Bạn đã bao giờ nghe về cụm từ lương khoán? Lương khoán có giống như lương cứng hay lương cơ bản hay không? Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Glints tìm hiểu lương khoán là gì và những thông tin quan trọng xoay quanh khoản lương này nhé.
Lương khoán là gì?
Lương khoán là khoản tiền mà người lao động thoả thuận với người sử dụng lao động theo khối lượng công việc mà người lao động phải làm. Đây là hình thức trả lương được quy định tại Khoản 1 Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, điều luật này quy định như sau: “Người sử dụng lao động và người lao động tự thoả thuận với nhau về cách thức trả lương theo sản phẩm, thời gian hoặc khoán.”
Hiện nay, lương khoán thường được áp dụng đối với các công việc có tính chất tạm thời, thời vụ. Hình thức trả lương khoán hoàn toàn hợp pháp theo pháp luật quy định và các công ty cũng như người lao động có thể tự thoả thuận lương khoán tuỳ theo nhu cầu và mục đích của mình.
Cách tính lương khoán
Lương khoán sẽ được tính theo khối lượng công việc của người lao động, theo chất lượng công việc, thời gian hoàn thành và đơn giá lương khoán thoả thuận trước đó giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Công thức tính lương khoán như sau:
Tiền lương khoán = Mức lương khoán x Tỷ lệ phần trăm hoàn thành công việc
Ví dụ anh X được thuê may gấu bông trong 6 tháng, mỗi một con gấu được trả 50.000 VNĐ. Nếu anh X hoàn thành xong một bức tranh, đảm bảo về chất lượng và thời gian thoả thuận thì anh X sẽ nhận được 50.000 VNĐ.
Trong trường hợp anh X chỉ hoàn thành một nửa con gấu bông, anh sẽ chỉ được nhận: 50.000 x 50% = 25.000 VNĐ.
Như vậy, với công thức trên, người sử dụng lao động cần xây dựng đơn giá lương khoán để có thể làm căn cứ tính lương cho người lao động.
Đọc thêm: Cách Tính Lương Theo Sản Phẩm Chi Tiết Nhất
Các hình thức trả lương khoán cho người lao động
Về hình thức trả lương khoán, khoản 2 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 và Khoản 2 Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định lương khoán sẽ được trả băng 2 hình thức sau:
- Bằng tiền mặt
- Trả qua tài khoản ngân hàng cá nhân của người lao động
Với trường hợp trả lương qua tài khoản ngân hàng, doanh nghiệp cần phải thanh toán tất cả các loại phí liên quan đến việc mở thẻ cho người lao động cũng như chi phí chuyển tiền lương.
Người lao động và người sử dụng lao động sẽ được phép thoả thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc lương khoán theo tính chất công việc, hoặc điều kiện sản xuất kinh doanh.
Điều 54 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết như sau:
- Tiền lương theo thời gian trả cho người lao động, những người hưởng lương theo thời gian sẽ căn cứ vào thời gian làm việc từng ngày, từng tuần, từng giờ theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động:
- Tiền lương tháng được trả cho một tháng làm việc.
- Tiền lương tuần trả cho 1 tuần làm việc. Nếu hợp đồng lao động thỏa thuận về tiền lương theo tháng, thì tiền lương theo tuần sẽ được xác định bằng cách lấy tiền lương tháng nhân với 12 tháng và chia cho 52 tuần.
- Tiền lương ngày trả cho thời gian 1 ngày làm việc.
Trong trường hợp này, nếu hợp đồng lao động thỏa thuận nhận lương theo tháng thì tiền lương ngày sẽ được xác định bằng tiền lương tháng chia cho số ngày làm việc trong tháng. Còn nếu hợp đồng lao động thỏa thuận trả lương theo tuần thì tiền lương ngày được xác định bằng tiền lương tuần chia cho số ngày làm việc theo tuần.
- Tiền lương giờ được trả cho một giờ làm việc. Nếu hợp đồng thỏa thuận trả lương cho người lao động theo tháng, theo tuần hoặc theo ngày thì tiền lương giờ làm việc sẽ được xác định bằng tiền lương ngày chia cho tổng số giờ làm việc trong ngày.
