Hạnh phúc trong công việc: 8 bí quyết thực hành

Nghiên cứu sơ bộ về điều gì mang lại hạnh phúc trong công việc – cùng bí quyết để mỗi người tìm kiếm niềm vui mỗi ngày tại nơi làm việc.

Hạnh phúc là gì?

Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhà nghiên cứu Sonja Lyubomirsky định nghĩa như sau:

Hạnh phúc là trải nghiệm của niềm vui, sự hài lòng hoặc viên mãn tích cực, kết hợp với ý thức bản thân là người tốt, sống một cuộc sống có ý nghĩa và đáng giá.

Trong khóa học của Giáo sư Laurie Santos tại Đại học Yale, bà chia sẻ điều gì khiến con người cảm thấy hạnh phúc – và cách để mỗi chúng ta sống một cuộc sống vui vẻ hơn, tất cả đều dựa trên nghiên cứu khoa học.

Ngộ nhận: Tại sao chúng ta không hạnh phúc

Một quan điểm xuyên suốt mà Laurie nhấn mạnh – đó là tất cả chúng ta đều chưa ý thức rõ điều gì khiến bản thân hạnh phúc.

Giả sử, khi bạn hỏi mọi người điều gì sẽ mang lại cho họ hạnh phúc trong công việc, phần lớn sẽ đưa ra những câu trả lời rất “phổ quát” như: thăng chức, tăng lương… Trong bối cảnh ngoài công việc, đó có thể là mua đồ mới, kết hôn hoặc trở nên xinh đẹp hơn.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng – những điều này không thật sự làm chúng ta hạnh phúc.

Con người nhìn chung rất “dở” về khoản này, bởi vì chúng ta đánh giá quá cao niềm vui mà một số “thành tích” kể trên mang lại cho mình. Đúng là chúng có thể khiến ta hạnh phúc, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi.

Tóm lại, phần lớn chúng ta không biết mình thực sự muốn gì.

Hạnh phúc chỉ là khái niệm tương đối

Ở Mỹ, mỗi năm người ta chi hơn 70 tỷ đô la cho vé số – nhiều hơn số tiền người ta dành cho sách, âm nhạc, vé xem phim, vé xem thể thao và trò chơi điện tử cộng lại.

Tuy nhiên, những người trúng xổ số lại không hạnh phúc hơn những người khác. Khi mới biết tin, họ rất vui… nhưng sau một thời gian, những cảm xúc đó không còn ý nghĩa gì với họ nữa.

Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn được thăng chức hoặc tăng lương. Bạn cảm thấy tự hào về thành tích đạt được… trong một thời gian. Nhưng sau một tháng hoặc lâu hơn, chức danh và mức lương mới bỗng trở nên ‘bình thường’, và bạn trở lại với mức hạnh phúc cơ bản của mình.

Chúng ta không hạnh phúc hơn khi có nhiều tiền, địa vị cao hơn hay bất cứ thứ gì khác mà ta vẫn thường hướng tới – bởi vì hạnh phúc chỉ là khái niệm tương đối.

Khái niệm này được gọi là “máy chạy bộ” khoái lạc.

Chủ nghĩa khoái lạc là thuật ngữ chỉ điều gì đó mang lại cảm giác dễ chịu – nhưng chỉ trong thoáng chốc. Giống như khi chúng ta đang ở trên một máy chạy bộ thực sự, bạn chạy mà không thấy điểm dừng – nếu tiếp tục chạy theo mục tiêu thăng chức/ tăng lương (thú vui khoái lạc), chúng ta có thể quên đi việc trải nghiệm niềm vui của khoảnh khắc hiện tại.

Ngoài ra, khi đồng nhất mục tiêu đó với hạnh phúc của cuộc đời, chúng ta sẽ khiến bản thân phiền muộn khi đã đạt được mục đích đề ra. Một tháng sau khi thăng chức, phần lớn sẽ tự hỏi bản thân rằng: “Chỉ vậy thôi sao?” – kết quả là ta tiếp tục hướng đến mục tiêu tiếp theo.

Chúng ta biết rõ những điều này không thực sự khiến mình hạnh phúc, nhưng ngay cả khi ý thức được xu hướng luôn mong muốn nhiều hơn nữa, ta vẫn thường đuổi theo để thỏa mãn cảm giác hạnh phúc.

Đây chính là khoảng cách giữa lý trí và hành động: chỉ vì bạn biết điều gì đó – không có nghĩa là bạn sẽ áp dụng nó vào thực tế.

Chúng ta phải chấp nhận rằng, không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc trong công việc. Đúng hơn, hạnh phúc là cả con đường.

Kho báu không phải đích đến – kho báu là cả cuộc hành trình.

Paulo Coelho

Tại sao cần quan tâm đến hạnh phúc trong công việc?

Nghiên cứu đã chứng minh những lợi ích đáng kể của việc tìm kiếm hạnh phúc tại nơi làm việc – có thể kể đến như:

  • Cải thiện thu nhập.
  • Năng suất cao hơn.
  • Tăng cường chất lượng công việc.
  • Hôn nhân viên mãn và lâu dài.
  • Nhiều bạn hơn.
  • Kết nối xã hội mạnh mẽ hơn.
  • Tương tác xã hội trở nên phong phú.
  • Nhiều năng lượng hơn.
  • Cải thiện sức khỏe thể chất.
  • Sống thọ hơn.
  • Phát huy năng lực sáng tạo.
  • Bản thân trở nên hữu ích và khoan dung hơn.
  • Nuôi dưỡng sự tự tin.
  • Trí tuệ cảm xúc tốt hơn.
  • Khả năng tự điều chỉnh và ứng phó với thay đổi mạnh mẽ hơn.
  • v.v…

Khi người lao động tìm thấy hạnh phúc trong những việc họ làm, khả năng hoàn thành công việc của họ cũng đồng thời được cải thiện – mang lại lợi ích lâu dài cho toàn bộ tổ chức. Số liệu thống kê cho thấy:

  • Những nhân viên hạnh phúc hơn có năng suất cao hơn 12%, trong khi những cá nhân không hạnh phúc có hiệu quả làm việc kém hơn 10% so với mức trung bình.
  • Giảm thời gian nghỉ ốm: 75 – 90% tất cả các lần đi khám bác sĩ chính là vì các vấn đề liên quan đến căng thẳng.
  • Các thành viên trong đội nhóm cảm thấy hạnh phúc sẽ sẵn lòng hỗ trợ đồng nghiệp hơn 58%, tăng khả năng làm việc theo nhóm lên 23%.

Điều khiến chúng ta hạnh phúc là cảm giác bản thân có mục đích, có ý nghĩa và đạt được thành tựu, đam mê học hỏi, cơ hội phát triển và kết nối với những người tuyệt vời.

8 bí quyết hạnh phúc trong công việc

Paul Graham, trong bài luận “Làm thế nào để làm những gì bạn yêu thích”, đã nói rằng, đối với hầu hết mọi người, “công việc và niềm vui theo định nghĩa là đối lập nhau.”

Bạn đi làm để kiếm tiền và sử dụng số tiền đó để làm những việc bạn muốn làm. Nhưng nếu chúng ta không tận hưởng thời gian tại nơi làm việc, đồng nghĩa với việc chúng ta đang lãng phí phần lớn cuộc đời mình.

Đó là lý do tại sao ta nên “tái định hình” những nỗ lực của mình – để bản thân tìm thấy hạnh phúc trong công việc. Dưới đây là 8 bí quyết mà bạn đọc có thể áp dụng tại công sở:

  1. Có mục đích

Mục đích là một khái niệm bao quát mà mỗi chúng ta luôn tìm cách theo đuổi trong thời gian dài.

Hai giáo sư Amy Wrzesniewski (Yale) và Jane Dutton (Đại học Michigan) phát hiện ra rằng, việc làm có ý nghĩa và có mục đích sẽ khiến bạn yêu thích công việc của mình hơn, cũng như góp phần cải thiện sức khỏe. Ngoài ra, ý thức về mục tiêu đồng thời khiến bạn cảm thấy dễ chịu, hòa đồng, khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Có mục đích trong công việc nghe có vẻ đơn giản hơn so với thực tế. Tất nhiên, bạn có thể có những mục tiêu đơn giản, ngắn hạn, hoặc ước mơ một số điều không mang lại hạnh phúc thực sự như đã đề cập phía trên (ví dụ: chức danh mới, mức lương cao hơn…). Tìm một mục tiêu lớn, lâu dài để sống và tràn đầy năng lượng xoay quanh công việc hàng ngày không phải là điều dễ dàng.

