Quân khu 2 – Chuẩn bị, tổ chức tốt các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị trong diễn tập KVPT tỉnh Yên Bái

QK2 – Diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Yên Bái 1 bên 3 cấp là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ trong năm 2023 mà cả nhiệm kỳ đại hội Đảng của cấp ủy, chính quyền, LLVT và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Qua đó nhằm đánh giá toàn bộ kết quả huấn luyện, phối hợp, hiệp đồng tác chiến của các lực lượng; năng lực điều hành của cán bộ, chỉ huy các cấp, khả năng tác chiến cũng như tham mưu của cơ quan quân sự, công an tỉnh.

Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ diễn tập KVPT tỉnh Yên Bái, các hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát huy nhân tố chính trị tinh thần, đảm bảo diễn tập đúng ý định, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị kỹ thuật.

Lãnh đạo tỉnh Yên Bái tổ chức luyện tập. (Ảnh: TUẤN VŨ)

.Quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 09/CT-QK ngày 14 tháng 2 năm 2023 của Tư lệnh Quân khu 2 về việc tổ chức diễn tập KVPT tỉnh Yên Bái, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35- CT/TU, ngày 1/3/2023 về việc tổ chức diễn tập KVPT tỉnh và cấp huyện năm 2023. Đảng ủy Quân sự tỉnh Yên Bái ban hành Nghị quyết số 884-NQ/ĐU lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ diễn tập KVPT tỉnh; Bộ CHQS tỉnh ban hành Chỉ thị số 313/CT-BCH về tổ chức CTĐ, CTCT trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập KVPT tỉnh; phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh và các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức diễn tập. Đối với Yên Bái, đây là cuộc diễn tập quy mô lớn nhất từ trước tới nay, được triển khai ở cả 3 cấp, với nhiều lực lượng tham gia, phạm vi địa bàn rộng.

Các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh với nòng cốt là lực lượng quân sự, công an triển khai nghiêm túc mọi mặt công tác chuẩn bị diễn tập. Nội dung diễn tập được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Chuyển LLVT tỉnh vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu; chuyển địa phương vào các trạng thái về quốc phòng; Giai đoạn 2: Tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ; Giai đoạn 3: Thực hành tác chiến phòng thủ. Diễn tập lần này có nhiều nội dung mới lần đầu đưa vào thực hiện gắn với những vấn đề thực tiễn về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương. Đây là cuộc “thử nghiệm” toàn diện về năng lực vận hành cơ chế lãnh đạo của Đảng theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới cho cấp ủy, chính quyền, khả năng tác chiến của LLVT địa phương, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; Phòng Chính trị đã tham mưu và trực tiếp tiến hành CTĐ, CTCT một cách chủ động, sáng tạo, phù hợp với từng giai đoạn diễn tập.

Xây dựng kế hoạch CTĐ, CTCT sát với tình hình thực tế, phân công nhiệm vụ, quy định tiến độ, thời gian hoàn thành cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân tham gia diễn tập. Đồng thời tổ chức quán triệt nhiệm vụ diễn tập cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm, xây dựng ý chí, quyết tâm, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nỗ lực hoàn thành công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, chỉ huy các cấp làm tốt công tác tổ chức, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các tiểu ban giúp việc, khung diễn tập, trên tinh thần sử dụng cán bộ tại chỗ là chính, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ diễn tập. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, tổ chức luyện tập, diễn tập thử theo kế hoạch đã được xác định. Trong đó, tập trung khắc phục những điểm yếu, mặt tồn tại, huấn luyện thêm những nội dung mới. Đối với đội ngũ bí thư, đảng ủy viên, cán bộ chính trị, tỉnh đi sâu vào bồi dưỡng năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành, tổ chức và phương pháp tiến hành CTĐ, CTCT trong các giai đoạn diễn tập. Cơ quan chính trị các cấp, tập trung xây dựng hệ thống văn kiện CTĐ, CTCT theo đúng hướng dẫn của Cục Chính trị Quân khu; bám sát cơ sở, tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ các ngành khối B xây dựng hệ thống văn kiện theo đúng quy định, sát tình hình nhiệm vụ, khắc phục tình trạng ỷ lại, làm thay. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả của CTĐ, CTCT đã góp phần thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan, ban, ngành làm tham mưu ngay từ bước chuẩn bị; góp phần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác chuẩn bị diễn tập. Nhờ đó, công tác chuẩn bị đã được tiến hành khẩn trương, chu đáo, nghiêm túc, đảm bảo tốt cho diễn tập theo đúng kế hoạch. Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện khu vực sở chỉ huy, sơ tán, huấn luyện thực binh; làm mới 145 băng zôn, khẩu hiệu, 1.400 cờ hồng kỳ, 6 video trình chiếu, bảo đảm lắp đặt màn hình LED và đường truyền dẫn trực tuyến phục vụ luyện tập tổng hợp và diễn tập chính thức. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo, đài tuyên truyền trước, trong và sau diễn tập.

