QK2 – Nhà văn Nikolai A.Ostrovsky, thuộc Liên Xô (cũ) từng gắn bó với những thăng trầm, sóng gió và vinh quang của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga. Trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy”, ông đã tái hiện cuộc đời mình qua nhân vật Pavel Corsaghin, lớn lên chia tay người yêu ra trận, bị thương nặng, giải ngũ, lao động ở công trường sau này bị liệt phải nằm một chỗ rồi hỏng mắt… Dù gian khổ nhưng không bao giờ Pavel bi quan, chán nản. “Thép đã tôi thế đấy” trở thành ngọn lửa và chất thép được tôi luyện với một niềm tin mãnh liệt: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. “Thép đã tôi thế đấy” trở thành cuốn sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ Việt Nam, trong đó có các Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và Liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm. Phương châm, lẽ sống của nhân vật Pavel từng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại nhiều lần cho toàn Đảng, toàn dân.
Các thế hệ học trò thuở những năm năm mươi, sáu mươi đến tám mươi của thế kỷ trước hẳn không quên bài thơ “Con cá, chột nưa” của Tố Hữu. Khi tuổi đôi mươi, tác giả cùng nhiều chiến sĩ cộng sản bị giam cầm ở nhà tù Lao Bảo. Bài thơ được hình thành trong ngày thứ mười hai ông cùng các bạn tù tuyệt thực để đấu tranh vì một người tù cộng sản bị bọn cai ngục đánh chết. Địch dùng món ăn ngon để dụ dỗ những người cộng sản đang dần kiệt sức, hòng tạo tâm lý đấu tranh giằng xé giữa bản năng với việc bảo vệ, giữ tròn khí tiết người cộng sản. Để rồi, khí chất, danh dự đã chiến thắng cái tôi: “Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm/ Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí”… Và rồi, chí khí quyết tâm ấy buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Hai nhân vật văn học nhưng nguyên mẫu từ những con người thực để lại cho chúng ta những bài học về rèn luyện nhân phẩm, danh dự, lòng tin. Phẩm chất ấy chính do cốt cách cùng sự nỗ lực, rèn luyện cá nhân mới có được. Với mỗi người, thứ tài sản quý giá ấy góp phần tạo nên địa vị, lòng tôn trọng, sự nhìn nhận, đánh giá của mọi người, của tổ chức, của xã hội. Bất luận trong tổ chức, cơ quan, đơn vị nào và cả xã hội, cũng cần những người có nhân phẩm, biết giữ danh dự, lòng tin với mọi người.
Đã là con người, từ người bình thường đến người có địa vị xã hội, có học vấn, ai cũng có lương tâm, danh dự. Danh dự gắn với trình độ nhận thức, văn hóa, trình độ ứng xử, thể hiện phẩm chất đạo đức, lòng tự trọng mỗi con người. Mức độ ảnh hưởng từ danh dự cá nhân mỗi người khác nhau. Những người có uy tín, địa vị xã hội càng cao, mức độ ảnh hưởng càng lớn, càng cần phải tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn uy tín, danh dự cá nhân cũng chính là giữ gìn cho tập thể. Với người đảng viên của Đảng, uy tín, danh dự gắn liền với tổ chức Đảng, thậm chí sự tồn vong của chế độ.
Đáng tiếc, trong điều kiện hiện nay, bên cạnh đại đa số những cán bộ đảng viên có lòng tự trọng cao, biết giữ gìn nhân cách, phẩm giá, danh dự cá nhân và tập thể, thì một số cán bộ, đảng viên tự mình đã đánh mất danh dự cá nhân, làm hoen mờ uy tín của tổ chức. Những cán bộ của Đảng bị thi hành kỷ luật trong thời gian gần đây, trong đó có cả các đảng viên là cán bộ cao cấp, chính là những người đã tự làm mất đi danh dự của cá nhân và làm hoen ố uy tín của tổ chức Đảng, giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng.