Để tìm ra mục đích trong công việc, bạn có thể tìm hiểu về khái niệm Ikigai.

Ikigai là một khái niệm đến từ Nhật Bản đề cập đến lý do tồn tại – hình thành từ sự giao thoa của bốn yếu tố chính:

  • Việc bạn yêu thích.
  • Việc bạn giỏi.
  • Việc thế giới cần.
  • Việc bạn có thể được trả lương.

Tìm thấy Ikigai là bước đầu trên hành trình mang lại cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc trong công việc, vì nó gắn kết đam mê và kỹ năng của bạn với những giá trị mà thế giới coi trọng.

  1. Đặt ra những mục tiêu nội tại có thể đạt được và mang lại cảm giác về thành tựu bản thân

Trong mô hình PERMA của Martin Seligman, chữ “A” là viết tắt của Accomplishment/Achievement (Thành tựu).

Cảm giác thành tựu xuất phát từ việc hướng tới và đạt được các mục tiêu, làm chủ nỗ lực và động lực tự thân. Hoàn thành mục tiêu đề ra góp phần mang lại hạnh phúc – vì bạn có thể tự hào về cuộc sống của mình.

Bên cạnh việc có một mục tiêu lớn trong cuộc sống/ công việc), việc đặt ra nhiều mục tiêu nhỏ có thể đạt được ngay lập tức cũng quan trọng không kém. Cho dù là hoàn thành một khóa học về lĩnh vực mà bạn muốn trở nên giỏi hơn, tạo ra nhiều kết nối hơn trong công việc, hoàn thành dự án đúng thời hạn hay giúp đỡ đồng nghiệp, những “chiến thắng” nhỏ đó sẽ mang đến sự khác biệt lớn trong cách bạn cảm nhận về công việc của mình.

Theo nghiên cứu năm 2002 của Locke và Latham, việc thiết lập mục tiêu tác động trực tiếp đến động lực và cảm xúc tích cực của cá nhân. Điều quan trọng là hãy đặt mục tiêu phù hợp với các giá trị và nguyện vọng nghề nghiệp của bạn, cũng như các mục tiêu mang lại động lực nội tại – hơn là những thứ “bề nổi” như tiền bạc, chức danh hay thăng chức.

Bằng cách này, bạn có thể làm việc hướng tới điều gì đó có ý nghĩa và có giá trị, góp phần mang lại sự hài lòng và cảm giác hạnh phúc trong công việc.

Ăn mừng những thành tựu bản thân là bước cần thiết để củng cố cảm xúc tích cực, cung cấp cho bộ não tín hiệu rằng bạn đã đạt được điều gì đó quan trọng. Chính điều này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy bạn tiếp tục đi tiếp cuộc hành trình và đặt ra những “cột mốc” lớn hơn nữa trong tương lai.

  1. Tìm một người bạn ở nơi làm việc

Các mối quan hệ tích cực tại nơi làm việc không chỉ khiến bạn yêu thích công việc hơn – mà còn góp phần đáng kể vào hạnh phúc trong công việc.

Dữ liệu gần đây của Gallup ủng hộ quan điểm này, rằng việc có một người bạn thân tại nơi làm việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hài lòng trong công việc – đặc biệt trong bối cảnh bình thường mới và xu hướng làm việc từ xa sau đại dịch.

Có một người “tri kỷ” nơi công sở mang lại những lợi ích như: khiến công việc trở nên thú vị hơn, hỗ trợ tinh thần, cải thiện hiệu suất công việc nhờ vào giao tiếp và cộng tác tốt hơn.

Nghiên cứu của Harvard cũng cho thấy kết quả tương đồng. Những người có mối quan hệ khăng khít và cảm thấy được kết nối nhiều nhất với người khác nhìn chung sống thọ hơn.

