QK2 – Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu và cả nước. Những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối QS-QP của Đảng, LLVT tỉnh Điện Biên luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tập trung mọi nỗ lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quán triệt, xây dựng, triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng công tác QS-QP, xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Qua đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực QS-QP không ngừng được nâng lên. LLVT được xây dựng vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. KVPT các cấp được xây dựng ngày càng vững chắc; thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là “thế trận lòng dân” được củng cố một bước mới; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa, giáo dục, y tế, tạo nền tảng vững chắc xây dựng tiềm lực QP-AN, bảo vệ an toàn địa bàn.
Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn nói riêng còn chưa thật đầy đủ, toàn diện; việc xây dựng cơ sở chính trị và các tiềm lực phục vụ cho quốc phòng còn nhiều bất cập; kinh tế phát triển chưa đồng đều, đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn…, đã tác động không nhỏ tới quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân của tỉnh. Tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tỉnh, nòng cốt là LLVT cần tiếp tục quán triệt, tham mưu, triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng với quyết tâm chính trị cao và giải pháp đồng bộ, phù hợp.
Trên cơ sở xác định rõ vai trò nòng cốt, LLVT tỉnh tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ QS-QP, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 07/05/2021 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ QP-AN giai đoạn 2021 – 2025…
Cùng với đó là nâng cao hiệu quả công tác tham mưu xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, trọng tâm là tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế vững mạnh. Để tăng cường tiềm lực chính trị, tỉnh tập trung đẩy mạnh các biện pháp xây dựng hệ thống cơ sở chính trị địa phương vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 – 2025”; chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị 29 xã, phường, thị trấn địa bàn trọng điểm biên giới và các xã nội địa có tình hình an ninh chính trị phức tạp.
Quán triệt, thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, LLVT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng trên phạm vi toàn tỉnh gắn với quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định, quản lý các dự án, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, nhằm không chỉ duy trì đúng quy định pháp luật về QP-AN, mà còn huy động nguồn lực thúc đẩy QP-AN phát triển. Chủ động phối hợp và phát huy vai trò các Đoàn kinh tế – quốc phòng trên địa bàn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hỗ trợ giống, vốn; chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến; phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Kết hợp các chính sách an sinh xã hội chung với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn,.. của LLVT, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thời gian tới, cơ quan quân sự các cấp tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chủ trương, biện pháp xây dựng, điều chỉnh lực lượng thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu tổ chức hợp lý, cân đối với lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ, sẵn sàng chiến đấu cao, ưu tiên bảo đảm 95% quân số trở lên cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chuẩn bị sáp nhập cơ quan hậu cần, kỹ thuật các cấp và một số bộ phận theo kế hoạch, lộ trình xác định; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục QP-AN, xây dựng KVPT trên địa bàn. Đi liền với xây dựng lực lượng thường trực, tỉnh coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, sẵn sàng động viên bổ sung cho lực lượng thường trực khi cần thiết. Tiếp tục củng cố lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng địa phương; chú trọng huấn luyện, diễn tập nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho lực lượng dân quân tự vệ các xã, phường, thị trấn địa bàn biên giới trọng điểm, an ninh chính trị phức tạp; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an theo tinh thần Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống QP-AN ngay tại cơ sở.
Đại tá NGÔ QUANG TUẤN, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Điện Biên