STNN – Lòng lề đường bị tiểu thương lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán; nhiều loại rác thải như bao bì nilon, rau củ quả hư thối, nước thải từ các hàng thịt cá… bủa vây gây ô nhiễm môi trường là thực trạng đang diễn ra tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn do Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn quản lý, được xây dựng trên diện tích gần 10ha tại đường Nguyễn Thị Sóc, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Chợ được UBND TP.HCM lập ra khi triển khai quy hoạch lại các chợ đầu mối trên địa bàn và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 21/11/2003.
Theo đó, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn là một trong ba chợ đầu mối lớn nhất tại TP.HCM, gồm: Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Điền. Đây cũng là nơi cung cấp rất nhiều sản phẩm như nông sản, các loại rau củ… với đa dạng chủng loại và tất cả đều được bán theo hình thức bán buôn, phục vụ thương lái mua bán với số lượng lớn. Đồng thời, đây cũng chính là địa điểm trung chuyển, cung ứng hàng thực phẩm, nông sản hàng đầu ở khu vực Tây Bắc của thành phố.
Bên cạnh đó, thịt heo bán tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng chiếm khoảng 50 – 55% lượng thịt heo tiêu thụ mỗi ngày của TP.HCM. Mỗi đêm, lượng heo được mổ thịt tại chợ lên tới 5.000 con. Vào những ngày cao điểm cuối năm, con số này có thể lớn hơn rất nhiều. Đây cũng là chợ thịt heo lớn nhất tại TP.HCM.
Ngoài ra, lượng hải sản được nhập và phân phối mỗi ngày là rất lớn. Nơi đây phục vụ nhu cầu hải sản tươi sống của thành phố. Người dân cũng có thể đến đây để mua hải sản đông lạnh, các món ăn chế biến sẵn từ hải sản. Theo đánh giá của người tiêu dùng, hàng hóa tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn không chỉ có mức giá khá mềm, mà còn rất tươi ngon.
Tuy nhiên, theo quan sát thực tế trong nhiều ngày của PV, vấn đề lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán tại khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn vẫn xảy ra hàng ngày. Theo đó, ngoài việc các xe lôi, xe tự chế lấn chiếm lòng đường để buôn bán hàng rong thì các tiểu thương tại khu vực này cũng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để chế biến, bày biện nông sản để kinh doanh.
Cùng với đó, PV cũng nhận thấy, xung quanh khu vực bán hải sản, nhiều vũng đọng nước bốc mùi hôi thối, nhiều thùng chứa thủy hải sản, bao nilon, nhiều nông sản, trái hư hỏng được vứt bỏ khắp chợ chưa được thu dọn kịp thời, khiến nơi đây không khác gì một bãi rác khổng lồ. Các thùng giấy, thùng xốp vứt kín cả lối đi. Mùi nông sản thối rữa bốc lên nồng nặc khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu. Thậm chí, ngay cả tuyến đường trước chợ nông sản cũng xuất hiện la liệt rác thải, bao bì bị vứt bỏ.
Dọc theo con đường Nguyễn Thị Sóc, chỉ một đoạn đường dài hơn 200m từ quốc lộ 22 đi vào là khung cảnh rác chồng lên rác, bao bì nilon lâu ngày gặp nước mưa bám chặt xuống lòng đường. Chưa kể, mùi nước thải, mùi tanh của các hàng thủy, hải sản cứ xộc thẳng vào mũi người đi đường.
Đặc biệt, các con đường dẫn vào chợ đầu mối Hóc Môn bị biến thành chợ tự phát; tiểu thương vô tư họp chợ, bán hàng và xả rác. Mặc dù UBND xã Xuân Thới Đông đã gắn bảng cảnh báo phạt 15 triệu đồng đối với hành vi xả rác bừa bãi, nhưng rác tại khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn vẫn la liệt khắp nơi.
Một số người dân sống tại khu vực chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, quản lý đô thị đi tuần mỗi ngày, đi tới đâu người dân tháo chạy tới đó nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy, không dẹp được chợ tự phát ngay bên ngoài chợ chính. Rác thải sau các cuộc mua bán cứ thế lại chất đống trên đường.
Có thể nói, tình trạng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đang bị lấn chiếm lòng lề đường và bị bủa vây bởi rác thải cần phải được giải quyết, bởi không chỉ gây ô nhiễm môi trường sống, làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của những hộ dân sống xung quanh.
Liên quan đến vấn đề lấn chiếm lòng lề đường, vào giữa tháng 05/2023, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản gửi các Sở Giao thông vận tải, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Công an thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố và UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu được giao phụ trách ở cơ quan, đơn vị chức năng, chính quyền địa phương thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TP.HCM để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng lề đường vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông.
Đồng thời, UBND TP.HCM cũng giao UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nội dung Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục công tác quản lý trật tự đô thị… Giao các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng lề đường vỉa hè không đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn phụ trách.
Mặt khác, UBND TP.HCM cũng giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban An toàn giao thông và các cơ quan liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát… xây dựng quy định mới hoặc trình UBND TP.HCM ban hành quyết định thay thế Quyết định số 74 năm 2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn, hoàn thành trong quý II năm 2023.
Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm từng cấp, ngành, địa phương nếu để xảy ra việc chiếm dụng trái phép lòng, lề đường, vỉa hè phục vụ mục đích ngoài giao thông; các hành vi và mức độ nghiêm trọng của các hành vi để làm cơ sở xem xét, đánh giá, tổ chức kiểm điểm.
Vậy thì, trước thực tế hiện nay tại xảy ra hàng ngày tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, liệu rằng Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn đã thực hiện tốt vai trò quản lý hay chưa? UBND huyện Hóc Môn và trực tiếp là UBND các xã Xuân Thới Đông, Bà Điểm đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát theo chỉ đạo của UBND TP.HCM hay chưa?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Gia Hưng