QK2 – “Bản hòa âm đất nước”- là chủ đề của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, do Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp với Lữ đoàn 604 tổ chức nhân dịp Tết Nguyên tiêu Giáp Thìn 2024. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chuỗi các hoạt động văn học nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024); 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954 – 19/9/2024); 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2024) và tổng kết 50 năm nền Văn học nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (1975 – 2025).
Trong khí thế tràn sắc xuân, sau tiếng trống khai hội các đại biểu, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 604 được thưởng thức các tác phẩm thơ, ca khúc do các nghệ sĩ Đất Tổ thể hiện. Các tác phẩm thơ, ca khúc tập trung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng, đất nước đổi mới và phát triển; tôn vinh ngôn ngữ Việt và những thành tựu của thơ ca Việt Nam; lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước và hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Với nhiều hình thức nghệ thuật phong phú trong ngày thơ Việt Nam trên quê hương Đất Tổ như: trình diễn thơ, ca khúc phổ thơ, tọa đàm về thơ cùng các ca khúc chọn lọc biểu diễn. Điểm nhấn là các bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, do nghệ sĩ Nhật Tân, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ trình diễn đã ôn lại trong cảnh đêm khuya thanh vắng, Lý Thường Kiệt đã cất cao giọng đọc hào hùng:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lại xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!”
Bài thơ này đã khiến quân giặc hoảng loạn. Về sau như lời bài thơ, quân và dân ta đã chiến thắng quân giặc. Bài thơ là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc khẳng định chủ quyền đất nước. Sự khẳng định tuyệt đối cùng quyết tâm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền trước những kẻ xâm lăng, cảnh báo bất cứ kẻ nào dám xâm phạm vào chủ quyền đều phải chuốc lấy thất bại. Chân lý về chủ quyền độc lập rất thuận lòng người, hợp ý trời của nước Nam đã được tác giả khẳng định bằng tất cả sức mạnh của lòng yêu nước, căm thù giặc.
Bài thơ “Rằm tháng riêng”, của Hồ Chủ tịch được nghệ sĩ Bùi Thị Minh Luân ngâm đã giúp khán giả ôn lại lịch sử trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”.
Bài thơ không chỉ miêu tả hình ảnh thiên nhiên ở chiến khu Việt Bắc trong đêm trăng mà còn thể hiện được tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm cũng như tấm lòng yêu nước sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng tại ngày thơ, các đại biểu đã được thưởng thức các tác phẩm thơ tiêu biểu như: “Khúc thơ xuân”, tác giả Điền Ngọc Phách; “Khúc hát tự hào”, tác giả Đoàn Hải Hưng; “Chào em cô gái sông Đà”, tác giả Bùi Xuân Tường; “Cánh đồng làng”, tác giả Nguyễn Phúc Nghị và Dương Quý Linh; “Gặp thơ anh trên mạng”, tác giả Nguyễn Đức Thuận…
Thượng tá Hoàng Văn Toàn, Chính ủy Lữ đoàn 604 cho biết: Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn rất vinh dự, tự hào được đăng cai tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Các tác phẩm thơ nhạc hôm nay được các nghệ sĩ Đất Tổ cùng cán bộ, chiên sĩ Lữ đoàn thể hiện đã ghi dấu ấn quan trọng, giúp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn thêm hiểu những giá trị mà cha anh năm xưa đã dày công vun đắp.
Nhạc sĩ Cao Hồng Phương, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ đánh giá: Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức tại Lữ đoàn 604 đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng các đại biểu và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 604 thông qua các tác phẩm nghệ thuật thơ kết hợp sự thể hiện khéo léo, uyển chuyển của các nghệ sĩ trong Hội văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Đây là kết quả quan trọng giúp các nghệ sĩ Đất Tổ tiếp tục sáng tác, cống hiến làm phong phú thêm nền thơ Việt Nam. Thông qua ngày thơ Việt Nam cũng nhằm động viên người dân Đất Tổ, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
PHÚ HAI HÙNG (Thực hiện)