Kỹ sư cơ khí là một trong những công việc đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kỹ thuật – xây dựng từ trước đến nay.
Đây là công việc luôn có nhu cầu tuyển dụng liên tục và đòi hỏi khả năng chuyên môn cao, vì vậy, lương kỹ sư cơ khí cũng dao động khoảng thu nhập từ ổn định đến cao.
Cùng tìm hiểu đầy đủ và chi tiết hơn về công việc này nhé.
Kỹ sư cơ khí là gì?
Để tìm hiểu một cách đầy đủ về khái niệm kỹ sư cơ khí, trước tiên Glints sẽ giúp bạn có những hình dung cơ bản về ngành cơ khí.
Cơ khí là một ngành khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào đời sống, sản xuất giúp chế tạo, sửa chữa các loại máy móc, thiết bị, công cụ để phục vụ cho quá trình lao động, sản xuất của con người.
Trong đó, một kỹ sư cơ khí sẽ là người áp dụng các các nguyên lý, kỹ thuật từ ngành cơ khí để tiến hành thiết kế, chế tạo các nguyên liệu thô ban đầu thành các loại máy móc, thiết bị, công cụ hữu ích giúp hỗ trợ cho quá trình sản xuất được vận hành hiệu quả hơn, có thể thay thế cho các hoạt động lao động thủ công trước đây.
Các thiết bị, máy móc cơ khí này sẽ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau như phương tiện giao thông, vũ khí, ngành hàng không, máy móc sản xuất, hệ thống nhiệt, robot, các loại đồ dùng gia đình, v.v.
Đọc thêm: Kỹ Sư ME Là Gì? Mô Tả Công Việc Kỹ Sư M&E Siêu Chi Tiết
Công việc của kỹ sư cơ khí là gì?
Từ những vai trò, trách nhiệm chung của một kỹ sư cơ khí, các nhiệm vụ cụ thể của vị trí này cũng bao gồm nhiều yêu cầu khác nhau. Cùng tìm hiểu đầy đủ những phạm vi công việc chính mà một kỹ sư cơ khí đảm nhiệm:
- Lên ý tưởng và thiết kế bản vẽ về các loại thiết bị, máy móc, công cụ cơ khí theo nhu cầu khách hàng.
- Dựa trên các bản vẽ kỹ thuật đã được phê duyệt để tiếp tục tiến hành thi công, lắp đặt các sản phẩm, thiết bị và công cụ cơ khí.
- Giám sát quá trình thi công để có những giải pháp hoàn thiện và xử lý các vấn đề phát sinh, giúp sản phẩm được hoàn thiện đúng thời hạn và đúng với bản vẽ sản phẩm.
- Đảm nhiệm vai trò lắp đặt thiết bị đã hoàn thiện cho nhà xưởng, công trình sau khi chế tạo thành công.
- Thử nghiệm, vận hành và giám sát toàn bộ quá trình vận hành sau khi lắp thiết bị.
- Thực hiện kiểm tra, sửa chữa, bảo trì máy móc, thiết bị, công cụ cơ khí theo định kỳ hoặc ngay khi xuất hiện lỗi/hư hỏng trong quá trình vận hành.
- Đề xuất và xây dựng các phương án, giải pháp cải tiến, nâng cấp các máy móc, thiết bị, công cụ để nâng cao hiệu suất hoạt động của thiết bị cũng như hiệu quả hoạt động của toàn bộ quy trình vận hành.
- Thực hiện các báo cáo công việc theo yêu cầu được phân công.
- Tham gia các khóa đào tạo định kỳ của công ty.
- Thực hiện đào tạo nghiệp vụ cho các kỹ sư cơ khí mới.
Kỹ sư cơ khí cần học gì? Ở đâu?
Yêu cầu quan trọng nhất của một kỹ sư cơ khí là cần có chứng chỉ tốt nghiệp Cao đẳng, Đại học về chuyên ngành cơ khí, chuyên ngành chế tạo máy hoặc các chuyên ngành liên quan.
