Câu hỏi “nên thực tập có lương hay không lương?” luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn tìm việc.
Thực tế, việc áp dụng trả lương cho thực tập sinh đã trở nên phổ biến và nhận được nhiều phản hồi tích cực hơn. Nhiều sinh viên mới ra trường muốn tìm một công việc thực tập phù hợp với mức lương thỏa đáng.
Vậy cụ thể, lương thực tập hiện nay được tính ra sao và thực tập sinh cần lưu ý những gì để có được công việc thực tập có lương phù hợp?
Bài viết này sẽ giải đáp tất cả thắc mắc trên. Hãy cùng Glints tìm hiểu nhé!
Quy định về lương cho thực tập sinh hiện nay ra sao?
Trước khi bắt đầu một công việc chính thức đầu tiên, hầu như bất cứ ai cũng phải trải qua công việc thực tập sinh. Dù là yêu cầu của nhà trường cho kỳ thực tập giữa khoá, hay nhu cầu sau khi mới tốt nghiệp, đây chính là bước đệm cho hành trình bước vào thị trường lao động.
Ngoài ý nghĩa của thực tập, điều mà thực tập sinh quan tâm không chỉ là những gì học hỏi được trong quá trình thực tập mà còn là vấn đề tài chính. Dù ít hay nhiều, họ vẫn muốn được trả lương xứng đáng với những gì mình đóng góp cho công ty trong suốt quá trình thực tập.
Suy nghĩ mỗi người về vấn đề này có thể khác nhau. Cũng có người chấp nhận một công việc thực tập không lương miễn là họ được học hỏi và rèn luyện chuyên môn thực sự.
Điều 12 Khoản 6 Luật Giáo Dục năm 2012 (1) quy định: “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.”
Như vậy ở Việt Nam hiện nay, chưa có quy định cụ thể về mức lương thực tập. Tuy nhiên, trên thực tế, các công ty luôn chi trả thực tập sinh một khoản gọi là chi phí hỗ trợ hay phụ cấp thực tập. Mức lương cho thực tập sinh sẽ khác nhau dựa vào nhiều yếu tố.
Chúng ta sẽ tìm hiểu về điều này kỹ hơn trong phần tiếp theo của bài viết.
Đọc thêm: Phân Biệt Học Việc Và Thực Tập
Mức lương trung bình của thực tập sinh tại Việt Nam
Thông thường, lương của một công việc thực tập sẽ không quá cao và ở mức thấp hơn so với lương của một nhân viên chính thức. Vì chưa có quy định rõ ràng nên chính sách của mỗi công ty sẽ khác nhau. Hiện nay ở Việt Nam, mức lương trung bình của thực tập sinh sẽ rơi vào khoảng 2 đến 4 triệu đồng.
Đây không phải là con số chính thức nên rất có thể trong quá trình tìm hiểu. Bạn sẽ bắt gặp các con số khác nhau, nhỏ hoặc thậm chí lớn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, nếu bạn có định hướng thực tập ở nước ngoài hoặc ở một công ty nước ngoài tại Việt Nam, hãy cùng tham khảo mức lương cho công việc thực tập ở một số nước khác trên thế giới.
Chẳng hạn, lương cho thực tập sinh ở Mỹ, Canada, Anh, và Trung Quốc sẽ lần lượt là $14.38/giờ, $17.12/giờ, $14.18/giờ, và $12.87/giờ. (2)
Những con số trên đều chỉ là tương đối, mang tính chất tham khảo. Do đó, hãy thận trọng khi đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến lương thực tập bạn nhé.
Đọc thêm: Cách Tinh Lương Việc Làm Trả Lương Theo Giờ Thế Nào?
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự chênh lệch mức lương thực tập
Có rất nhiều yếu tố khác nhau quyết định mức lương của công việc thực tập. Vì vậy, đối với cùng một ví trí, thực tập sinh có thể nhận một mức lương khác nhau.
Dưới đây là 4 yếu tố cơ bản ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương cho thực tập sinh:
1. Kinh nghiệm
Người sử dụng lao động thường dựa trên kinh nghiệm của thực tập sinh để đưa ra mức lương phù hợp cho họ.
Việc một thực tập sinh có nhiều kinh nghiệm hơn được trả mức lương cao hơn là việc dễ hiểu và rất phổ biến. Đây chính là lý do các bạn sinh viên vẫn đang đi học hoặc mới ra trường với vốn kinh nghiệm ít ỏi sẽ có mức thu nhập khá khiêm tốn.
Công việc thực tập sinh không giới hạn chỉ dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Một người đã đi làm có thể chuyển sang một công việc thực tập với mong muốn phát triển sự nghiệp. Không ai khác, họ chính là những thực tập sinh đã có cho mình ít nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. Và không khó để họ có được một mức lương “hậu hĩnh”.
2. Vùng miền
Bạn có biết rằng mức lương của người lao động ở các thành phố khác nhau sẽ không giống nhau?
Thực tế đúng là như vậy, và nó bao gồm cả lương thực tập.
Đặc biệt, mức chênh lệch ở các thành phố lớn sẽ lớn hơn so với các tỉnh/thành phố nhỏ. Cụ thể, mức lương cho thực tập sinh ở Hà Nội là 2 triệu 380 nghìn đồng – 30 triệu đồng. Tương tự ở thành phố Hồ Chí Minh là 2 triệu 250 nghìn đồng – 13 triệu 500 nghìn đồng. (Nguồn: Tìm Việc 365)
3. Ngành nghề
Công việc thực tập ở mỗi ngành nghề khác nhau sẽ có một mức lương khác nhau.
Đối với các công việc đòi hỏi chuyên môn cao và thời gian thực tập dài, mức lương mà thực tập sinh nhận được cũng có thể cao hơn so với các ngành nghề khác. Một trong những ngành nghề “hot” nhất trên thị trường việc làm bây giờ chính là “IT”. Thực tập sinh trong ngành này có thể nhận được mức lương cao hơn, trung bình có thể lên tới 4 – 5 triệu đồng/tháng.
4. Công ty mà bạn thực tập
Đừng quá ngạc nhiên nếu lương thực tập của bạn chẳng giống với đứa bạn tốt nghiệp cùng khóa. Ngoài các yếu tố đã đề cập, công ty mà bạn thực tập sẽ có chính sách trả lương riêng. Vì thế, thường thì không có một mức nào chung cho tất cả các công ty.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng, các công ty lớn thường trả lương cho thực tập cao hơn so với các công ty nhỏ hoặc start-up. Điều này có thể đi kèm với kỳ vọng cao hơn từ phía công ty đối với thực tập sinh.
Một số ví dụ giúp bạn hình dung rõ hơn về sự khác biệt này – lương thực tập tính theo giờ/tháng của các công ty lớn trên thế giới:
- Google: $31/giờ
- PwC: $30/giờ
- EY: $30/giờ
- Apple: $42/giờ
- Amazon: $4,843/tháng
Đa số các công ty ở Việt Nam đều bảo mật thông tin liên quan đến lương và thu nhập chính thức của nhân viên. Bạn sẽ thấy khó để tìm được một con số cụ thể cho vị trí thực tập tại một công ty mà mình quan tâm.
Tuy nhiên, để tìm được một công việc thực tập với mức lương mong muốn là hoàn toàn có thể. Điều bạn cần làm là tham khảo mức lương trung bình của nhân viên thực tập từ bài viết này để có một cái nhìn tổng quan nhất.
Thêm vào đó, hãy trang bị thêm những kỹ năng cần thiết sau đây để có cơ hội đàm phán một mức lương như mong muốn.
Đọc thêm: Xin Thực Tập Nước Ngoài Như Thế Nào?
Là một thực tập sinh, bạn có nên đàm phán lương không? Đâu là cách tốt nhất để thực hiện?
Câu trả lời cho câu hỏi hóc búa này là có. Nhưng vì sao nhiều bạn lại mong muốn nhiều hơn là thực hiện?
Đơn giản ấy mà!
Đại đa số thực tập sinh đều là sinh viên mới ra trường, “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường lao động. Với tinh thần ham học hỏi, dám xông pha, nhưng lại có phần thiếu tự tin do kinh nghiệm là một số 0 tròn trĩnh. Hơn thế, định kiến “thực tập thì không nên đàm phán lương”, đã kìm hãm quyền lợi và mong muốn chính đáng này của họ.
Trên thực tế, việc đàm phán lương đối với thực tập sinh đúng là một công việc “khó nhằn”. Nhưng không có nghĩa là bạn không thể thành công với nó.
Nếu thực sự khao khát một mức lương hợp lý cho công việc thực tập của mình, Glints gợi ý bạn áp dụng những cách hay ho sau đây:
Đọc thêm: Deal Lương Là Gì? Đàm Phán Lương Như Thế Nào?
Nghiên cứu thông tin
Việc tìm hiểu thông tin trước khi quyết định đàm phán lương là rất quan trọng.
Trước tiên, hãy nghiên cứu kỹ về công ty và trị trí mà bạn ứng tuyển. Nếu có thể hãy tìm hiểu xem nhà tuyển dụng có chấp nhận lời đàm phán từ thực tập sinh hay không. Trong trường hợp họ đã đưa ra một mức lương cố định và không thể đàm phán, bạn cũng nên suy xét kỹ về quyết định của mình.
Thứ hai, hãy tìm hiểu về mức lương thực tập trung bình cho vị trí bạn ứng tuyển, cũng như dựa vào kinh nghiệm của bản thân. Việc này giúp bạn đưa ra mức lương hợp lý, không quá xa vời. Từ đó, nâng cao tỷ lệ đàm phán thành công.
Chọn đúng thời điểm đàm phán lương thực tập
Trong bất kỳ buổi phỏng vấn nào, không riêng gì đối với vị trí thực tập, việc đề cập đến lương ngay từ những phút đầu tiên hay khi nhà tuyển dụng chưa hỏi đến là điều không nên làm chút nào.
Nếu có thể, hãy bày tỏ nguyện vọng đàm phán chỉ sau khi nhận được offer từ nhà tuyển dụng. Nếu đã chắc chắn được nhận, cơ hội để đàm phán lương cũng cao hơn.
Tận dụng điểm nổi trội của bản thân
Sau khi đã chắc chắn cơ hội cho một cuộc đàm phán, hãy dùng những khả năng nổi bật của bạn để thuyết phục nhà tuyển dụng.
Cho nhà tuyển dụng thấy bạn có những kỹ năng cần thiết cho công việc và có thể đem lại giá trị nhất định cho công ty.
Thẳng thắn và tự tin
Dù bạn là một thực tập sinh có ít hay nhiều kinh nghiệm, tốt nghiệp thành tích tốt hay khá, hãy luôn tin tưởng vào bản thân mình.
Thành thật và thẳng thắn cho nhà tuyển dụng thấy khả năng và mong muốn được làm việc của bạn. Đừng ngại đặt câu hỏi nếu có bất kỳ thắc mắc gì về công việc, công ty, cũng như nguyện vọng về lương thực tập.
Đôi khi, nếu bạn không đưa ra câu hỏi, nhà tuyển dụng sẽ không biết bạn mong muốn gì đâu. Vì vậy, nếu có cơ hội, hãy tự tin nói ra.
Đọc thêm: Bonus Là Gì? Các Loại Bonus Phổ Biến Nhất Hiện Nay
Kết
Việc muốn có một công việc thực tập tốt với mức lương hợp lý là hoàn toàn chính đáng. Vì vậy, hãy tìm hiểu về nó và không ngừng trau dồi kinh nghiệm để đạt được cả hai thứ đó cùng một lúc nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây và chúc bạn thành công với công việc thực tập của mình!
Nguồn tham khảo:
- Luật Giáo Dục Đại Học 2012
- Mức lương thực tập trung bình các nước khác