Đạo đức trong Marketing đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh. Một sản phẩm tốt là sản phẩm hướng đến việc duy trì các nguyên tắc cơ bản về đạo đức. Việc truyền đạt giá trị đạo đức ảnh hưởng trực tiếp đến danh tiếng cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Vậy cụ thể đạo đức trong Marketing là gì? Đâu là những nguyên tắc cơ bản và ví dụ thực tế? Hãy cùng Glints tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Đạo đức trong Marketing (Ethical Marketing) là gì?
Đạo đức trong Marketing được hiểu là quá trình các công ty tiếp thị hàng hóa và dịch vụ của họ bằng cách không chỉ tập trung vào sản phẩm mà còn mang lại lợi ích cho các bên liên quan đồng thời đảm bảo trách nhiệm với xã hội và môi trường.
Đạo đức trong Marketing hay Ethical Marketing không chỉ là một chiến lược; nó là một triết lý. Đảm bảo quảng cáo trung thực và đáng tin cậy. Xây dựng mối quan hệ bền chặt với khách hàng thông qua các giá trị cốt lõi của công ty. Đó chỉ là hai trong nhiều cách đảm bảo đạo đức trong Marketing của doanh nghiệp.
Một công ty tập trung vào đạo đức trong Marketing đánh giá các quyết định của họ từ góc độ kinh doanh (tức là liệu một sáng kiến cụ thể có mang lại lợi nhuận mong muốn hay không) cũng như quan điểm đạo đức (tức là liệu một quyết định có đúng đắn về mặt đạo đức).
Những nguyên tắc cơ bản về đạo đức trong Marketing
Để thực thi Ethical Marketing hay đạo đức trong Marketing, đây là các nguyên tắc chính cần được đảm bảo:
- Công bằng: Hay cụ thể hơn là thiết lập công bằng làm nguyên tắc ra quyết định trong kinh doanh. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cam kết giá cả, lương thưởng hợp lý, và phát triển bền vững.
- Trung thực: Nền tảng của hành vi đạo đức là tính trung thực. Các công ty trung thực sử dụng truyền thông để cung cấp thông tin thực tế về chức năng và tác động của sản phẩm hay dịch vụ. Ta có thể hiểu đơn giản là quảng cáo mà không cố gắng gây hiểu lầm hay nhầm lẫn.
- Trách nhiệm: Các doanh nghiệp có thể nhấn mạnh trách nhiệm của mình theo nhiều cách. Chúng bao gồm nghĩa vụ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đáng tin cậy, hỗ trợ các hoạt động xã hội, hỗ trợ cộng đồng, đối xử tôn trọng với nhân viên hoặc bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động bền vững.
- Minh bạch: Hay nói cách khác là công khai về hoạt động của công ty bạn. Đặc biệt là cách ứng xử với nhân viên, tính bền vững của văn hoá công ty cũng như tác động của sản phẩm hay dịch vụ đến xã hội, môi trường.
Ethical Marketing trong mô hình Marketing Mix
Vậy là bạn đã hiểu rõ những nguyên tắc cơ bản của đạo đức trong Marketing. Ở phần tiếp theo, Glints sẽ đào sâu hơn về mối quan hệ giữa Ethical Marketing trong mô hình Marketing Mix.
Marketing Mix là mô hình phổ biến trong việc hoạt định chiến lược Marketing. Ở mức độ cơ bản mô hình này bao gồm 4P: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm bán hàng) và Promotion (quảng bá).
Trên thực tế, việc đảm bảo các nguyên tắc đạo đức trong Marketing ở cả bốn khía cạnh trên là điều vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, kết quả nhận lại sẽ tương xứng nếu có thể lồng ghép tính đạo đức trong kinh doanh.
Đạo đức trong Marketing ở khía cạnh sản phẩm (Product)
Marketer thường phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về đạo đức liên quan đến khía cạnh sản phẩm. Cụ thể hơn là hoạch định và áp dụng các chiến lược liên quan đến sản phẩm của công ty.
Ví dụ, trong quá trình phát triển sản phẩm mới, vì các vấn đề đạo đức trong Marketing được thảo luận ít hơn mức cần thiết, dẫn đến việc sản phẩm bị lỗi được đưa ra thị trường. Hệ quả tất yếu là phản ứng tiêu cực của cả khách hàng và các bên liên quan.
