Nắm rõ mọi quy trình trong kinh doanh chính là chìa khóa thành công đối với nhiều doanh nghiệp. Hiểu những điều cơ bản từ marketing, tài chính, cho tới logistics sẽ giúp bạn nổi bật giữa đám đông. Trong số đó, một khái niệm quan trọng cần hiểu rõ chính là kênh phân phối.
Trong bài viết này, Glints sẽ cùng bạn tìm hiểu mọi thứ cần biết về các kênh phân phối. Bản chất Distribution channel là gì, chức năng cũng như các tiêu chí để lựa chọn kênh phân phối phù hợp.
Distribution channel là gì?
Distribution channel hay kênh phân phối là một chuỗi bao gồm các doanh nghiệp hoặc trung gian mà thông qua đó hàng hóa hoặc dịch vụ được luân chuyển cho đến khi nó đến tay người mua hoặc người tiêu dùng cuối cùng. Các kênh phân phối có thể bao gồm nhà bán buôn, nhà bán lẻ, nhà phân phối và thậm chí cả internet.
Distribution channel (kênh phân phối) là một phần của quá trình hạ nguồn (downstream process). Thường được xác định thông qua câu hỏi “Làm thế nào để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng?” Điều này trái ngược với quy trình thượng nguồn (upstream process), hay còn được gọi là chuỗi cung ứng.
Bản chất của kênh phân phối
Vậy bản chất thực sự của Distribution channel – Kênh phân phối là gì? Hãy hiểu đơn giản đó một con đường mà tất cả hàng hóa và dịch vụ phải di chuyển để đến tay người tiêu dùng. Nó cũng mô tả quá trình thanh toán được thực hiện xuyên suốt quá trình cung ứng sản phẩm. Chuỗi các kênh phân phối có thể ngắn hoặc dài, phụ thuộc vào số lượng trung gian cần thiết để cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ.
Trên thực tế, hàng hóa hay dịch vụ thường được đến với người tiêu dùng thông qua nhiều kênh. Tăng cách tiếp cận người tiêu dùng có thể có thể làm tăng doanh số bán hàng. Nhưng nó cũng có thể tạo ra một hệ thống phức tạp mà đôi khi gây khó khăn cho việc quản lý phân phối. Sự phức tạp của hệ thống các kênh phân phối tỉ lệ nghịch với lợi nhuận vì mỗi nhà phân phối trung gian sẽ có mức phí khác nhau cho dịch vụ phân phối của mình.
Chức năng của kênh phân phối
Sau khi hiểu rõ bản chất của Distribution channel là gì, hãy cùng Glints tìm hiểu về chức năng cơ bản của nó. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đến tay người tiêu dùng, kênh phân phối còn phục vụ nhiều chức năng cần thiết khác. Bao gồm:
- Lắp ráp, lưu trữ, phá vỡ hàng loạt và phân loại sản phẩm.
- Chuyển hàng hóa từ kho đến khách hàng.
- Quản lý các luồng thanh toán trước và sau khi mua hàng.
- Cung cấp thông tin thị trường cho người sản xuất.
- Quảng bá thương hiệu và các lợi ích đi kèm cho khách hàng cuối.
- Duy trì sự ổn định giá cả trên thị trường.
- Chia sẻ rủi ro thị trường với các nhà sản xuất.
- Quảng bá thương hiệu thông qua việc phân phối sản phẩm.
Các hình thức chính của kênh phân phối
Vậy các hình thức chính của Distribution channel là gì? Có bốn hình thức phổ biến của kênh phân phối bao gồm: trực tiếp, gián tiếp, kép và đảo ngược.
Tiếp tục theo dõi bài viết để cùng Glints hiểu sâu hơn về các hình thức này nhé!
Kênh phân phối trực tiếp (Direct channel)
Loại hình đầu tiên trong bốn loại Distribution channel là kênh phân phối trực tiếp. Trong mô hình này, sản phẩm sẽ được tiếp cận một cách trực tiếp đến khách hàng mà không sử dụng bất kỳ trung gian nào.
Sử dụng kênh phân phối trực tiếp là một cách tốt để quản lý chi phí. Nó đặc biệt hữu dụng khi bạn sở hữu một doanh nghiệp nhỏ. Kênh này cho phép bạn bán sản phẩm của mình mà không cần phải trả tiền cho các cá nhân khác để xử lý các nhu cầu tiếp thị, bán hàng hoặc vận chuyển. Tuy nhiên, điều này cũng đồng thời làm gia tăng trách nhiệm của người người sản xuất.
Kênh phân phối gián tiếp (Indirect channel)
Kênh phân phối gián tiếp (thông qua trung gian) là loại hình phổ biến thứ hai của Distribution channel. Hiểu đơn giản là tiếp cận đến khách hàng thông qua các nhà bán buôn và bán lẻ. Họ sẽ nhận sản phẩm từ nhà sản xuất và chịu trách nhiệm mọi khâu còn lại cho đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.