Ngược lại, trong báo cáo của MIT, sự cô đơn là một vấn đề “đáng báo động” trong xã hội hiện tại. Khi cảm thấy bị cô lập, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight). Điều này cũng đồng thời dẫn đến tình trạng căng thẳng, tăng khả năng mắc các bệnh về sưng, viêm hơn và nhiều hệ lụy khác nữa.

  1. Đừng so sánh bản thân với người khác

So sánh là kẻ đánh cắp niềm vui.

Theodore Roosevelt

Khi liên tục so sánh bản thân với người khác, bạn có thể cảm thấy mình không được đánh giá cao – hệ quả sau đó là cảm giác nản lòng, mất động lực, thất vọng và buồn bã.

Ngoài ra, khi tập trung vào những gì người khác có mà mình không có, bạn đang bỏ lỡ những điều tốt đẹp trong cuộc sống của chính mình. Bạn có thể cảm thấy mình sẽ không bao giờ đủ giỏi – hoặc sẽ không bao giờ đạt được mức độ thành công như những người khác.

Ngay cả những người thành công nhất cũng có lúc cảm thấy cô đơn và bất hạnh. Đây là lời nhắc nhở rằng, thành công và thành tựu không phải là điều duy nhất mang lại hạnh phúc. Điều quan trọng là phải tập trung vun đắp các mối quan hệ tốt đẹp, tìm kiếm ý nghĩa trong công việc và trải nghiệm những điều mới mẻ của cuộc sống.

  1. Học cách kiểm soát

Việc học cách kiểm soát và tự chủ trong công việc/ cuộc sống sẽ giúp gia tăng hạnh phúc và giảm mức độ căng thẳng. Những ai có thể làm nhiều hơn những gì họ đam mê và kiểm soát tốt các yếu tố trong môi trường làm việc, nhìn chung biểu hiện mức độ hạnh phúc đáng kể hơn hẳn so với những người khác.

Trên thực tế, điều này có thể có nghĩa là bạn có quyền quyết định thời gian và địa điểm làm việc, thiết lập các ưu tiên hoặc có khả năng làm chủ nhất định đối với các dự án đang thực hiện. Cảm giác bản thân kiểm soát công việc góp phần gia tăng cảm giác gắn kết và mãn nguyện – mang tới hạnh phúc trong công việc và giảm thiểu mức độ căng thẳng.

Cần lưu ý rằng, không ai có toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh trong công việc. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể có khả năng làm chủ đối với các yếu tố chính ảnh hưởng đến trải nghiệm làm việc và cảm thấy có tiếng nói trong cách mọi việc được thực hiện.

Một đặc điểm nổi bật của những người hạnh phúc là họ xem xét mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát của mình. Hãy kiểm tra và đánh giá lại những tình huống mà bạn nghĩ rằng mình không thể thay đổi. Bạn sẽ nhận ra rằng bạn hoàn toàn có thể làm được.

Chính khi có được ý thức kiểm soát này, bạn sẽ cảm thấy được trao quyền và có động lực, góp phần mang lại niềm vui và hạnh phúc tại nơi làm việc.

  1. Thực hành cảm xúc tích cực

Thực hành những cảm xúc tích cực tại nơi làm việc mang lại những lợi ích đặc biệt. Tập trung vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống/ công việc có ý nghĩa rất lớn với việc tăng cường hạnh phúc tổng thể, động lực và củng cố mối quan hệ với đồng nghiệp.

Bạn có thể rèn luyện tư duy tích cực bằng những cách như:

  • Bày tỏ lòng biết ơn.
  • Nuôi dưỡng hy vọng
  • Mỉm cười nhiều hơn.

Theo tác phẩm “Broaden-and-Build” của Barbara Fredrickson, những cảm xúc tích cực sẽ nhanh chóng lan tỏa và nhân rộng.

Lý thuyết này cho rằng những cảm xúc tích cực có tác động rộng rãi, dẫn dắt bạn tiếp cận những thách thức mới với thái độ tò mò và sáng tạo – đồng thời có tác dụng xây dựng, củng cố các nguồn lực cá nhân như khả năng phục hồi tâm lý (resilience), sức khỏe thể chất và kết nối xã hội.