Đại tá Phạm Viết Khánh cùng lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh luyện tập. (Ảnh: TUẤN VŨ)

Vào thực hành diễn tập là giai đoạn quan trọng nhất, quyết định thành công của cuộc diễn tập. Đặc điểm của giai đoạn này là khối lượng công việc lớn, phải triển khai đồng bộ cho các lực lượng, cơ quan, ban, ngành địa phương, diễn ra cùng lúc, thời gian ngắn. Vì vậy, nhiệm vụ CTĐ, CTCT phải được tiến hành khẩn trương, thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo của cấp ủy trong mọi tình huống; thể hiện ở việc nắm vững nguyên tắc, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam, trên cơ sở đó vận dụng sáng tạo vào giải quyết từng nội dung, tình huống cụ thể. Đồng thời, phát huy tính chủ động, quyết đoán của người chỉ huy, cán bộ chủ trì trong xây dựng quyết tâm, triển khai kế hoạch, xử lý các tình huống; nhất là các nội dung mới, như: “thiết quân luật”, chuyển hoạt động của địa phương sang thời chiến; xử lý tình huống A2; chủ động làm tốt công tác chính sách hậu phương quân đội… Cơ quan chính trị chuẩn bị tốt nội dung dự thảo nghị quyết, tổ chức các hội nghị của cấp ủy, thông qua các văn kiện CTĐ, CTCT. Theo đó, Hội nghị Đảng ủy Quân sự tỉnh thông qua quyết tâm tác chiến phòng thủ đã được thực hiện chất lượng. Đội ngũ chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị, trên cương vị của mình, đã bám sát khung tập, tuyên truyền, giáo dục, động viên bộ đội có niềm tin vào vũ khí, trang bị, nghệ thuật quân sự, cách đánh của ta; vận dụng tốt kỹ thuật, chiến thuật cá nhân và phân đội vào xử lý các tình huống trong diễn tập; duy trì, chấp hành nghiêm kỷ luật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và vũ khí, trang bị. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh phong trào thi đua, làm tốt công tác dân vận, nắm chắc tình hình an ninh chính trị địa bàn, thực hiện nghiêm quy định phòng gian bảo mật, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp nảy sinh.

Ở giai đoạn kết thúc diễn tập, cơ quan chính trị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình lực lượng tham gia diễn tập và nhân dân trên địa bàn; ổn định tổ chức, quản lý chặt chẽ quân số, duy trì nghiêm kỷ luật; giải quyết tốt công tác chính sách cho các đối tượng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo chức năng của mình, kiểm tra, tổ chức rút kinh nghiệm, bình xét thi đua, khen thưởng; đánh giá thực chất kết quả đạt được, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung nội dung, chương trình huấn luyện để tổ chức, chỉ đạo các cuộc diễn tập lần sau đạt kết quả tốt hơn. Hoạt động CTĐ, CTCT góp phần quan trọng vào kết quả cuộc diễn tập, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá PHẠM VIẾT KHÁNH, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Yên Bái