Vì vậy, để có thể tìm kiếm cơ hội phát triển lâu dài với công việc kỹ sư cơ khí, bạn cần trang bị một nền tảng kiến thức chuyên môn vững vàng, kết hợp với quá trình thực hành và luyện tập thực tế liên tục để có thể đạt được trình độ chuyên môn như mong muốn.
Bản chất của các công việc ngành cơ khí đều là những công việc nặng nhọc, nhưng nếu bạn có niềm đam mê và yêu thích to lớn dành cho công việc kỹ sư cơ khí, bạn có thể tham khảo qua một số ngành học chuyên về công việc này.
Hiện nay, có rất nhiều trường cao đẳng và đại học tại Việt Nam nhận đào tạo các ngành, chuyên ngành liên quan đến kỹ sư cơ khí, điển hình là các ngành Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật công nghiệp, Cơ khí chế tạo, Công nghệ tự động, Công nghệ robot, Động cơ diesel, Kỹ thuật nhiệt lạnh, Cơ khí hàng không, Ô tô và máy tự động, v.v.
Bạn có thể tham khảo thông tin và chương trình đào tạo tại các trường đại học trọng điểm chuyên về công nghệ, kỹ thuật, công nghiệp ở cả Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh. Bạn có thể tham khảo qua một vài cơ sở sau:
- Đại học Bách Khoa – đại học học quốc gia TPHCM;
- Đại học Bách Khoa Hà Nội;
- Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM;
- Học viện hàng không Việt Nam;
- Đại học nông lâm TPHCM;
- Đại học công nghiệp TPHCM;
- Đại học công nghệ đại học quốc gia Hà Nội;
- Đại học công nghệ Sài Gòn;
- Đại học công nghệ TPHCM;
- Đại học giao thông vận tải;
- Đại học công nghệ giao thông vận tải; v.v
Lương kỹ sư cơ khí có cao không?
Tại Việt Nam, lương kỹ sư cơ khí nằm ở mức tương đối ổn định so với toàn bộ thị trường việc làm, với mức lương trung bình hằng tháng khoảng 12 triệu đồng.
Trong đó, lương kỹ sư cơ khí mới ra trường hằng tháng khoảng từ 6-8 triệu đồng.
Lương của kỹ sư cơ khí đã có từ 3 năm kinh nghiệm trở nên sẽ dao động trong khoảng 8-11 triệu đồng.
Đối với vị trí kỹ sư cơ khí có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm trở lên sẽ nhận được mức lương khoảng 11-16 triệu đồng.
Tùy theo đặc thù của từng lĩnh vực, quy mô doanh nghiệp và trình độ tay nghề, chuyên môn của kỹ sư cơ khí, mức lương sẽ rất khác nhau. Mức lương kỹ sư cơ khí tại các thị trường nước ngoài như Nhật Bản thường khá cao, đôi khi có thể lên đến 40 triệu đồng.
Kỹ sư cơ khí có thể làm việc ở đâu?
Có rất nhiều công việc, vị trí liên quan đến nghề kỹ sư cơ khí mà bạn có thể cân nhắc:
- Giám sát viên: theo dõi, kiểm soát thi công, sản xuất cơ khí
- Chuyên viên thiết kế/lắp đặt máy móc, thiết bị, công cụ cơ khí
- Lập trình viên thực hiện gia công các loại máy móc CNC
- Nhân viên chế tạo, kỹ sư tại các xưởng ô tô/máy bay, xưởng đóng tàu, tại các nhà máy nhiệt điện/thủy điện
- Nhân viên vận hành, bảo trì, sửa chữa máy móc, thiết bị, công cụ cơ khí
Kết luận
Công việc cụ thể và mức lương kỹ sư cơ khí đã được cung cấp đầy đủ trong bài viết. Hi vọng bạn đã có một cái nhìn toàn diện cho một vai trò đầy thú vị này.
Nếu bạn hứng thú và yêu thích công việc kỹ sư cơ khí, hãy khám phá những cơ hội nghề nghiệp đầy hấp dẫn để trở thành một kỹ sư cơ khí thực thụ tại trang tìm kiếm việc làm Glints Việt Nam nhé!
Tác Giả