Đạo đức trong Marketing ở khía cạnh giá cả (Price)
Định giá có lẽ là một trong những lĩnh vực khó nhất khi được phân tích từ quan điểm đạo đức trong Marketing. Về cơ bản, giá cả phải bằng hoặc tỷ lệ thuận với lợi ích mà người tiêu dùng nhận được.
Tuy nhiên, ta có thể thấy việc tăng giá bất hợp lý được diễn ra khá thường xuyên. Điều này có thể bắt nguồn từ mong muốn gia tăng lợi nhuận hay vị trí độc quyền của công ty trên thị trường.
Đạo đức trong Marketing ở khía cạnh điểm bán (Place)
Các vấn đề về mặt đạo đức trong Marketing ở khía cạnh điểm bán thường nằm ngoài tầm kiểm soát. Việc nhận diện việc vi phạm đạo đức ở từng kênh là khác nhau tùy vào mục đích và nhu cầu của từng kênh phân phối.
Trong hệ thống các kênh phân phối, nếu các thành viên trong kênh sử dụng quyền lực của họ vào mục đích xấu, điều này có thể gây ra vấn đề đạo đức và rất khó để ngăn chặn.
Đạo đức trong Marketing ở khía cạnh quảng bá (Promotion)
Các vấn đề đạo đức trong Marketing liên quan đến quảng bá có thể được phân tích dưới góc nhìn của quảng cáo. Ngày nay, quảng cáo đã trở thành “một quyền lực trong xã hội”. Quảng cáo nói với người tiêu dùng nhiều điều. Người xem dễ dàng bị ảnh hưởng bởi quảng cáo ở nhiều khía cạnh.
Chúng chỉ cho người xem làm thế nào để mua một cái gì đó, sử dụng nó và sau đó mua một cái gì đó khác để thay thế nó. Người tiêu dùng cũng học được từ quảng cáo rằng họ có thể mua được thành công và hạnh phúc. Cũng chính vì dựa nhiều vào cảm xúc của khách hàng mà vấn đề đạo đức trong quảng bá rất được xem trọng.
Những ví dụ về việc áp dụng Ethical Marketing
Đến lúc này chắc hẳn bạn đó có một “bụng” hiểu biết về đạo đức trong Marketing rồi nhỉ? Để xem bạn “hiểu bài” đến đâu thông qua các ví dụ thực tế dưới đây nhé.
Allbirds
“Newsflash: Thời trang làm ô nhiễm hành tinh.”
Nghe lạ quá, phải không? Brand nào mà lại có kiểu slogan thế nhỉ?
Tuy nhiên, đây lại là một trong những khẩu hiệu của Allbirds. Thương hiệu này thực thi đạo đức trong Marketing thông qua việc cam kết không ngừng về sản xuất thân thiện với môi trường. Allbirds đo lường mọi thứ liên quan đến lượng khí thải carbon của các sản phẩm họ tạo ra. Và điên rồ hơn, họ thậm chí công bố các báo cáo về chúng nhằm đảm bảo tính bền vững.
Allbirds nêu bật các phương pháp thân thiện với môi trường trong chiến lược Marketing của họ. Họ xây dựng nhận thức về chuỗi cung ứng sáng tạo của mình, liên quan đến vật liệu tái tạo, năng lượng xanh và nông nghiệp tái sinh.
Patagonia
Để Glints mách nhỏ cho bạn nghe: thời trang là một trong những ngành đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu. Nó tạo ra 2,1 tỷ tấn khí thải hàng năm — nhiều hơn cả Đức, Pháp và Anh cộng lại. Nhưng những doanh nghiệp như Patagonia đang từng bước thay đổi ngành công nghiệp này.
Triết lý của thương hiệu là hướng tới mục tiêu xanh, vì vậy đạo đức trong Marketing là một phần không thể thiếu của thương hiệu. Không những thế, Patagonia cũng thúc đẩy chống chủ nghĩa tiêu dùng. Bạn không nghe nhầm đâu, một brand thời trang phản đối chủ nghĩa tiêu dùng!
Chiến dịch “Đừng mua chiếc áo khoác này” là một ví dụ tuyệt vời về đạo đức trong Marketing. Thay vì khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn vào Black Friday, Patagonia yêu cầu họ thực hiện cam kết giảm tiêu thụ. Chiến dịch đã nâng cao nhận thức về tác động môi trường của chủ nghĩa tiêu dùng trong cộng đồng. Không những thế, nó còn khuyến khích nhiều người xem xét hiệu quả của việc mua hàng của họ.
