến lược để tìm kiếm ứng viên, quản lý dữ liệu ứng viên, hình thành một phễu ứng viên tiềm năng.
Kiến thức về thị trường và lực lượng lao động
Sự hiểu biết về các công việc khác nhau trong doanh nghiệp và vị trí phù hợp với công việc ấy là một yêu cầu thiết yếu đối với người làm Talent Acquisition.
Bạn cần nắm rõ các kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực của mỗi vị trí để tìm kiếm những người phù hợp. Người làm Talent Acquisition trong các doanh nghiệp lớn cần hiểu về hàng trăm vị trí khác nhau, cũng như các nguồn ứng viên hiệu quả để có thể xây dựng chiến lược tuyển dụng phù hợp.
Kỹ năng xây dựng thương hiệu
Thương hiệu cũng là thứ hấp dẫn người tài đầu quân cho công ty. Giá trị thương hiệu cao sẽ thu hút các ứng viên hàng đầu, là yếu tố chính trong việc tuyển dụng nhân sự.
Người làm Talent Acquisition cần xây dựng mối quan hệ với ứng viên thông qua các nền tảng tuyển dụng như website, Linkedin, Facebook, v.v., qua đó truyền tải những hình ảnh tích cực về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp đến ứng viên.
Khả năng phân tích
Dữ liệu là thứ mà bất kì chiến lược tuyển dụng nhân sự nào cũng cần để theo dõi và phân tích quy trình tuyển dụng.
Người làm Talent Acquisition cần có khả năng phân tích và tư duy dữ liệu đưa ra những quyết định tốt hơn hoặc cải thiện quá trình “săn nhân tài” thông qua việc quản lý thông tin và hồ sơ ứng viên.
Kỹ năng giao tiếp tốt
Đây là kỹ năng mang đến thành công trong bất kì vài trò nào, đặc biệt là với người làm Talent Acquisition.
Là người liên lạc giữa doanh nghiệp và ứng viên, một chuyên viên Talent Acquisition cần có khả năng giao tiếp tốt, đàm phán thông minh và hòa giải hiệu quả. Bạn cần hiểu tầm quan trọng của ngôn ngữ cơ thể và những tín hiệu phi ngôn ngữ tiềm ẩn để có thể kết nối, tương tác giữa người với người một cách khéo léo, đặc biệt khi phải làm việc với ứng viên.
Lắng nghe và thấu hiểu
Một chuyên viên Talent Acquisition cần phải là một người tích cực lắng nghe. Điều này áp dụng cho các tình huống phỏng vấn qua điện thoại hoặc hoặc những giai đoạn đầu tiên khi vừa tiếp xúc ứng viên.
Sử dụng thành thạo các công cụ kỹ thuật hỗ trợ quản lý
Người làm Talent Acquisition của tương lai phải am hiểu công nghệ, sẵn sàng thích ứng và áp dụng công nghệ mới, chẳng hạn như các phần mềm quản lý nhân sự, Applicant Tracking System, v.v.
Tuy vậy, bạn cũng phải hiểu rằng bí quyết thành công không chỉ nằm ở việc phụ thuộc vào công nghệ mà là ở việc áp dụng những tiến bộ mới nhất.
Công việc của chuyên viên Talent Acquisition là gì?
Hoạch định chiến lược và xây dựng phễu thu hút nhân tài
Trong quá trình làm việc, chuyên viên Talent Acquisition cần hoạch định chiến lược cụ thể để tìm kiếm, thu hút ứng viên bám sát vào mục tiêu phát triển và yêu cầu của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, người làm Talent Acquisition hiểu rõ về từng vị trí cũng như yêu cầu của nó, từ đó xây dựng một hệ thống tuyển dụng phù hợp cho quy trình triển khai kế hoạch về sau.
Xác định nguồn nhân lực, tạo nguồn ứng viên
Việc nắm rõ vị trí, vai trò, năng lực, kinh nghiệm cần thiết trong các hoạt động của doanh nghiệp sẽ giúp cho hoạt động Talent Acquisition được hiệu quả. Tức bạn phải thấu hiểu hàng chục, hàng trăm vị trí khác nhau trong doanh nghiệp. Khác với hoạt động tuyển dụng, khi bạn chỉ cần mô tả công việc và yêu cầu của một vị trí nhất định.
