QK2 – Theo Ban soạn thảo dự án Luật Công nghiệp Quốc phòng, An ninh (CNQP,AN) và động viên công nghiệp (ĐVCN), trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng tiềm lực CNQP,AN tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng, quy hoạch sắp xếp các cơ sở CNQP,AN phù hợp với thế trận phòng thủ chiến lược, đáp ứng yêu cầu đảm bảo tại chỗ cho các lực lượng khi có tình huống xẩy ra; thực hiện ĐVCN rộng khắp để chủ động ngăn ngừa từ sớm, từ xa, đẩy lùi và sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống, đủ nội lực đánh bại mọi hình thức chiến tranh xâm lược, bảo vệ an ninh quốc gia.
Vì vậy, việc xây dựng Luật CNQP,AN và ĐVCN là rất cần thiết, nhằm thể chế đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, hoàn thiện hành lang pháp lý đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ CNQP, CNAN và ĐVCN trong tình hình mới, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan.
Luật CNQP,AN và ĐVCN được xây dựng với mục đích phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CNQP, CNAN, ĐVCN trong trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang; tổ chức đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu hệ thống cơ sở phù hợp đặc thù CNQP, CNAN, ĐVCN gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đảm bảo thích ứng với nền kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu hóa; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về CNQP, CNAN, ĐVCN. Đồng thời nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, CNAN. Tập trung vào các nội dung: Nguồn vốn cho đầu tư; nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng; thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích nhân tài phục vụ xây dựng và phát triển CNQP,AN; triển khai các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mũi nhọn; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ sở CNQP, CNAN và ĐVCN; huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển CNQP, AN và thực hiện nhiệm vụ ĐVCN, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế…
Dự thảo Luật CNQP,AN và ĐVCN gồm 7 chương, 75 điều, nội dung tập trung vào 5 chính sách nổi bật được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội Khoá XV thông qua bao gồm: Phát triển CNQP, CNAN theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN; thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN; Huy động nguồn lực cho phát triển CNQP, CNAN; Bảo đảm hiệu quả hoạt động ĐVCN.
NGỌC VIỆT