Faguo
Khi nói đến các thương hiệu quần áo thân thiện với môi trường, Faguo là một ví dụ hoàn hảo. Faguo duy trì tiêu chuẩn thân thiện với môi trường và đạo đức trong Marketing của mình bằng cách:
- Bù đắp lượng khí thải carbon của các sản phẩm.
- Giảm phát thải độc hại từ sản xuất.
- Trồng một cây cho mỗi đơn hàng thành công (hơn 2 triệu cây cho đến nay).
- Thúc đẩy chủ nghĩa tiêu dùng hợp lý bằng cách sửa chữa sản phẩm.
- Thu thập và tái chế đồ cũ từ khách hàng.
Faguo tự định vị bản thân là một thương hiệu hướng đến giá trị đạo đức. Đó là lý do tại sao đạo đức trong Marketing là trọng tâm trong chiến lược của Faguo. Để tiếp tục sứ mệnh của mình, Faguo tập trung vào ba lĩnh vực: giáo dục khách hàng thường xuyên, tích cực hoạt động xã hội và công khai về mức khí thải.
Một vài ví dụ về quảng cáo phi đạo đức
Vậy còn đâu là ví dụ cho việc quảng cáo phi đạo đức nhỉ? Glints sẽ cho bạn tham khảo một vài ví dụ dưới đây.
Mì Gấu Đỏ
“Gấu đỏ – gắn kết yêu thương, ăn một gói mì Gấu đỏ là bạn đã góp 10 đồng cho những trẻ em bị ung thư”
Mì Gấu Đỏ từng gây xôn xao dư luận một thời gian với quảng cáo được cho là vi phạm đạo đức trong Marketing. Tưởng chừng như một thông điệp sâu sắc cùng câu chuyện cảm động sẽ làm lay động người tiêu dùng. Nhưng sự tắc trách trong khâu triển khai và thực thi đã khiến cho Mì Gấu Đỏ bị lên án.
Việc sử dụng diễn viên đóng thế cho vai một cậu bé ung thư được xem là hành vi coi thường khán giả. Ngoài ra, công tác từ thiện cũng làm dấy lên câu hỏi về tính minh bạch của chiến dịch trên.
Máy lọc nước Unilever Pureit Vietnam
Unilever cũng từng mắc phải tranh cãi về vấn đề đạo đức trong Marketing. Trong quá trình quảng bá cho máy lọc nước Unilever Pureit Vietnam, Unilever đã liên tục tung ra những thông tin tiêu cực, thiếu kiểm chứng và gây hoang mang dư luận.
“Nguồn nước đun sôi mà hầu hết người Việt đang sử dụng hàng ngày không an toàn.”
Hoặc: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 200.000 người Việt Nam mắc bệnh ung thư mỗi năm do vệ sinh thực phẩm và nước uống”.
“Hãy bảo vệ gia đình với nguồn nước uống an toàn.”
Những thông điệp trên thiếu chứng cứ và gây hoang mang cho người tiêu dùng. Ngoài ra, việc đánh vào nỗi sợ của khách hàng cũng dấy lên lo ngại về vấn đề đạo đức của chiến dịch.
Nước mắm Masan
Quay lại thời điểm năm 2016-2019, Masan cũng từng vướng vào rắc rối liên quan đến đạo đức trong Marketing. Người tiêu dùng cả nước từng lo sợ trước thông tin “nước mắm truyền thống có lượng đạm càng cao thì càng chứa nhiều thạch tín.”
Mặc dù đã lên tiếng đính chính rằng thông cáo trên không liên quan đến mình. Masan vẫn liên tục nhận được phản hồi tiêu cực của người tiêu dùng do chính sách quảng bá được coi là không lành mạnh.
Kết luận
Vậy là Glints đã cùng bạn tìm hiểu về đạo đức trong Marketing thông qua loạt ví dụ thực tế. Hi vọng bài viết này sẽ hữu ích trong quá trình xây dựng chiến lược Marketing của bạn.
Nếu có bất kì câu hỏi nào, đừng ngần ngại điền vào phần Comment ngay phía dưới để Glints có thể giải đáp mọi thắc mắc của bạn nhé!
Tác Giả