Là một nhà sản xuất, nếu bạn quyết định sử dụng loại kênh phân phối này, bạn nên cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với các “mối trung gian” của bạn. Cung cấp cho họ thông tin về sản phẩm để họ cảm thấy được kết nối với thương hiệu. Và hơn hết là luôn đón nhận phản hồi của họ một cách cởi mở nhằm gia tăng chất lượng sản phẩm.
Kênh phân phối kép (Dual channels)
Kênh phân phối kép là sự kết hợp giữa hai loại hình Distribution channel phổ biến trên. Phân phối kép là nơi nhà sản xuất bán sản phẩm của mình trực tiếp cho khách hàng và gián tiếp thông qua các nhà phân phối và bán lẻ bên thứ ba. Họ sử dụng nhiều hơn một kênh phân phối để tiếp cận khách hàng cuối cùng. Điều này giúp cho sản phẩm có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn.
Kênh phân phối đảo ngược (Reverse channels)
Cuối cùng, hãy cùng tìm hiểu về một loại hình Distribution channel đặc biệt – kênh phân phối đảo ngược. Ba loại kênh phân phối đầu tiên đều về cách nhà sản xuất đưa sản phẩm của họ đến tay khách hàng cuối cùng. Tuy nhiên, trong kênh phân phối đảo ngược, hướng tiếp cận được thay đổi hoàn toàn. Sản phẩm đi từ người tiêu dùng này sang người tiêu dùng khác hoặc công ty khác trong một kênh phân phối đảo ngược.
Kênh phân phối truyền thống sẽ có dạng như sau:
Công ty → Nhà kho → Nhà phân phối → Đại lý → Người tiêu dùng
Tuy nhiên, một kênh đảo ngược sẽ trông như thế này:
Người tiêu dùng → Trung gian → Công ty
Dưới đây là bốn ví dụ về cách sử dụng kênh phân phối đảo ngược:
- Tái sử dụng sản phẩm – thùng chứa công nghiệp, thiết bị kim loại, công nghệ.
- Tân trang sản phẩm – đồ nội thất, máy tính.
- Sản phẩm tái chế – giấy, nhựa, nhôm.
- Xử lý – rác có tính chất hữu cơ.
Ngoài ra, việc lược bỏ tầm quan trọng của nhà sản xuất cũng là một điểm khác biệt quan trọng giữa các hình thức phân phối truyền thống và đảo ngược. Kênh đảo ngược giới thiệu người thụ hưởng hoặc người sử dụng sản phẩm. Chính vì vậy không có nhà sản xuất vì sản phẩm hoặc hàng hóa đã tồn tại trên thị trường.
Tiêu chí lựa chọn kênh phân phối phù hợp
Một khi đã hiểu rõ Distribution channel là gì và các hình thức cơ bản của nó, đây là lúc mà bạn lựa chọn kênh phân phối phù hợp. Việc lựa chọn kênh phân phối có nhiều yếu tố cần xem xét. Bạn có thể tận dụng cả hai kênh trực tiếp và gián tiếp, tùy thuộc vào nguồn lực hiện có.
Dưới đây là một số câu hỏi cần xem xét trước khi lựa chọn kênh phân phối ban đầu của bạn:
- Làm thế nào để người dùng cuối thích mua những loại sản phẩm này? Người tiêu dùng có muốn chạm vào và xem xét sản phẩm hay đó là sản phẩm mà đối tượng mục tiêu thích mua trực tuyến?
- Các quy định liên quan đến kênh phân phối của danh mục sản phẩm là gì?
- Khách hàng có cần dịch vụ cá nhân hóa không?
- Bản thân sản phẩm có cần được bảo dưỡng không?
- Sản phẩm có cần được cài đặt không?
- Sản phẩm thường được phân phối và bán trong ngành của bạn như thế nào?
Quyết định lựa chọn kênh phân phối nào phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau. Đó có thể là chi phí phân phối, mục tiêu bán hàng, loại sản phẩm và thị trường mục tiêu. Mặc dù hệ thống đa kênh có thể giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận với người tiêu dùng, nhưng điều đó có thể làm tăng giá của chúng và ảnh hưởng đến vị thế của thương hiệu trên thị trường. Chính vì vậy, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn bất kỳ loại kênh phân phối nào!
Kết
Distribution channel đóng vai trò rất quan trọng trong Marketing do nó có khả năng theo dõi việc bán sản phẩm và duy trì dòng doanh thu. Một chiến lược phân phối hiệu quả sẽ giúp bạn sử dụng hết tiềm năng của doanh nghiệp.
Thông qua bài viết trên, Glints đã cùng bạn hiểu rõ thực sự một Distribution channel là gì. Hy vọng đây sẽ là thông tin bổ ích trên hành trình bước chân vào giới kinh doanh của bạn. Nếu có bất kì câu hỏi nào, đừng ngần ngại điền vào phần Comment ngay phía dưới để Glints có thể giải đáp mọi thắc mắc của bạn nhé!
Tác Giả