QK2 – Ngày 21/9, tại thành phố Hà Giang, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang phối hợp với Trường Đại học Thái Nguyên tổ chức khai giảng Lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc năm 2023. Tham dự khai giảng có các đồng chí: Đại tá Khổng Đình Tám, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu; Đại tá Phạm Văn Sỹ, Phó cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị; lãnh đạo Ban Dân vận, Ban Dân tộc, Hội Khuyến nông tỉnh Hà Giang; lãnh đạo Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu đào tạo ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc.

Đại tá Nguyễn Hoài Nam, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh phát biểu tại khai giảng lớp học tiếng dân tộc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên phát biểu tại khai giảng.

Các đại biểu tham gia dự khai giảng.
Trong thời gian 3 tháng, 60 học viên là cán bộ, chiến sĩ thuộc LLVT tỉnh Hà Giang được bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc; phương pháp, kỹ năng, kinh nghiệm tuyên truyền, vận động nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nội dung bồi dưỡng gồm các chuyên đề về kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước cho 2 nhóm đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong đơn vị.

Các đại biểu trao đổi với giáo viên, học viên về phương pháp dạy, học tiếng dân tộc.
Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: Việc bồi dưỡng, đào tạo tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ trên địa bàn tỉnh Hà Giang là hết sức quan trọng. Vì vậy, chương trình đào tạo tiếng Mông lần này được thực hiện phương thức giảng dạy theo 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết; đồng thời tăng cường thực hành trong thời gian lên lớp. Quá trình đào tạo, các giảng viên của trường sẽ tăng cường tương tác giữa người học với người học, giáo viên với học viên, kiểm tra giám sát quá trình học tập và thực tế thực hành. Kết thúc khóa học, ngoài Chứng chỉ được cấp, học viên sẽ được trang bị vốn từ ngữ, tri thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc Mông để vận dụng hiệu quả vào công tác tại địa bàn có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Tin, ảnh: TRƯỜNG DŨNG