* * *
Nhận ra yêu cầu cần có giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, trì trệ, giữ gìn cho được uy tín, trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên mà trước hết phải bắt đầu từ những cán bộ chủ trì, ngày 16/5/2018, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân khu đã ban hành Chỉ thị số 53-CT/ĐU “Về việc nâng cao trách nhiệm của cán bộ chủ trì các cấp trong Lực lượng vũ trang Quân khu”. Chỉ thị này bắt nguồn từ sự trăn trở, tìm tòi nghiên cứu từ những cán bộ đi đến đâu, làm bất cứ việc gì cũng đều lo cho cấp dưới, lo cho đời sống bộ đội và lo giữ gìn danh dự, uy tín của tổ chức Đảng, đảng viên…
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 53 đã từng bước đi vào cuộc sống. Phải khẳng định rằng, những nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì theo Chỉ thị 53 là cách làm được bắt nguồn từ thực tiễn, rất phù hợp với nội dung yêu cầu Quy định 08 của Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương”; càng khẳng định Chỉ thị 53 ra đời là sự đòi hỏi tất yếu để phát huy vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp góp phần xây dựng LLVT Quân khu thực sự là lực lượng tin cậy, chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Một trong những nhóm giải pháp đó là lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo từng quý, 6 tháng hoặc khi cần thiết và được đánh giá theo các mức: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và không tín nhiệm.
Tín nhiệm là sự đánh giá khách quan của người khác đối với một cá nhân hay tập thể, là sự thông hiểu, tin cậy và tôn trọng dành cho cá nhân hay tập thể. Tín nhiệm của cán bộ, đảng viên được cấu thành bởi nhiều thành tố, trong đó, những thành tố cơ bản là kiến thức, năng lực, đạo đức và phong cách công tác, thể hiện cái “tâm”, cái “tầm” của người cán bộ. Những yếu tố ấy không tự nhiên mà có, không được ai trao tặng mà phải cả quá trình xây dựng, rèn luyện, giữ gìn. Người cán bộ có độ tín nhiệm cao trước hết là người trung thực, thắng thắn; có vốn sống, hiểu biết cao, phong cách dân chủ, đoàn kết trong tập thể, không vụ lợi; luôn quan tâm đến tập thể, đến cấp dưới, giúp đỡ cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ. Trong mọi nhiệm vụ, nhất là những tình huống khó khăn, đột xuất, cán bộ có thể đưa ra những giải pháp xử lý hiệu quả nhất; đồng thời gương mẫu đi đầu thực hiện ở những khâu, những nội dung khó khăn nhất, thậm chí phải hy sinh, nhường thuận lợi cho đồng đội. Từ những phẩm chất ấy, người cán bộ gây được lòng thiện cảm, độ tin cậy và tôn trọng của mọi người.
Theo tinh thần Chỉ thị 53, đánh giá tín nhiệm chính là đánh giá uy tín, danh dự, trách nhiệm đối với cán bộ chủ chốt, chủ trì. Kết quả đánh giá tín nhiệm với phương pháp khách quan, trung thực, dân chủ, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mỗi cá nhân, khi đạt được yêu cầu này, mức độ tín nhiệm được coi là lòng tin. Mức độ tín nhiệm tạo nên danh dự, uy tín của cán bộ, là một trong những cơ sở quan trọng giúp cấp ủy xem xét đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải có trách nhiệm thực hiện đúng, đủ yêu cầu, các biện pháp thực hiện Chỉ thị 53 đạt hiệu quả thiết thực. Cán bộ có tỷ lệ phiếu không tín nhiệm cao, cần nhận thức đầy đủ mục đích đánh giá tín nhiệm là một biện pháp tự phê bình và phê bình; là phương pháp góp ý trung thực, khách quan, thẳng thắn, chân thành đối với người cán bộ, là cách thức kiểm soát quyền lực giúp cán bộ chủ trì chấp hành nguyên tắc dân chủ, tôn trọng tập thể. Chúng ta phải nhất quán quan điểm khi được đồng chí, đồng đội đánh giá tín nhiệm không cao, chính là cơ hội thể hiện tinh thần cầu thị, nhìn nhận lại bản thân để nghiêm túc tiếp thu, khắc phục, nêu cao ý thức trách nhiệm với tập thể, với bản thân và cương vị chức trách được giao.
Danh dự đồng hành với trách nhiệm phải được giữ gìn, gột rửa thường xuyên. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Người cũng khẳng định: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhấn mạnh, nhân phẩm, danh dự và uy tín là điều thiêng liêng, cao quý nhất.
Danh dự người cán bộ, đảng viên – Hãy tự phấn đấu, rèn luyện, để có và nghiêm túc giữ gìn; tất cả chúng ta hãy cùng giúp nhau phát huy giá trị thiêng liêng, cao quý ấy!
Thiếu tướng TRẦN NGỌC TUẤN, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Quân khu