Xây dựng thương hiệu tuyển dụng
Thương hiệu tuyển dụng giúp thu hút các ứng viên tài năng, nâng cao vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, giúp mọi người hình dung được phong cách làm việc tại tổ chức.
Vì vậy việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng là điều không thể thiếu trong hoạt động Talent Acquisition. Đây là một quá trình dài, từ việc xác định tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đến việc truyền tải hình ảnh tới các ứng viên thông qua các nền tảng website, fanpage, LinkedIn, v.v.
Thực hiện quy trình tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực
Sau khi đã thực hiện hoàn chỉnh các công đoạn tìm kiếm, phân tích… người làm Talent Acquisition vẫn cần phải tiến hành các quy trình phỏng vấn, tuyển dụng tương tự như cách làm truyền thống.
Kèm theo đó, các Talent Acquisition cũng cần cân nhắc, chọn lọc ra những nhân tài cho doanh nghiệp. Từ đó, phát triển đội ngũ nhân lực tài giỏi và phù hợp nhất với văn hóa doanh nghiệp.
Tạo dựng, chăm sóc và duy trì mối quan hệ với ứng viên
Xây dựng mối quan hệ với ứng viên là công việc quan trọng khi bạn lựa chọn bắt đầu vị trí là một chuyên viên Talent Acquisition. Công việc này sẽ bao gồm nâng cao trải nghiệm, quản lý cộng đồng ứng viên và duy trì mối quan hệ với các ứng viên tạm thời cho những lần hợp tác về sau.
Bên cạnh đó, Talent Acquisition sẽ cần tìm đến những ứng viên phù hợp với vị trí ứng tuyển và hầu như không có giới hạn nào trong việc tìm kiếm ứng viên.
Đo lường và báo cáo
Trong quá trình “săn” nhân tài mới, một công cụ thiết yếu không thể thiếu chính là Dữ liệu. Qua các con số đo lường và báo cáo, chuyên viên Talent Acquisition có thể phát hiện những thiếu sót trong quá trình tuyển dụng và đưa ra các phương án cải thiện chiến lược của mình.
Để làm được điều này, bạn cần trang bị những kỹ năng về thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu. Mặt khác, người quản lý trong quá trình tuyển dụng ngắn hạn truyền thống sẽ ít tiếp xúc với dữ liệu cho việc tối ưu lâu dài hơn.
Đọc thêm: Quy Trình Thu Hút Nhân Tài Để Đạt Hiệu Quả Cao Cho Doanh Nghiệp
Mức lương và cơ hội nghề nghiệp
Một số yêu cầu của vị trí Talent Acquisition là bạn cần phải tốt nghiệp cử nhân Đại học trở lên với các chuyên ngành liên quan đến nguồn nhân lực, có kinh nghiệm làm việc trong các sự kiện thu hút nhân tài và một số kĩ năng cần thiết cho công việc như giao tiếp, sử dụng các kênh tiếp cận ứng viên…
Talent Acquisition tạo cơ hội cho bạn học hỏi nhiều kiến thức ở các lĩnh vực bạn tham gia. Không chỉ dừng lại ở việc thu hút, tuyển dụng nhân tài mà bạn còn phải biết cách hoạch định chiến lược, phân tích dữ liệu. Talent Acquisition là một công việc khá mới và có nhiều cơ hội để phát triển nên vị trí này thu hút sự quan tâm của phần đông ứng viên.
Vậy mức lương dành cho vị trí Talent Acquisition là bao nhiêu? Dựa theo tổng quan công việc làm trên Glints Việt Nam, khoảng lương phổ biến cho vị trí Talent Acquisition rơi vào từ 10-15 triệu đồng cho các vị trí Junior (từ 1-3 năm kinh nghiệm), và từ 15-20 triệu đồng cho vị trí Senior (từ 3-5 năm kinh nghiệm).
Đối với các vị trí quản lý, mức lương phổ biến sẽ tầm chừng 25-40 triệu đồng, hoặc cao hơn tùy vào cấp độ chuyên môn và yêu cầu tuyển dụng từ các công ty khác nhau.
Nếu những thông tin trên hữu ích với bạn, hãy click ngay vào hashtag Talent Acquisition bên dưới để cập nhật những bài viết mới nhất về ngành Thu hút nhân tài (TA) nhé!
Tác Giả