“Việc sắp xếp đơn vị hành chính ở giai đoạn trước chúng ta đã giải quyết khá ổn thỏa. Tuy nhiên, ở giai đoạn này cần được quan tâm, chú trọng hơn, lựa chọn người có năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy”.
Sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng phát biểu “… đây là xu thế tất yếu, không thể chậm trễ và không thể đảo ngược được”. Tuy nhiên, sắp xếp đơn vị hành chính là một vấn đề khó, nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều đối tượng nên nếu không tính toán kỹ lưỡng, có giải pháp đồng bộ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, dễ tạo bức xúc trong dư luận.
Lần đầu tiên sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng sáp nhập
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021, được Bộ Chính trị đánh giá nhiệm vụ này đã bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho biết, sau 3 năm đã thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi sắp xếp số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trong cả nước từ 713 đơn vị giảm xuống còn 705 đơn vị.
Ở cấp xã, đã thực hiện sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã trong cả nước từ 11.160 đơn vị giảm xuống còn 10.599 đơn vị, giảm 561 đơn vị.
Thực tế cho thấy, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một thách thức không nhỏ. Trong 3 năm triển khai thực hiện, việc giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã là một nỗ lực rất lớn của các địa phương. Điều này thể hiện được quyết tâm rất lớn của người đứng đầu, sự đồng lòng của nhân dân khi thực hiện yêu cầu nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Theo PGS.TS Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện hành chính Quốc gia, trước đây nước ta cũng đã từng thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhưng chủ yếu theo hướng chia, cắt, còn đây là lần đầu tiên tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng sát nhập. Kết quả mà nước ta đạt được trong 3 năm qua (2019 – 2021) đã góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại bộ máy và nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt cũng nhờ sắp xếp lại đơn vị hành chính nước ta đã giảm chi ngân sách nhà nước đến 2.000 tỷ đồng.
“Điều chúng tôi quan tâm nhiều hơn là đội ngũ cán bộ, công chức sau sắp xếp từ nhận thức đến trách nhiệm được nâng cao hơn. Chúng ta đã tạo điều kiện để phát huy lợi thế và mở rộng không gian phát triển của địa phương. Đấy có thể xem là thành công lớn nhất của việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã”, TS Ngô Thành Can khẳng định.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, TS Ngô Thành Can cho rằng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại những khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Cái đầu tiên phải xác định ngay là trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính có nơi, có chỗ chưa toàn diện, chưa chặt chẽ, chưa nhận được những ý kiến đồng thuận cao của cử tri cả nước. Đặc biệt một khó khăn, vướng mắc lớn nhất cần phải nhìn nhận là việc bố trí việc làm mới, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều.
Bên cạnh đó vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; nhiều nơi để hoang hoá lãng phí, việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Một tồn tại nữa cũng được TS Can nhắc tới, là chất lượng đô thị sau khi sáp nhập chưa đảm bảo theo quy định. Những đơn vị hành chính ở nông thôn khi được nhập vào những đơn vị hành chính ở đô thị cần phải đảm bảo tính thống nhất theo mô hình quản lý tổ chức chính quyền đô thị, nhất là những đơn vị và thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng….
Tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 – 2030
Tại Phiên họp thứ 23 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đang diễn ra, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 – 2030.
Trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng Dự thảo Nghị quyết nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm và cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả. Đồng thời bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn trước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, đã có những đề án thành lập thành phố thuộc tỉnh mà nhập cả một huyện vào, có những tỉnh thành lập một loạt thị xã nhưng thực tế là vỏ đô thị, ruột nông thôn, không có kinh phí, không có quy hoạch, không có kế hoạch để nâng cấp chất lượng đô thị.
TS Ngô Thành Can nhấn mạnh đây là một vấn đề mà xã hội rất quan tâm, nhiều người dân cũng thể hiện trách nhiệm của mình khi tích cực hiến kế để quá trình thực thi được hiệu quả.
“Ở giai đoạn trước chúng ta đã giải quyết khá ổn thỏa. Tuy nhiên, việc sắp xếp này vẫn cần phải được quan tâm, chú trọng hơn, lựa chọn những người gánh vác nhiệm vụ có năng lực và có tâm thế đổi mới mạnh mẽ hơn, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Nhấn mạnh điều này, TS Can mong muốn, việc sắp xếp đơn vị hành chính ở giai đoạn 2023 – 2030 phải được chuẩn bị cẩn thận, toàn diện, thấu đáo và tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt khi đụng chạm đến công tác cán bộ, con người thì phải kiên trì, cẩn thận, vừa thuyết phục vừa động viên kèm theo những chế độ chính sách hợp lý, thoả đáng./.
Theo tính toán của Bộ Nội vụ, từ nay tới năm 2025, dự kiến có khoảng 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.037 đơn vị cấp xã trên cả nước thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập. Trên cơ sở đó, ngoài được hưởng các chính sách về hưu trước tuổi, chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước hoặc thôi việc ngay, cơ quan soạn thảo, Bộ Nội vụ đề xuất hưởng thêm mức trợ cấp. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2023, dự kiến số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 48.951 người và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư là 27.972 người. Dự kiến nguồn kinh phí để chi trả trợ cấp đối với các đối tượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư nghỉ ngay (nghỉ trước 60 tháng so với lộ trình sắp xếp) là 9.732 tỷ đồng. |