QK2 – Sáng 18-11, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Đồn Mộc Lỵ (20/11/1952 – 20/11/2022) và giải phóng Mộc Châu, tại Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, UBND huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La tổ chức khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Đồn Mộc Lỵ. Di tích được Bộ Văn hoá – Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 14/1/1998.
Đồn Mộc Lỵ là một hệ thống các công trình, bao gồm 1 đài chỉ huy, 3 vọng gác, 9 lô cốt nối với nhau bằng hệ thống giao thông hào, mức độ kiên cố cao, có hoả lực dày đặc nên Đồn Mộc Lỵ được thực dân Pháp coi là “Chiếc áo giáp sắt” bất khả xâm phạm ở Phân khu Sơn La. Việc đánh chiếm Đồn Mộc Lỵ có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến việc triển khai toàn bộ tuyến hậu cần từ Hoà Bình lên để phục vụ cho các đơn vị chủ lực của ta, quyết định đến toàn bộ phương án tác chiến của Chiến dịch Tây Bắc. Với cách đánh độc đáo, luồn nhanh, thọc sâu “cưỡi lên lưng hổ mà đánh”, sau 3 ngày vây hãm, hơn 3 giờ tấn công, quân ta đã giành chiến thắng, ngày 20/11/1952, Mộc Châu được hoàn toàn giải phóng.
Trong trận chiến đấu ác liệt này, 53 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 đã anh dũng hy sinh. Đánh giá về trận tiến công Đồn Mộc Lỵ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh Chiến dịch đã viết: “Trận tiến công trên khu Mộc Châu là trận đánh then chốt của Chiến dịch Tây Bắc”, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Năm 2002, nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng Mộc Châu, Đảng bộ, chính quyền huyện Mộc Châu đã quyết định xây dựng nhà bia ghi danh, tưởng nhớ các liệt sỹ đã hy sinh trong trận đánh này. Di tích trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Trải qua 70 năm, di tích được bảo tồn gần như nguyên trạng và năm nay di tích được tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục như: Cổng di tích; nhà ban quản lý; không gian tưởng niệm khánh tiết; nhà đón tiếp và hạ tầng kỹ thuật, hệ thống cây xanh. Toàn bộ hệ thống trong khu di tích được lấy ý tưởng theo kiến trúc các lô cốt, giao thông hào và hình tượng báng súng trường, thiết kế phù hợp với cảnh quan và địa hình khu vực.
Tin, ảnh: MẠNH TƯỜNG – PHẠM HẢI