QK2 – Thực hiện nhất quán đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng – an ninh (QP-AN) đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm, trọng yếu, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta luôn chủ trương gắn nhiệm vụ kinh tế với nhiệm vụ quân sự để thực hiện mục tiêu cách mạng “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”. Thông qua các kỳ đại hội, Đảng ta tiếp tục khẳng định rõ việc kết hợp chặt chẽ giữa KT-XH với QP-AN và QP-AN với KT-XH là quy luật khách quan, quan điểm cơ bản, căn cốt, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam; phù hợp với sự vận động phát triển của thế giới trong điều kiện hội nhập và phát triển.
Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, với tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN nhằm xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh ngày càng vững chắc. Trong đó, tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung, hoàn thiện và triển khai hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách, đề án phát triển KT-XH gắn với bảo đảm QP-AN; kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với QP-AN và QP-AN với KT-XH trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương đảm bảo liên thông, đồng bộ, toàn diện có tầm nhìn dài hạn, tính khả thi cao.
Theo đó, việc quy hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là các ngành quan trọng luôn được ưu tiên; công tác phát triển kinh tế luôn tạo nền tảng cơ bản gắn với QP-AN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc đầu tư (FDI) trực tiếp từ nước ngoài được thu hút mạnh mẽ; với các dự án đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn trọng điểm về QP-AN được quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc quá trình thẩm định, xét duyệt, cấp phép và quản lý, giám sát hoạt động của các chương trình, dự án liên quan đến QP-AN. Kết quả từ năm 2013 đến nay, các cơ quan chức năng đã tổ chức thẩm định, cấp phép, quản lý, giám sát 204 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 2.371 triệu USD và 21 tổ chức phi chính phủ, tổ chức chính phủ và tổ chức quốc tế.
Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng, xây dựng trụ sở làm việc các cơ quan Nhà nước, các công trình phúc lợi… đều được quan tâm đến tính chất lưỡng dụng, gắn các công trình với nhiệm vụ phòng thủ, phục vụ QP-AN. Việc huy động nguồn lực kinh tế từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Tỉnh ủy về phát triển KT-XH gắn với củng cố, tăng cường QP-AN. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh bình quân giai đoạn 2013-2022 đạt khoảng 7,0%. Năm 2022, 9/9 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu đều đạt và vượt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch vùng, điểm kinh tế, quy hoạch ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn, gắn với quy hoạch thế trận quân sự trong KVPT, các yếu tố liên quan đến quốc phòng đều được quan tâm và điều chỉnh kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh được cải thiện, ngày càng đáp ứng cho nhiệm vụ QP-AN. Mạng lưới bưu chính viễn thông có độ phủ sóng tốt, công nghệ hiện đại có khả năng nâng cấp để phát triển dịch vụ mới phục vụ dân sinh, phát triển KT-XH và phục vụ nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn tỉnh. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, mạng lưới y tế các tuyến được củng cố, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời sẵn sàng huy động thực hiện nhiệm vụ trong KVPT khi có tình huống xảy ra.
Phương thức lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền các cấp luôn được đổi mới, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, theo hướng ưu tiên các công trình trọng điểm về quốc phòng. Công tác quy hoạch đất quốc phòng từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được quan tâm, trong đó quỹ đất cho quy hoạch xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong KVPT tỉnh, huyện được ưu tiên, như: Căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, trận địa phòng không, mốc giới pháo binh, các công trình phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập.
Các phương án phòng thủ, kế hoạch bảo đảm của các ngành hằng năm được bổ sung, điều chỉnh kịp thời, bố trí thế phòng thủ phù hợp với đối tượng tác chiến và những thay đổi trên từng địa bàn, khu vực. Tập trung quy hoạch các xã, phường, thị trấn thành cụm làng, xã chiến đấu. Triệt để tận dụng các địa hình có giá trị, các hang động thiên nhiên, các công trình giao thông, thủy lợi để xây dựng hoàn chỉnh thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (là tỉnh đầu tiên trên địa bàn Quân khu xây dựng được đường hầm cấp huyện bằng ngồn vốn ngân sách địa phương).
Cấp ủy, chính quyền các cấp, chỉ huy các đơn vị đã tích cực đổi mới nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc luyện tập, diễn tập, từng bước hoàn thiện về cơ chế, phương án, nâng cao được khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, kết quả các cuộc luyện tập, diễn tập đạt 100% khá, giỏi. Qua đó, giúp cho việc vận hành cơ chế ngày càng có hiệu quả, năng lực lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò làm tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các ban, ngành, đoàn thể địa phương từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp, các ngành thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, chính sách người có công với cách mạng, chính sách hậu phương quân đội, chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, dự bị động viên. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà, xây nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho các đối tượng chính sách, đối tượng đặc biệt khó khăn trên địa bàn; mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc với lực lượng vũ trang luôn được giữ vững; an sinh xã hội bảo đảm ngày càng tốt hơn đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc…
Cùng với nhân dân cả nước, Phú Thọ đã và đang có những bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, quy hoạch vùng, miền phù hợp với thế trận trong KVPT. Để thực hiện tốt mục tiêu xây dựng Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và xây dựng KVPT thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra, trong thời gian tới, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế gắn với bảo đảm QP-AN; tập trung đầu tư và nâng cao hiệu quả xây dựng các khu, cụm kinh tế trọng điểm; chú trọng huy động nguồn lực cho việc xây dựng Sở chỉ huy, các công trình trong KVPT then chốt, căn cứ hậu cần, kỹ thuật đảm bảo cơ bản vững chắc. Tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ; tăng cường tiềm lực QP-AN, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng lực lượng quân đội, công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
BÙI VĂN QUANG, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