QK2 – Nắm, quản lý, giải quyết tốt tư tưởng chiến sĩ mới (CSM) ngay từ những ngày đầu nhập ngũ; gắn huấn luyện với truyền thụ kinh nghiệm; coi trọng giáo dục truyền thống, nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ luôn tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc, nhất là các hoạt động tham quan, học tập tại các di tích trên mảnh đất Điện Biên Phủ Anh hùng. Đó là những biện pháp hiệu quả mà Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên thực hiện thời gian qua.
TRUYỀN THỤ KINH NGHIỆM TỪ THỰC TIỄN
Mặt trời vừa đứng bóng, nền nhiệt trên mảnh đất lịch sử Điện Biên Phủ bỏng rát. Tại thao trường huấn luyện của đơn vị, Trung uý Nguyễn Đình Tư, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741 vẫn chăm chú hướng dẫn CSM của đơn vị kỹ thuật động tác gói, buộc lượng nổ. Đảm nhiệm huấn luyện đề mục: Dùng lượng nổ đánh phá các loại mục tiêu ban ngày và ban đêm, quá trình huấn luyện Trung uý Nguyễn Đình Tư sử dụng động tác mẫu, kết hợp vừa làm chậm, vừa phân tích, giúp chiến sĩ dễ quan sát, thực hiện. Khi nói về bộc phá được bộ đội ta sử dụng trong các cuộc chiến tranh, anh Tư bèn dẫn chứng sức mạnh của khối bộc phá nghìn cân, bộ đội ta tiêu diệt cứ điểm Đồi A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung uý Nguyễn Đình Tư cho hay, chiến thắng của bộ đội ta trên Đồi A1 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi, là một kỳ tích lịch sử trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Nắm chắc tính năng, tác dụng của thuốc nổ, các đồng chí cần sử dụng hiệu quả thuốc nổ để đánh từng loại mục tiêu.
Theo Thiếu tá Trần Công Hậu, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741 được giao nhiệm vụ quản lý, huấn luyện CSM đến từ các địa phương thuộc tỉnh Điện Biên, đơn vị chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ. Quá trình huấn luyện tiểu đoàn huấn luyện sâu, kỹ các nội dung thực hành, nhất là huấn luyện giúp CSM tự tin hoàn thành tốt nội dung kiểm tra “3 tiếng nổ”. Việc truyền thụ kinh nghiệm được đội ngũ cán bộ chú trọng, để giúp bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ, liên hệ vận dụng vào bài học đạt kết quả cao.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại uý Mùi Hảo Nghiệp, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741 cho hay, CSM đang học tập, rèn luyện tại đơn vị, phần lớn chiến sĩ là người đồng bào dân tộc. Tham gia huấn luyện, thời gian đầu một số chiến sĩ nắm nội dung không chắc, cá biệt đơn vị có chiến sĩ lần đầu làm quen với tiếng nổ tâm lý còn chưa vững. Để nâng cao kết quả huấn luyện; bảo đảm chất lượng huấn luyện đồng đều giữa các phân đội, quá trình huấn luyện Tiểu đoàn 1chú trọng sàng lọc, phân loại đối tượng. Theo đó, chiến sĩ có kết quả huấn luyện cao đơn vị tăng cường bồi dưỡng, tổ chức hội thao, nâng cao thành tích. Với những chiến sĩ kết quả huấn luyện thấp hơn sẽ được đội ngũ cán bộ kèm cặp, uốn nắn, truyền thụ kinh nghiệm, giúp CSM tiếp thu nội dung huấn luyện nhanh hơn.
BỒI ĐẮP GIÁ TRỊ LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG
Tham quan tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741, chúng tôi được trải nghiệm bởi những thước phim chân thực của quân và dân ta trong suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” để làm nên một trong những chiến thắng vĩ đại nhất lịch sử dân tộc. Chiến sĩ Đinh Văn Dũng thuộc, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 chia sẻ: “Được tận mắt xem những thước phim tư liệu quý giá, tôi đã cảm nhận được về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm xưa và sự hy sinh, mất mát của ông cha trong chiến dịch này. Noi gương chiến sĩ Điện Biên năm xưa, tôi nguyện quyết tâm học tập, rèn luyện thật tốt, xứng đáng với công lao của thế hệ ông cha, hy sinh biết bao xương máu mới giành được độc lập như ngày hôm nay”.
Đôi mắt đỏ hoe khi được tận mắt quan sát hầm trú ẩn, nơi các chiến sĩ quân y chữa trị vết thương cho các thương binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, Binh nhì Giàng A Tằng, Chiến sĩ t Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 thổ lộ: Đó đều là những hình ảnh rất chân thực, phản ánh sinh động quá trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu của bộ đội và nhân dân ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thế hệ trẻ chúng tôi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Điện Biên, mảnh đất anh hùng nguyện tiếp tục phấn đấu rèn luyện, học tập tốt hơn nữa, cống hiến sức trẻ của mình để bảo vệ Tổ quốc. Theo chị Nguyễn Hải Yến, hướng dẫn viên Ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên, chị đã được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động của các bác cựu chiến binh kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thấm đẫm ân tình với Điện Biên qua từng chuyện kể, hôm nay chị Hải Yến lại có cơ hội chia sẻ câu chuyện với những bạn trẻ. “Tôi hy vọng sau buổi tham quan, học tập tại các di tích lịch sử các bạn trẻ trong quân ngũ được trang bị nhiều kiến thức bổ ích, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, chị Hải Yến tâm sự.
Thượng tá Nguyễn Đình Thuận, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Trung đoàn 741 cho biết: Việc thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Điện Biên bằng hình thức trực quan sẽ góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời làm lan tỏa truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, khát vọng cống hiến cho thế hệ trẻ hôm nay. Đó là nền tảng vững chắc để cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên rèn ý chí, khơi khát vọng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bài, ảnh: MẠNH TƯỜNG – PHẠM HẠNH