- Tiền lương theo sản phẩm sẽ được trả cho người lao động hưởng lương theo sản phẩm. Số tiền lương sẽ căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, và chất lượng sản phẩm được giao.
- Tiền lương khoán trả cho người lao động hưởng lương khoán, được căn cứ vào khối lượng cũng chất lượng công việc và thời gian phải hoàn thành.
Khoản tiền lương theo quy định như trên sẽ được trả bằng tiền mặt, hoặc qua tài khoản ngân hàng của người lao động.
Hợp đồng giao khoán là gì?
Hợp đồng giao khoán là hợp đồng thoả thuận giữa hai bên. Theo đó, người nhận khoán hay người lao động sẽ có nhiệm vụ hoàn thành công việc, dự án theo yêu cầu của bên giao khoán, hay còn biết tới là doanh nghiệp. Sau khi đã hoàn thành, người nhận giao khoán có nghĩa vụ bàn giao lại cho bên giao khoán thành phẩm, cũng như kết quả công việc. Đồng thời, bên giao khoán có nghĩa vụ trả lương cho người lao động theo thoả thuận.
Có 2 loại hợp đồng giao khoán chính:
- Hợp đồng giao khoán toàn bộ: Với loại hợp đồng này, bên giao khoán sẽ trao cho bên nhận khoán toàn bộ chi phí, bao gồm chi phí vật chất và chi phí công lao động liên quan đến các hoạt động cần làm để hoàn thành công việc.
- Hợp đồng giao khoán từng phần: Với loại hợp đồng này, người nhận khoán phải lo về công cụ lao động và khí đó, người giao khoán sẽ phải chi trả các khoản tiền khấu hao công cụ cũng như là tiền công lao động.
Lao động làm việc theo hợp đồng giao khoán có được đóng BHXH không?
Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Người lao động đang là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc sẽ bao gồm:
a) Người làm việc theo các loại hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 03 tháng tới dưới 12 tháng, kể cả các loại hợp đồng được ký kết giữa người sử dụng lao động và đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định pháp luật về lao động.”
Như vậy, người lao động đang làm việc theo loại hợp đồng lao động có thời hạn trên 3 tháng hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thì sẽ thuộc đối tượng cần tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Quy trình Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, v.v, tiền lương khoán theo hợp đồng lao động chính là tiền lương căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
Mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định như sau:
- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Khoản 2 Điều 6. Trường hợp mức tiền lương tháng của người lao động cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng. (khoản 2 Điều 15)
- Đối tượng tại Điểm 1.1, 1.2, Khoản 1 Điều 17: mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 6. (khoản 1 Điều 18)
Đọc thêm: Các Loại Bảo Hiểm Bắt Buộc Người Lao Động Cần Biết
Lương khoán có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Vậy, lương khoán có phải chịu thuế thu nhập cá nhân hay không? Câu trả lời là có.
- Thu nhập của cá nhân được nhận từ hợp đồng giao khoán được xếp chung vào nhóm thu nhập từ tiền lương, tiền công. (theo Điểm c, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính)
- Doanh nghiệp ký hợp đồng giao khoán với cá nhân không có đăng ký kinh doanh để thực hiện các công việc như xây dựng cầu đường, thi công lắp đặt công trình, sửa chữa các công trình xây dựng và dân dụng, v.v, thì thu nhập mà cá nhân nhận được sẽ thuộc diện chịu thuế theo quy định về tiền lương, tiền công.
- Doanh nghiệp cần có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân dựa theo thuế suất 10% trước khi trả cho cá nhân, không phân biệt cá nhân là đại diện cho nhóm cá nhân.
- Về hóa đơn: Trong trường hợp tổ chức không phải là doanh nghiệp, mà là hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế sẽ không cấp hóa đơn.
Kết luận
Trên đây, bạn đã cùng Glints tìm hiểu về lương khoán là gì, cách tính lương khoán cũng như một số thông tin khác liên quan đến khoản lương này. Hi vọng qua bài viết trên, bạn đã có những kiến thức nhất định về lương khoán và có thể tự tin đàm phán với nhà tuyển dụng sau này.
Tác Giả