QK2 – Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới cực Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh (QP-AN) của Quân khu 2 và cả nước. Đến nay, Hà Giang vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chương trình chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Hà Giang nhận thức được những yếu tố tích cực, lợi ích, cơ hội, thách thức của chuyển đổi số; xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), gắn với củng cố quốc QP-AN.
Từ những quan điểm, nhận thức như trên, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 với cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch cho cả giai đoạn, giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tập trung thực hiện, đồng thời ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện thành công các chỉ tiêu của Nghị quyết.
Để triển khai hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng chính quyền điện tử, Hà Giang luôn chú trọng phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang và mạng truyền dữ liệu chuyên dùng, 96,14% thôn bản đã được phủ sóng di động, đây là nền tảng quan trọng trong công tác xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số. Chính vì vậy, khi tập trung xây dựng chính quyền số, tỉnh đã tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các hệ thống nền tảng dùng chung theo hướng vừa tập trung vừa phân tán. 100% các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã đều sử dụng chung một hệ thống quản lý văn bản, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, hệ thống trang thông tin điện tử, khuyến khích các cơ quan tổ chức sử dụng mạng xã hội trong trao đổi thông tin. Tập trung đầu tư, phát huy hiệu quả hệ thống phát thanh, truyền hình, chú trọng xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc Tày, Dao, Mông; triển khai hệ thống loa truyền thanh FM, truyền thanh internet thực hiện tiếp sóng phát thanh các kênh thông tin của VOV, phát thanh của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đến tận thôn, bản. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng cho công chức, viên chức, người dân bằng nhiều hình thức trực tuyến, trực tiếp để có thể nhanh chóng tiếp cận và nắm bắt, tham gia công cuộc chuyển đổi số. Với cách làm này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền được thống nhất và đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ, thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân.
Cùng với việc tập trung xây dựng chính quyền số, Hà Giang luôn chú trọng phát triển kinh tế số và cũng đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Với sự hợp tác, hỗ trợ, đóng góp của các tập đoàn, các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, trong thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình quản trị đã được chuyển đổi theo hướng công nghệ số. Nhiều sản phẩm, hàng hoá chủ lực của người dân Hà Giang sản xuất đã được cải thiện về chất lượng, quảng bá rộng rãi tới các thị trường lớn trong nước và quốc tế, sản lượng tiêu thụ hằng năm đều gia tăng khi người dân tham gia vào thương mại điện tử. Đặc biệt, Hà Giang có rất nhiều tiềm năng về du lịch, tỉnh đã đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ từ công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh con người và văn hóa Hà Giang đến cả nước và quốc tế. Vì vậy, đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến Hà Giang tăng nhanh, năm 2022 đạt trên 2,2 triệu lượt khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Đối với việc phát triển xã hội số, tỉnh đã thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng tới 100% các thôn bản, tổ dân số (2.071 thôn, tổ; 12.131 thành viên) với sự vào cuộc, hỗ trợ của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, các cơ quan ngân hàng, các tổ chức đoàn thể và xác định đây là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo, Ban điều hành chuyển đổi số các cấp, là cầu nối truyền tải nhận thức, hướng cách làm, cách thực hiện tới cộng đồng. Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư để mỗi người dân có một tài khoản định danh điện tử. Bước đầu đã có nhiều kết quả rõ rệt, người dân trên địa bàn dễ dàng và thuận tiện tiếp cận với các thông tin chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền thông qua các trang thông tin điện tử, các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng dùng chung. Người dân dễ dàng tiếp cận, giao dịch với các cơ quan chính quyền khi cần giải quyết các nhu cầu thông qua các hệ thống dịch vụ công được xác thực định danh điện tử, đảm bảo tính chính xác và bảo mật.
Những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số của tỉnh đã góp phần quan trọng để Hà Giang đạt được kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả năm 2022, thực hiện 36 chỉ tiêu kế hoạch thì có 29/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế của tỉnh có bước phục hồi nhanh, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 7,8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 18,5%, đạt 102,1% kế hoạch. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 132,7% dự toán Trung ương giao. Đặc biệt, du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh, lượng khách du lịch tăng 142,3%, vượt cao so với kế hoạch đề ra.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Tỉnh ủy Hà Giang luôn thực hiện tốt quan điểm gắn phát triển KT-XH với tăng cường, củng cố QP-AN. Trên cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và các Nghị định của Chính phủ, Tỉnh ủy Hà Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác QP-AN trên địa bàn và công tác ngoại giao nhân dân, đối ngoại quốc phòng… tạo môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển KT-XH. Trong xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án, quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh đều có sự tham gia, thẩm định của cơ quan quân sự địa phương; đồng thời, quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống công trình có tính lưỡng dụng cao, sẵn sàng chuyển đổi công năng phục vụ QP-AN khi có tình huống. Hệ thống hạ tầng cơ sở của tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng, không chỉ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống của nhân dân mà còn đáp ứng yêu cầu tác chiến phòng thủ. Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo LLVT làm tốt công tác dân vận; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục – đào tạo, y tế, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Năm 2022, toàn tỉnh giảm trên 8.770 hộ nghèo, tương ứng giảm gần 5% tỷ lệ hộ nghèo, vượt mục tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Kết quả trên đã góp phần quan trọng trong xây dựng các tiềm lực quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Xác định, chuyển đổi số là xu thế, nhu cầu tất yếu, để phát triển mạnh KT-XH trên nền tảng công nghệ thông tin, làm cơ sở để củng cố vững chắc QP-AN và trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ công tác QP-AN gắn với chuyển đổi số. Trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với củng cố QP-AN, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn. Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị các cấp. Chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; năng lực tham mưu đề xuất và tổ chức thực hiện của cơ quan quân sự địa phương ở các cấp; phát huy các tiềm lực để xây dựng khu vực phòng thủ thông qua truyền thông, thông tin mạng và bám sát cơ sở để kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động; giải quyết dứt điểm các vụ việc về an ninh, trật tự trên địa bàn, không để lây lan, kéo dài thành điểm nóng. Tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống thiên tai ở các cấp chặt chẽ chu đáo, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối.
Đồng thời chăm lo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị, tư tưởng, tổ chức, biên chế hợp lý, đúng quy định. Thực hiện nghiêm chế độ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu chuyển đổi số trong lực lượng vũ trang; thường xuyên tuần tra, canh gác đảm bảo an toàn các mục tiêu. Chủ động nắm chắc và dự báo sát tình hình, kịp thời xử trí hiệu quả các tình huống về QP-AN, phòng thủ dân sự không để bị động, bất ngờ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, ý thức pháp luật cho mọi người dân, đồng thời làm tốt công tác dân vận trên các địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục – đào tạo, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Phát huy tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tinh thần yêu nước của mỗi người dân để mỗi người dân thực sự là “một cột mốc sống” bảo vệ vững chắc vùng biên cương của Tổ quốc.
ĐẶNG QUỐC KHÁNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang