Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị có chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế được tham gia học nghề.
Hơn 120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động
Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên chất vấn đã có 99 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Đây là con số rất kỷ lục, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân đối với lĩnh vực lao động, việc làm rất quan trọng.
Trong đó có 46 đại biểu tham gia chất vấn, bao gồm 35 người trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn và 11 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Còn 54 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian và 1 đại biểu tranh luận cũng không đủ thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản theo quy định.
Đánh giá về kết quả đạt được trong lĩnh vực lao động và việc làm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm đang tiếp tục được hoàn thiện, có nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động. Đặc biệt, bộ là cơ quan đi tiên phong, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch Covid-19. Chỉ riêng thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội đã hỗ trợ cho 68,43 triệu lượt người dân và người lao động và trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động với tổng kinh phí hơn 120.000 tỷ đồng.
Số lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh, thu nhập của người lao động được duy trì, cải thiện, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm.
Lĩnh vực bảo hiểm xã hội đạt được một số kết quả khả quan, tính đến hết năm 2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 36,75% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 28; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt khoảng 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt xa mục tiêu đến năm 2025 của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Quỹ bảo hiểm xã hội có kết dư.
Còn nhiều bất cập, yếu kém
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yếu kém trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Cụ thể là giáo dục nghề nghiệp kể cả về quy mô, trình độ, mạng lưới, phân bổ đào tạo lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế. Chất lượng đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và những ngành nghề mới, đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Về lao động, việc làm trong những tháng gần đây, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, do tác động sâu sắc của hậu quả đại dịch và tình hình thế giới cũng như những khó khăn trong nước, lao động đang bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Số lượng bị tác động tương đối lớn, lên đến hơn 500.000 người lao động.
Vấn đề bảo hiểm xã hội cũng đang nổi lên một số hiện tượng bất cập, trong đó có những việc đã kéo dài nhưng chưa có giải pháp giải quyết căn cơ, như chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, rút bảo hiểm xã hội 1 lần có xu hướng tăng. Một số vi phạm, sai phạm trong trục lợi chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội. Thu không đúng các mục tiêu với một số chủ hộ kinh doanh…
Có chính sách đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra.
Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng.
Đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Chú trọng đào tạo nghề cho nông nghiệp và nông thôn. Có chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên xung phong, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế được tham gia học nghề.
Hoàn thiện quy định về đào tạo nghề và dạy văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông và có chính sách khuyến khích học sinh khá, giỏi vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Không nên để vào trường đào tạo nghề là lựa chọn cuối cùng.
Thu hút, tuyển dụng, tôn vinh, đãi ngộ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, hoàn thiện cơ chế và bảo đảm tự chủ theo lộ trình. Áp dụng quản trị tiên tiến với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập gắn với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường lao động. Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh. Phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp
Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo. Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động, trong đó có cả những bộ công cụ đánh giá những lao động thực tế có kỹ năng nhưng chưa có chứng chỉ về đào tạo.
Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả, chất lượng sử dụng nguồn vốn đầu tư; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công – tư trong phát triển giáo dục nghề nghiệp. Ưu tiên quỹ đất sạch dành cho giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao hiệu quả liên kết, kết hợp giữa nhà trường – nhà nước – doanh nghiệp. Cụ thể hóa các chính sách khuyến khích hợp tác trong đào tạo nghề nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nghề tại các nơi làm việc.
Trong năm 2023 cần rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng BHXH bắt buộc trên nguyên tắc đóng – hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu – chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định; đồng thời, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.
Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2023) và xem xét, thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024. Việc sửa đổi, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cần bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.
Khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, thu mua gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác.
Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi hơn cho người dân, chủ động phòng ngừa thất nghiệp. Xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng với yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, với quá trình phát triển kinh tế số…
(Theo QĐND)