STNN – Sau một thời gian dài “thai nghén”, Bảo tàng nghệ thuật Quang San đã chính thức khai trương với hơn 1.000 tác phẩm của các họa sỹ Việt Nam qua các thời kỳ hứa hẹn sẽ là điểm đến thu hút công chúng yêu nghệ thuật và du khách.
Ngày 9/6/2023 đánh dấu một bước ngoặt lớn cho Bảo tàng nghệ thuật Quang San (Quang San Art Museum) khi Bảo tàng này chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Đồng thời, từ ngày 13/6/2023 tới đây, Bảo tàng Quang San Art Museum sẽ chính thức mở cửa cho công chúng đến tham quan.
Theo đó, Quang San Art Museum là bảo tàng nghệ thuật được tọa lạc trên diện tích 2.000m2 tại địa chỉ 189B/3 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, TP. Thủ Đức. Quang San Art Museum được Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cấp phép hoạt động theo Quyết định số 46/QĐ-SVHTT ngày 07/02/2023 nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng và lưu giữ các di sản mỹ thuật quý của Việt Nam. Đây là “đứa con tinh thần” mà ông Nguyễn Thiều Quang và bà Phùng Minh Nguyệt đã ấp ủ, “thai nghén” từ rất lâu..
“Ba mẹ chúng tôi ý thức rằng, sưu tầm tranh quý không chỉ lưu giữ cho gia đình, mà còn bảo tồn cho đất nước những kiệt tác vô cùng quý giá của các thế hệ họa sỹ Việt Nam. Và đó là lý do Bảo tàng mỹ thuật Quang San ra đời. Chúng tôi tự hào và trân trọng điều đó” – ông Nguyễn Thiều Kiên, Giám đốc Bảo tàng Quang San Art Museum nói về công sức, tình yêu của ba mẹ mình, những người đã dày công sưu tầm, lưu giữ những tinh hoa mỹ thuật Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua.
Bảo tàng Quang San Art Museum được thiết kế và bố trí trưng bày với tổng cộng hơn 1.000 tác phẩm nghệ thuật hấp dẫn, độc đáo và khoa học, lôi cuốn người xem.
Tầng 1, tập trung trưng bày tác phẩm của các danh họa, nhà điêu khắc có những cống hiến lớn trong thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam. Từ các giảng viên người Pháp đã khởi xướng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại cho đến các thế hệ học sinh của những khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương như các bộ tứ trụ hội họa: “Trí, Cẩn, Vân, Lân”, “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” hay “Thứ, Phổ, Lựu, Đàm”. Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày ở phòng mở đầu này thuộc bộ sưu tập cố định của Bảo tàng Quang San Art Museum.
Không gian tầng 1 của Quang San Art Museum còn được chia thành hai khu vực 1A và 1B. Trong đó, Khu 1A nằm ở bên trái cầu thang đi lên, nối tiếp về chủ đề những sinh viên các khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ cùng thời kỳ như: Nguyễn Khang, Trần Phúc Duyên, nhạc sĩ Văn Cao (tác giả bài “Tiến quân ca” – Quốc ca của Việt Nam), Trịnh Hữu Ngọc, Mai Văn Hiến, Phan Kế An…
Khu 1B tập trung vào thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trưng bày các tác phẩm của những danh họa tham gia kháng chiến. Những sinh viên khóa kháng chiến này hay còn gọi là khóa “Tô Ngọc Vân” bao gồm sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Mỹ thuật Gia Định cùng một số họa sĩ cùng thời đã gia nhập quân ngũ như: Lưu Công Nhân, Ngô Minh Cầu, Mai Long (Khóa kháng chiến 1950 – 1954); Nguyễn Hiêm (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1940/1941); Huỳnh Phương Đông (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1945); Nguyễn Trí Minh (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Gia Định năm 1946),…
Tầng 2 là không gian trưng bày lớn nhất của Quang San Art Museum với các tác phẩm của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Các tác phẩm mỹ thuật được trưng bày ở đây thuộc thời kỳ sau 1975, đất nước hòa bình, thống nhất và bắt đầu chính sách Đổi mới (1986). Phòng này được chia theo ba khu vực chính, bắt đầu từ bên trái sẽ là tranh của các họa sĩ miền Bắc, tiếp đó là tranh họa sĩ miền Trung và kết thúc là tranh của các họa sĩ ở miền Nam.
Những danh họa miền Bắc gồm có: Đoàn Văn Nguyên; các thành viên Gang of Five như: Đặng Xuân Hòa và Hồng Việt Dũng, Đặng Tiến, Lê Đại Chúc, Hồ Minh Quân, Bùi Quang Ánh. Hội họa miền Trung có: Hoàng Đăng Nhuận, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, Nguyễn Thiện Đức. Các họa sĩ miền Nam bao gồm: Nguyễn Kao Thương, Trần Châu, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Trịnh Thanh Tùng…
Ông Nguyễn Thiều Quang – Nhà sáng lập Bảo tàng Quang San Art Museum cho biết, mỗi bức tranh là một câu chuyện dài, thú vị và thậm chí khá ly kỳ khi đến với gia đình ông. Bức tranh giá cao nhất, ông mua với giá hàng triệu đô. Nhưng điều quan trọng không phải chỉ cần bỏ tiền ra là sở hữu được chúng mà phải hiểu rõ giá trị và phải cực kỳ “say đắm” tác phẩm đó thì duyên mới tới, dù phải chờ đợi. Ví dụ như bức tranh “Uống rượu cùng cao” của nhạc sĩ Văn Cao, là bức tranh mà nhạc sĩ vô cùng yêu thích và nhất định không bán với bất cứ giá nào được đề nghị. Cuối cùng, sau những tháng năm bôn ba, bức tranh đã được ông Quang mua lại theo đúng nghĩa “quý vật sẽ tìm được quý nhân”.
Đánh giá về Bảo tàng Quang San Art Museum, Tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM cho biết: “Là một người làm về nghệ thuật, tôi rất vui với sự ra đời của Bảo tàng Quang San, sẽ là điểm cộng rất son với thành phố nhờ những tác phẩm được sưu tầm kỳ công không chỉ ở trong nước mà cả nước ngoài của gần như xuyên suốt giai đoạn mỹ thuật Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay”.
Ông Hoàng Nghị, Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VH&TT TP.HCM) cũng phát biểu khẳng định, Bảo tàng Quang San Art Museum đáp ứng đầy đủ điều kiện của một bảo tàng với cơ sở vật chất trưng bày hiện đại, sưu tầm được nhiều bộ tranh quý hiếm của những tác giả nổi tiếng, bộ máy nhân sự am hiểu chuyên môn. Sở sẽ đồng hành cùng Bảo tàng và mong muốn Bảo tàng tiếp tục sưu tầm được nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật hơn nữa, thu hút nhiều du khách tới tham quan, xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn đối với những người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế.
Anh Đức