Nếu bạn đang là nhân viên chính thức ở các công ty, có thể bạn đã quá quen với các khoản phụ cấp đi lại, phụ cấp ăn uống hay phụ cấp chức vụ, v.v. Tuy nhiên, bạn có biết về một khoản trợ cấp cũng khá phổ biến đó là phụ cấp trách nhiệm công việc hay chưa? Hãy cùng Glints tìm hiểu về phụ cấp trách nhiệm công việc, cách tính phụ cấp trách nhiệm như thế nào và các quy định về phụ cấp trách nhiệm mới nhất nhé!
Phụ cấp trách nhiệm là gì?
Phụ cấp trách nhiệm công việc là một khoản hỗ trợ cho người lao động nhằm bù đắp cho phần việc quản lý nằm ngoài chức năng/nhiệm vụ của họ. Có thể hiểu rằng những người lao động này vừa thực hiện công việc chuyên môn của mình, vừa phải đảm nhiệm các công việc quản lý, hoặc những công việc yêu cầu trách nhiệm cao nhưng chưa chính thức được lên chức/ nhận được khoản lương tương xứng.
Vì sao lại xác định đây là một khoản phụ cấp chứ không phải là trợ cấp? Vì đây là khoản tiền xuất phát từ việc người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động để bù đắp về điều kiện sinh hoạt hoặc điều kiện lao động, v.v, mà người lao động xứng đáng được nhận nhưng chưa có trong mức lương.
Đọc thêm: Phụ Cấp Thâm Niên Là Gì Và Những Kiến Thức Cần Biết
Điều kiện và đối tượng hưởng phụ cấp trách nhiệm là gì?
Để được hưởng phụ cấp trách nhiệm, công việc của người lao động cần thoả mãn các điều kiện sau:
- Người lao động làm các công việc liên quan đến công tác quản lý như tổ trưởng, quản đốc, trưởng ca, tổ phó, trưởng nhóm, v.v, hoặc những công việc có chức danh tương đương.
- Người lao động được yêu cầu làm những công việc cần có trách nhiệm cao hơn nhiệm vụ thực tế của mình (so với những thoả thuận trong hợp đồng lao động). Một số vị trí công việc được nhận phụ cấp trách nhiệm phổ biến là thủ kho, thủ quỹ, kiểm ngân, v.v.
Lưu ý: Mức phụ cấp trách nhiệm sẽ được chi trả cùng với kỳ lương hàng tháng, được tính trong bảng lương của người lao động. Phụ cấp trách nhiệm sẽ chỉ được trả khi người lao động làm công việc đủ điều kiện nhận phụ cấp từ đủ một tháng trở lên.
Cách tính phụ cấp trách nhiệm và mức hưởng
Có 4 mức tính phụ cấp trách nhiệm công việc, lần lượt là 0.5, 0.3, 0.2 và 0.1 theo mức lương tối thiểu chung.
VD: Với các doanh nghiệp nhà nước, chúng ta có cách tính phụ cấp trách nhiệm công việc như sau:
Mức hưởng phụ cấp = Mức lương cơ sở x Hệ số phụ cấp trách nhiệm
Cụ thể: Nếu mức lương cơ sở của người lao động là 1.490.000 VNĐ, và họ được hưởng phụ cấp 0.2 thì số tiền phụ cấp mỗi tháng của họ là:
Mức hưởng = 1.490.000 x 0.2 = 298.000 VNĐ
Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu về từng mức trợ cấp:
Mức 1: Hệ số 0.5
Người lao động được hưởng hệ số phụ cấp trách nhiệm 0.5 là những cán bộ, công chức, và viên chức nằm trong biên chế trả lương của các phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 2, 3, 5 thuộc Bệnh viện Hữu Nghị và phòng Bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương phía Nam thuộc Bệnh viện Thống nhất. Ngoài ra, những người làm lái xe phục vụ Phó Thủ tướng Chính phủ và các chức vụ tương đương trở lên.
Đọc thêm: Lương Truy Lĩnh Là Gì? Cách Tính Truy Lĩnh Lương Nhanh Nhất
Mức 2: Hệ số 0.3
Người lao động được nhận mức phụ cấp 0.3 là:
- Trạm trưởng, Trại trưởng tại các trạm, trại nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm khoa học kỹ thuật của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, y, dược khoa và làm thuốc.
