QK2 – Cách đây gần 10 năm khi tiếp cận với những bức ảnh đoạt giải Ảnh báo chí thế giới từ năm 1955 đến năm 2016, tôi ấn tượng với rất nhiều tác phẩm của các tác giả từ khắp nơi trên thế giới. Điều đặc biệt, những tác phẩm ảnh ấy đều ghi lại khoảng khắc rất chân thực, mà đôi khi chỉ duy nhất người chụp được nhìn thấy.
Điển hình trong số đó là những tác phẩm như: “Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối cuộc đàn áp Phật giáo của Chính phủ miền Nam Việt Nam” của tác giả Malcolm W. Browne, một tác giả người Mỹ, đoạt giải năm 1963, hay tác phẩm “Người mẹ và các con lội qua sông để tránh bom Mỹ. Không quân Mỹ đã càn quét ngôi làng của họ, vì nó bị nghi ngờ được sử dụng như một căn cứ địa của Việt cộng”, tác giả Kyoichi Sawada, người Nhật Bản, chụp tháng 9-1965… Điều dễ nhận ra ở những tác phẩm ấy tác động rất nhanh, mạnh tới thị giác của công chúng, tạo được ấn tượng khó quên đối với người xem.
Khi xem bức ảnh: Cô gái Bibi Aisha, 18 tuổi, đến từ tỉnh Oruzgan, Afghanistan đã trốn về nhà khỏi anh chồng bạo lực, theo phán quyết của toà án Taliban, cô đã bị xẻo tai và cắt mũi bởi chính người chồng của mình rồi bị bỏ rơi. May mắn thay, Bibi đã được các nhân viên cứu trợ giúp đỡ. Sau khi ở lại Kabul vài tháng, cô được đưa sang Mỹ để phẫu thuật lại. Tác phẩm đó của tác giả Jodi Bieber, người Nam Phi đoạt giải ảnh báo chí thế giới 2011, nhắc nhở chúng ta về một thế giới không an toàn đối với phụ nữ, ngay trong thế kỷ này, ở một nước không phải là quá nghèo hay chậm phát triển. Rõ ràng quan sát bức ảnh, chúng tôi thấy tính thẩm mỹ của ảnh không phải ở bộ mặt bị biến dạng của cô gái, mà là ở cảm giác thương cảm của công chúng dành cho nhân vật, phản đối hành động bạo hành đối với cô gái, từ đó có những nhận định và đánh giá đúng về thực trạng của một đất nước Hồi giáo, nơi thân phận của những người phụ nữ không được coi trọng. Đây được coi là một biểu hiện thay đổi của hành vi theo hướng tích cực, mang tính thẩm mỹ, tôn trọng các giá trị nhân văn của xã hội loài người.
Chúng tôi thấy, hiện nay có vô vàn những phương tiện kỹ thuật hiện đại, giúp cho mọi người dân đều có khả năng trở thành một người đưa tin tích cực, những thể loại ảnh đòi hỏi người phóng viên cần có kỹ năng tác nghiệp thành thạo, khả năng lăn xả và nhạy bén với các cao trào của sự kiện. Bên cạnh đó, người chụp ảnh cũng không được phép dựa vào các phần mềm chỉnh sửa ảnh, vì nó có thể làm mất đi không gian, bối cảnh của sự kiện. Để làm được điều đó, họ phải luôn sẵn sàng có mặt đúng nơi, đúng lúc, để ghi hình đúng thời điểm. Phương pháp ghi hình ngay tại thời điểm, vị trí, không gian… mà hành động, sự kiện diễn ra là phương pháp được áp dụng tuyệt đối trong toàn bộ quá trình tác nghiệp của người chụp ảnh báo chí.
Theo dõi các tờ báo xuất bản hiện nay, có thể thấy rằng, ảnh là khâu chưa thực sự được coi trọng trong quy trình làm báo. Trên các số báo có khi ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ cho tác phẩm báo chí, có rất ít ảnh báo chí gây được ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Sự mờ nhạt của những bức ảnh trên các trang báo là một trong những nguyên nhân khiến người đọc chỉ để ý đến tít bài, nội dung bài viết, hoặc sau khi đọc xong tin, bài rồi mới liếc qua xem ảnh, mà ít khi chú ý đến nội dung bức ảnh muốn chuyển tải. Điều đó không phải là lỗi của bạn đọc, mà lỗi chính từ những người làm báo do chưa tạo được ấn tượng để cuốn hút bạn đọc tập trung vào bức ảnh, chưa khai thác được lợi thế của ảnh báo chí trong việc chuyển tải thông tin đến bạn đọc.
Ảnh báo chí truyền tải thông tin bằng ngôn ngữ của nhiếp ảnh. Do vậy, đòi hỏi phóng viên khi tác nghiệp phải tiếp nhận thông tin, tư duy bằng hình ảnh và chuyển tải hình ảnh bằng bố cục, ánh sáng, đường nét và quan trọng nhất là phải bắt được thời khắc bấm máy. Thời khắc đó có khi chỉ tính bằng giây. Còn người làm công tác biên tập cần nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ảnh trên mỗi tác phẩm báo chí. Tuyệt đối không nên coi ảnh chỉ là một thứ sản phẩm chỉ để minh hoạ cho bài viết.
Một trong những biểu hiện khá phổ biến trong việc sử dụng ảnh của các toà soạn hiện nay là chưa thoát khỏi sự nể nang trong khâu đăng ảnh. Nội dung, bố cục của những bức ảnh đó vẫn cứ lặp đi, lặp lại, thường gây nhàm chán.
Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng ảnh báo chí, đáp ứng yêu cầu chuyển tải thông tin bằng hình ảnh trong xu thế hiện nay, các cơ quan báo chí và từng phóng viên cần chú trọng thông tin bằng hình ảnh trên báo chí, cần kiên quyết loại bỏ những hình ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, ảnh vô thưởng, vô phạt, những bức ảnh mà bản thân nó không chứa đựng thông tin báo chí, ít gây ấn tượng. Từng cơ quan báo chí cần đặt ra những yêu cầu đối với từng thể loại tác phẩm. Phóng viên khi viết bài, kèm theo đăng ảnh cần biết chuyển tải từ tư duy ngôn ngữ sang tư duy hình ảnh. Có khả năng phát hiện cái mới, có kỹ năng chụp ảnh tốt để có thể chụp được những bức ảnh đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Bài, ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG