OT là một khái niệm quen thuộc trong từ điển của những người đi làm. Khi nói đến lương OT, hẳn ai cũng sẽ có sự tò mò nhất định bởi đây là quyền lợi và cũng là một trong những điều kiện quyết định bạn có nên cống hiến cho công ty hay không. Vậy OT là gì và quy định OT thế nào là chính xác?
Tìm hiểu qua những chia sẻ dưới đây của Glints nhé.
OT là gì?
OT là viết tắt của từ gì? OT chính là “overtime”, có nghĩa là làm thêm giờ so với quy định. Số giờ làm việc chung thường nằm trong giới hạn 40 tiếng/tuần. Những ai OT có nghĩa là họ tăng ca, làm việc với thời gian nhiều hơn so với con số này.
Tăng ca có thể là do người quản lý sắp xếp, phân công cho người lao động; hoặc do chính người lao động đề xuất. Điểm chung là việc OT cần được đồng ý bởi cả đôi bên và xác thực bằng biên bản tăng ca.
Khi làm thêm giờ thì ngoài mức lương chính thức đã được ký kết trên hợp đồng (bao gồm lương cứng, lương KPI nếu có, v.v), bạn sẽ được hưởng cả mức lương OT.
Lý do nhiều người chọn làm OT là gì?
Như Glints đã nhắc đến ở trên, tăng ca có thể là nhiệm vụ được giao bởi cấp trên. Nhưng cũng không ít trường hợp OT là lựa chọn của bản thân người lao động.
Khối lượng công việc quá nhiều
Lượng công việc lớn là một trong những lý do nhiều bạn phải tăng ca. Đặc biệt là vào thời điểm cuối năm hoặc khi công ty có dự án sắp đến deadline, việc nhiều người “đầu tắt mặt tối” tại văn phòng đến muộn là khó tránh khỏi.
Các yếu tố gây mất tập trung
Ngoài các trường hợp bất đắc dĩ như họp khẩn hoặc quá giờ, việc tăng ca có thể là do trong quá trình làm việc, bạn có thể bị mất tập trung bởi nhiều yếu tố khác.
Ví dụ, bạn thường sẽ tiếp xúc với đồng nghiệp khi đi làm trực tiếp trên văn phòng. Đôi lúc bạn có thể trò chuyện với họ quá nhiều mà công việc cũng bị trì trệ theo. Vậy nên để có thể hoàn thành công việc trong ngày, bạn nhất định phải làm OT rồi.
Kiếm thêm thu nhập/ngày nghỉ
Nhiều doanh nghiệp có đưa ra mức lương OT khá hứa hẹn cho nhân viên. Với mức lương lên đến 150% so với bình thường, nhiều bạn sẽ không ngại tăng ca để kiếm thêm thu nhập hàng tháng.
Mặt khác, cũng có không ít công ty đưa ra chính sách đổi giờ tăng ca để lấy thêm ngày nghỉ. Ví dụ với số giờ làm hàng tuần trung bình 40 tiếng, mỗi ngày đi làm bạn tăng ca 1 tiếng thì mỗi hai tuần, bạn sẽ có thêm một ngày nghỉ.
Tính chất công việc
Có những công việc có tính chất khá cấp bách và cần nhân viên phải ứng biến nhanh nhất có thể. Một số ví dụ có thể kể đến nghề biên tập viên, phóng viên, thiết kế, hay phát triển phần mềm.
Nghề biên tập và phóng viên ảnh sẽ cần cập nhật tin tức và hình ảnh sốt dẻo để có thể sản xuất nhanh hết sức có thể. Một graphic designer, kể cả freelancer hay làm văn phòng, sẽ có lúc phải nhận yêu cầu thiết kế khá gấp gáp. Giải pháp cho các trường hợp này chính là làm thêm giờ.
Tác hại của làm overtime?
Mặc dù OT có thể đưa đến những lợi ích nhất định cho cả cá nhân người lao động và công ty, vẫn sẽ có những bất lợi đến từ việc tăng ca.
Vấn đề về sức khoẻ
Làm việc 8 tiếng liên tục đã mệt mỏi, cố gắng thêm vài tiếng nữa chắc chắn sẽ làm bạn mệt mỏi hơn.
Khi liên tục OT, cơ thể bạn sẽ dễ bị suy nhược. Làm việc quá nhiều với máy tính thường dẫn đến việc mất ngủ. Không chỉ vậy bạn còn dễ cáu kỉnh, mất tập trung, thậm chí dẫn đến các bệnh liên quan đến hệ thần kinh, dạ dày, tim mạch, v.v.
Làm thêm giờ trong thời gian ngắn thì hiệu suất và năng suất đều tăng và bạn cũng có khả năng tăng thu nhập. Tuy nhiên hãy tránh để tình trạng OT quá mức kéo dài. Nếu không, bạn sẽ kiệt sức về cả thể chất và tinh thần, ảnh hưởng đến cả công việc và cuộc sống riêng.
Mất đi thời gian riêng cho bản thân
Tác hại của OT là gì nếu tần suất tăng ca quá cao? Bạn sẽ hy sinh cuộc sống riêng vì công việc.
Ngoài kiếm tiền bạn sẽ còn mối quan tâm đến bạn bè, gia đình, sở thích, đam mê cá nhân, v.v. Theo nghiên cứu của đại học Cornell, 30% những người làm việc với thời lượng 60 tiếng/tuần hay gặp phải bất đồng trong mối quan hệ gia đình, từ đó tỷ lệ ly hôn cũng tăng cao.
Nếu bạn để tình trạng làm việc quá giờ kéo dài, bạn sẽ mặc nhiên bỏ lỡ các giá trị cuộc sống. Vì vậy, bạn đừng quên cân bằng giữa công việc và cuộc sống để không đánh mất những điều quý giá này.
Nguy hiểm “rình rập”
Chúng ta thường đi làm về khuya sau khi OT. Nếu bạn có người đưa đón thì sẽ yên tâm hơn. Nhưng không ít bạn phải đi làm về một mình khi trời đã tối muộn và, “đơn thương độc mã” đi trên đường có thể gặp phải những trường hợp bất trắc.
Để phòng thân, bạn cần học cách tự vệ hoặc tìm đến đồng nghiệp cùng bạn OT hoặc người thân khi đến giờ tan làm.
Đọc thêm: Top 15 Công Việc Làm Thêm Lý Tưởng Cho Dân Văn Phòng
Quy định OT trong Luật lao động
Tăng ca là việc thường tình trong các doanh nghiệp, công ty. Và tìm hiểu kỹ về số giờ tăng ca và cách tính lương tăng ca sẽ giúp bạn tránh bị thiệt thòi, lợi dụng nhân quyền.
1. Về số giờ làm thêm
Trong Bộ luật Lao động, điều 106, khoản 2, Điểm b. số giờ tăng ca của mỗi người lao động không được quá 50% số giờ làm việc bình thường tính trong một ngày.
Trong trường hợp công ty áp dụng quy định làm thêm giờ theo tuần, tổng số giờ làm việc (bao gồm cả cả giờ bình thường và giờ tăng ca) không được vượt quá 12 giờ/ngày, không quá 30 giờ/tháng, và không vượt quá 200 giờ/năm.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép làm thêm không quá 300 tiếng/năm.
Theo quy định của Khoản 2, điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP; nếu tổ chức hoặc đơn vị có thời gian tăng ca từ 200-300 tiếng/năm thì người sử dụng lao động phải gửi văn bản thông báo tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương. Nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.
2. Về mức tính tiền lương làm thêm giờ
Theo quy định tại Điều 97 Bộ Luật lao động, người lao động khi làm OT sẽ được tính tiền lương tăng ca như dưới đây:
- Nếu làm thêm giờ vào ngày thường: bạn được hưởng ít nhất 150% lương ngày công đó.
- Nếu làm thêm vào ngày nhỉ: bạn được hưởng ít nhất 200% lương ngày công đó.
- Nếu làm thêm vào dịp Tết, lễ: bạn được hưởng ít nhất 300% lương ngày công đó, chưa bao gồm tiền lương ngày Lễ/ Tết/ ngày nghỉ được áp dụng mức lương này.
Để tìm hiểu rõ hơn, bạn hãy đọc bài viết về cách tính lương OT của Glints Việt Nam nhé!
Tạm kết
Hy vọng qua bài viết này của Glints, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về định nghĩa OT là gì cũng như những yếu tố bạn cần để tâm khi phải tăng ca. Để có thể hiểu rõ hơn về các khái niệm nơi công sở cũng như các chính sách lao động cần thiết, bạn đừng bỏ qua các bài viết và thông tin hữu ích của Glints nhé!
Tác Giả