- Cán bộ, viên chức trực tiếp bảo dưỡng, vận hành các loại máy như máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C, những người xử lý mẫu và nguồn phóng xạ kín, hở, các chức vụ liên quan đến an toàn phóng xạ.
- Công chức, viên chức, cán bộ thuộc biên chế trả lương của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của các khoa, bộ phận hồi sức cấp cứu và trực tiếp phục vụ cấp cứu bệnh nhân tại trạm cấp cứu 05.
- Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc được trả lượng bởi các trường học/cơ sở giáo dục chuyên biệt; những giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) cho Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở các trường phổ thông hạng I.
- Huấn luyện viên trưởng các đội tuyển thể dục, thể thao Quốc gia.
- Những cán bộ lái xe phục vụ chức danh Bộ trưởng và tương đương.
- Trưởng kho vật liệu nổ, nhân viên làm trong lĩnh vực cung ứng vật liệu nổ.
Mức 3: Hệ số 0.2
Người lao động được hưởng phụ cấp trách nhiệm mức 0.2 là:
- Phó trạm trưởng tại các trạm nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm khoa học kỹ thuật của các ngành nông lâm nghiệp, và thủy sản
- Cán bộ, viên chức làm công việc liên quan đến bảo vệ, vận chuyển, làm việc với các mẫu và nguồn phóng xạ
- Tổ trưởng các ngành khí tượng thuỷ văn, địa chất, khảo sát, đo đạc, trồng rừng và điều tra rừng.
- Trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế hiện vật trong kho khu di tích Phủ Chủ tịch, các bảo tàng hạng II trở lên; Trưởng kho lưu trữ tài liệu thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, các bảo tàng, thư viện.
- Trưởng kho thuộc Cục Dự trữ Quốc gia; kiểm soát tiền, vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp huyện.
- Cán bộ, viên chức được trả lương bởi các trại điều dưỡng thương binh nặng, bệnh viện điều trị người tâm thần, bệnh phong.
- Giáo viên đảm nhiệm làm Tổng phụ trách – chuyên trách và bán chuyên trách – ở Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tại các trường phổ thông hạng II.
- Huấn luyện viên trưởng các đội tuyển thể dục, thể thao tỉnh, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của Bệnh viện Hữu nghị;
- Bác sĩ, kỹ thuật viên y học thể dục, thể thao tại các đội tuyển Quốc gia – những người làm công tác theo dõi, kiểm tra, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho các vận động viên.
- Phó trưởng kho vật liệu nổ.
Mức 1: Hệ số 0.1
Người lao động được hưởng phụ cấp trách nhiệm mức 0.1 là:
- Phó trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế hiện vật trong kho khu di tích Phủ Chủ tịch, các bảo tàng hạng II trở lên; Phó trưởng kho lưu trữ tài liệu thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước, các bảo tàng, thư viện.
- Trưởng kho tại các cơ quan lưu trữ tài liệu, thư viện Trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế và giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng.
- Phó trưởng kho, Phó trưởng quỹ tiền, vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện.
- Giáo viên đảm nhiệm làm Tổng phụ trách – chuyên trách và bán chuyên trách – ở Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tại các trường phổ thông hạng III.
- Cán bộ, viên chức y tế đảm nhận việc đỡ đẻ ở các trạm, bệnh viện phụ sản, các khoa sản ở bệnh viện đa khoa và ở các trung tâm y tế;
- Cán bộ, viên chức y tế trực tiếp làm kiểm nghiệm thuốc.
- Bác sĩ, kỹ thuật viên y học thể dục, thể thao tại các đội tuyển cấp ngành, tỉnh làm công tác kiểm tra, theo dõi, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho các vận động viên.
- Thủ quỹ cơ quan, đơn vị.
- Nhân viên bảo vệ, thủ kho vật liệu nổ.
- Tổ trưởng các ngành còn lại.
Đọc thêm: Cách Tính Phần Trăm Lương Dễ Hiểu Dễ Áp Dụng
Kết luận
Trên đây, chúng ta đã cùng tìm hiểu về phụ cấp trách nhiệm công việc và điều kiện cũng như các đối tượng được nhận phụ cấp trách nhiệm. Hi vọng bài viết của Glints đã cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích nhé!
Theo dõi Glints để xem thêm nhiều thông tin hữu ích khác.
Tác Giả