Lần tới, khi cảm thấy căng thẳng hoặc suy sụp, hãy thử tập trung vào những điều khiến bạn hạnh phúc và tích cực. Đó có thể là một dự án mà bạn hào hứng hoặc một đồng nghiệp luôn khiến bạn mỉm cười. Dù đó là gì, hãy chú ý đến nó và để những cảm xúc tích cực đó tuôn trào.

  1. Tìm kiếm những khoảnh khắc của dòng chảy

Lần cuối cùng bạn mải mê với công việc đến mức quên mất thời gian là khi nào? Đây là một khái niệm có tên là Dòng chảy, và nó cực kỳ quan trọng để cảm thấy hạnh phúc hơn.

Theo nhà nghiên cứu Mihaly Csikszentmihalyi, trạng thái Dòng chảy – trong mô hình PERMA được bao gồm dưới dạng Engagement (Gắn kết) – xảy ra khi bạn đạt được sự kết hợp hoàn hảo giữa thử thách và kỹ năng.

Trong trạng thái này, những thế mạnh độc nhất của chúng ta được tận dụng và phát huy tối đa, nhưng không đến mức khiến chúng ta choáng ngợp hay khó chịu. Sự kết hợp giữa thử thách và kỹ năng tạo ra cảm giác làm chủ và thành tựu, khiến bạn vô cùng hài lòng.

Để đạt được “Trạng thái dòng chảy”, hãy dành ra nhiều khoảng thời gian hơn để bạn có thể dần dần học cách say mê với công việc của mình. Đảm bảo rằng bạn sẽ không bị gián đoạn bởi bất kỳ điều gì hoặc bất kỳ ai trong thời gian này – bằng cách tắt hoàn toàn thông báo hoặc thậm chí là tắt WiFi.

Điều quan trọng nữa là hãy tìm đến các hoạt động mà bạn đam mê và giỏi, để có thể bước vào trạng thái dòng chảy dễ dàng hơn. Bằng cách tạo điều kiện cho dòng chảy, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm sự hài lòng và hạnh phúc hơn trong công việc/ cuộc sống.

  1. Vạch ra ranh giới

Duy trì sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống là yêu cầu cần thiết cho sức khỏe tổng thể và sự hài lòng trong công việc. Nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng, những ai luôn phải “đấu tranh” để giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân có xu hướng bị kiệt sức và căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ.

Đặc biệt trong môi trường hybrid working, sức khỏe nhân viên có nguy cơ bị ảnh hưởng rất nhiều – xuất phát từ thực trạng ranh giới giữa cuộc sống và công việc không rõ ràng. Thống kê của Strait Times cho thấy 52% người lao động ở Singapore cảm thấy khối lượng công việc của họ tăng lên, trong khi 36% bị suy giảm sức khỏe tâm thần.

Để ngăn chặn những tác động tiêu cực này, việc tìm cách quản lý khối lượng công việc và ưu tiên các hoạt động chăm sóc bản thân là rất quan trọng. Đặt ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân, đồng thời dành thời gian cho các hoạt động thúc đẩy sức khỏe thể chất và tinh thần, như tập thể dục, thực hành chánh niệm (mindfulness) và kết nối với những người thân yêu.

Hãy thông báo với sếp của bạn khi công việc trở nên “quá tải”. Đủ là đủ; không có gì quan trọng hơn sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bạn.

Những yếu tố khác tác động đến hạnh phúc trong công việc

Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra sự kết nối giữa nhiều yếu tố góp phần mang lại hạnh phúc trong công việc như:

  • Lạc quan (rèn luyện tư duy hạnh phúc).
  • Dinh dưỡng (ăn uống lành mạnh làm cho bạn cảm thấy tốt hơn).
  • Hoạt động thể chất (cải thiện sức khỏe tinh thần).
  • Giấc ngủ (giúp đón nhận những điều tồi tệ tốt hơn).

Đó là tất cả những điều mà doanh nghiệp cần quan tâm – để có thể xây dựng một nền văn hóa lành mạnh lấy nhân viên làm chủ đạo, tăng cường hiệu quả công tác thu hút và giữ chân nhân tài.