Trong năm 2022 có các khoản giảm trừ thuế TNCN nào cho người lao động? Nếu bạn đang thắc mắc về vấn đề này thì hãy cùng Glints tìm hiểu ngay bài viết sau đây để biết được các khoản trừ thuế người lao động được giảm trừ nhé.
Các khoản giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN
Căn cứ tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC có quy định cụ thể về các khoản giảm trừ gia cảnh trong thuế TNCN, cụ thể:
Mức giảm trừ gia cảnh
Giảm trừ gia cảnh chính là số tiền mà người lao động được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú.
Các khoản được giảm trừ khi tính thuế tncn đối với mức giảm trừ gia cảnh sẽ có hai phần, cụ thể:
- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế (đây là khoản giảm trừ mà người nộp thuế là cá nhân cư trú sẽ được giảm trừ)
- Mức giảm trừ đối với người phụ thuộc, người nộp thuế chỉ được tính giảm trừ cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã tiến hành đăng ký thuế và được cấp mã số thuế theo quy định. Nói một cách đơn giản, ngay cả khi có đối tượng người phụ thuộc nhưng không đăng ký sẽ không được giảm trừ.
Căn cứ theo Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có quy định cụ thể về mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân cụ thể như sau:
- Thực hiện giảm trừ đối với những đối tượng nộp thuế có thu nhập cá nhân là 11 triệu đồng/tháng (tổng 132 triệu đồng/năm).
- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc sẽ là 4,4 triệu đồng/tháng.
Vậy các khoản giảm trừ thuế tncn 2022 đối với mức giảm trừ gia cảnh không có gì thay đổi so với năm 2020.
Đọc thêm: Thuế Luỹ Tiến Là Gì? Cách Tính Thuế Thu Nhập Cá Nhân Luỹ Tiến
Quy định đối với người phụ thuộc
Căn cứ tại điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định cụ thể đối với người phụ thuộc bao gồm:
- Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:
- Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
- Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
- Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.
- Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.
- Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này bao gồm:
- Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
- Ông nội, bà nội; ông ngoại, bà ngoại; cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
- Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
- Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.
Điều kiện để trở thành người phụ thuộc
Điều kiện để trở thành người phụ thuộc đối với vợ hoặc chồng; cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế và các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang trực tiếp nuôi dưỡng được cho là người phụ thuộc để được nhận được các khoản giảm trừ khi tính thuế tncn khi đáp ứng điều kiện sau:
- Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
- Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
- Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
- Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
Đọc thêm: CIT Là Gì? Cách Tính Thuế CIT Bạn Nên Biết
Giảm trừ gia cảnh đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện
- Các khoản giảm trừ gia cảnh trong thuế tncn đối với các khoản đóng bảo hiểm bảo hiểm, cụ thể: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tại một số ngành nghề nhất định bắt buộc phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Một số khoản đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, người lao động mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
- Các khoản phí đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi khoản thu nhập phải chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không được quá 1 triệu đồng/tháng đối với những người lao động có tham gia sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ tài chính bao gồm số tiền sử dụng dụng người lao động tự đóng cho người lao động và số tiền người lao động tự nguyện đóng (nếu có), khoản giảm trừ còn được áp dụng cho cả trường hợp tham gia nhiều quỹ.
- Người nước ngoài là cá nhân đang cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân đang cư trú tại Việt Nam nhưng đang làm việc tạo nước ngoài có thu nhập từ quá trình kinh doanh, tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo đúng quy định nơi cá nhân đang cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) được trừ vào các khoản phí bảo hiểm đó và thu nhập phải chịu thuế từ tiền lương, tiền công, tiền kinh doanh khi tính thu nhập cá nhân.
- Là cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia các khoản bảo hiểm được nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ phí thu nhập cá nhân ngay vào thu nhập thuế trong năm nếu có chứng từ chứng minh và được tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo đúng quy định. Trong trường hợp người lao động không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm sẽ được giảm trừ một lần khi quyết toán thuế theo quy định.
Giảm trừ gia cảnh đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
Các khoản giảm trừ tính thuế tncn khi người lao động đóng góp từ thiện, khuyến học, nhân đạo cụ thể như sau:
- Khoản chi đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa.
- Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại:
- Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội;
- Nghị định số 81/2012/NĐ-CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội
- Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
- Các khoản được giảm trừ thuế tncn còn bao gồm khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến các khoản giảm trừ thuế tncn mà Glints đã chia sẻ đến bạn đọc. Chắc rằng với những thông tin hữu ích mà chúng mình chia sẻ ở bài viết trên sẽ phần nào giúp bạn nắm rõ những trường hợp nào bản thân sẽ được giảm trừ thuế cho bản thân mình.
Tác Giả