QK2 – Theo quy định hiện hành, cứ vào dịp cuối năm, các đơn vị quân đội tổ chức cho bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Hành trang các chiến sĩ đem về quê nhà sau 2 năm tôi rèn trong quân ngũ không chỉ là bản lĩnh, nghị lực, sức khỏe dẻo dai, các đồ quân trang thân thuộc mà còn có cả một khoản trợ cấp kha khá để giúp các chiến sĩ khởi nghiệp, ổn định cuộc sống. Điều đó thể hiện tính nhân văn, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước với những thanh niên đem sức trẻ của mình xây dựng Quân đội.
Binh nhất Hoàng Văn Nguyên, người dân tộc Tày, quê ở xã Trúc Lâu, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đã xuất ngũ được gần 2 năm nay. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Nguyên được thanh toán chế độ trợ cấp xuất ngũ được khoảng 20 triệu đồng. Đó là số tiền khá lớn với một gia đình làm nông, còn nhiều khó khăn như gia đình Nguyên. Là một thanh niên nông thôn, học xong THCS đến tuổi anh thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của người thanh niên với Tổ quốc nên Nguyên chưa bao giờ có được số tiền lớn như vậy. Mặt khác khi xuất ngũ anh nhận thấy đồng đất quê mình rất rộng, có nhiều bãi cỏ xanh tốt bỏ không, một số sườn đồi có thể tận dụng trồng cỏ và ngô. Cùng với sự tư vấn, định hướng của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, sau khi về nhà được ít ngày Nguyên đã dành số tiền trợ cấp xuất ngũ mua đàn bò giống để chăn nuôi. Đến nay, sau hơn một năm chăn nuôi, 4 con bò cái của anh và gia đình có chiều hướng phát triển tốt.
Binh nhất Vương Văn Dương, nhà ở xã Yên Bình, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 là người có ý chí nghị lực từ ngày còn trong quân ngũ. Dương không chỉ chăm chỉ rèn luyện, chấp hành tốt các chế độ quy định mà còn chịu khó học hỏi, nghiên cứu tìm tòi các loại sách, tài liệu về nghề điện. Khi xuất ngũ cuối năm 2021, nhận được tiền trợ cấp anh gửi cho người thân cất giữ và Dương tham gia học lớp sơ cấp điện dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề số 2 – Bộ Quốc phòng. Học xong anh về quê và lấy số tiền trợ cấp xuất ngũ mở dịch vụ sửa chữa điện dân dụng tại quê nhà. Tuy chỉ trong thời gian ngắn làm nghề, nhưng mỗi tháng Dương có thu nhập từ 7 – 8 triệu đồng, công việc rất ổn định.
Theo Thiếu tá Hà Xuân Hiền, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, mỗi năm đơn vị tiếp nhận huấn luyện từ 350 – 400 chiến sĩ, do vậy cũng tương ứng với số đó được xuất ngũ theo Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Chiến sĩ đa phần là người dân tộc, ở các tỉnh như: Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Sơn La…; điều kiện kinh tế, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do vậy số tiền trợ cấp xuất ngũ là một khoản tương đối, không phải gia đình nào cũng có. Nếu các chiến sĩ có tư duy, ý chí nghị lực sẽ coi đó là cơ hội tốt để lập thân, khởi nghiệp, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Trong những tháng cuối năm, chỉ huy đơn vị từ cấp trung đội, đại đội đến tiểu đoàn luôn theo dõi, bám sát các hoạt động của bộ đội, nhất là việc chi tiêu, mua bán tại căng tin. Tuyên truyền, phổ biến, động viên bộ đội tiết chế chi tiêu; tăng cường quản lý không để bộ đội ra hàng quán bên ngoài doanh trại cắm ký nợ, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ. Cùng với đó, thường xuyên bảo đảm đầy đủ chế độ, tiêu chuẩn, đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Thực tế cho thấy, nhiều chiến sĩ còn tiết kiệm được tiền phụ cấp hằng tháng gửi về hỗ trợ gia đình. Khi xuất ngũ coi số tiền trợ cấp là một khoản vốn để đầu tư khởi nghiệp lâu dài.
Trung đoàn 148 là đơn vị chủ lực, mỗi năm có gần nghìn chiến sĩ được xuất ngũ, với số tiền trợ cấp tương ứng khoảng 20 tỷ đồng. Nếu mỗi chiến sĩ biết tận dụng thời cơ, sử dụng khoản tiền trợ cấp linh hoạt sẽ đem lại hiệu quả về kinh tế. Số tiền trợ cấp xuất ngũ là khoản vốn và như là chiếc “cần câu” tạo điều kiện cho mỗi chiến sĩ sẽ “câu” được nhiều “cá” lâu dài, giúp ổn định cuộc sống sau khi xuất ngũ về địa phương. Cấp ủy, chỉ huy các cấp trong đơn vị coi chiến sĩ như anh em ruột thịt, thường xuyên quan tâm làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng nghề nghiệp, mong các chiến sĩ sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự sẽ có công việc và thu nhập ổn định, trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyên Chí Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 148 cho biết: Được sự quan tâm đãi ngộ của Đảng, Nhà nước và Quân đội, khi bộ đội xuất ngũ được hưởng nhiều ưu đãi như học nghề, tư vấn giải quyết việc làm, nhận tiền trợ cấp xuất ngũ. Đa phần chiến sĩ sau 2 năm tại ngũ đã trưởng thành, rắn rỏi lên rất nhiều. Cá biệt có những đồng chí còn được kết nạp vào Đảng, trở thành cán bộ nguồn ở cơ sở; nhiều chiến sĩ biết tận dụng cơ hội từ tiền trợ cấp xuất ngũ để khởi nghiệp.
Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN