Quân khu 2 – Lào Cai xây dựng KVPT theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị

QK2 – Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị về xây dựng KVPT, những năm qua, LLVT tỉnh Lào Cai luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tham mưu và tổ chức thực hiện Nghị quyết quan trọng này. Báo Quân khu có cuộc trao đổi với đồng chí Đại tá Phạm Hùng Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai về một số kết quả trọng tâm của tỉnh.

Đại tá Phạm Hùng Hưng, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Lào Cai trao quà cho lực lượng thực binh trong diễn tập KVPT huyện Bắc Hà năm 2023.

PV: Trên cơ sở nắm chắc tình hình mọi mặt và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng KVPT, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã triển khai thực hiện Nghị quyết này như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Phạm Hùng Hưng: LLVT tỉnh tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ QS-QP, trọng tâm là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định số 02/2016/NĐ-CP, ngày 05/01/2016 và Nghị định số 21/2019/NĐ-CP, ngày 22/02/2019 của Chính phủ về xây dựng KVPT. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình xây dựng KVPT, bảo đảm phù hợp với khả năng, đặc điểm từng huyện, thị xã, thành phố và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tổ chức thực hiện.

Quá trình triển khai đã biết phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, Hội đồng cung cấp KVPT gắn với thực hiện Đề án số 48/ĐA-UBND, ngày 15/5/2015 của UBND tỉnh về “Bảo đảm quốc phòng giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2030”; Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về “Nâng cao tiềm lực quân sự tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025”. Đồng thời, chú trọng giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, lực lượng và toàn thể nhân dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ; thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, làm cơ sở nâng cao chất lượng xây dựng, duy trì hoạt động khu vực phòng thủ.

PV: Một nội dung quan trọng trong thực hiện Nghị quyết này là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Đề nghị Chỉ huy trưởng cho biết nội dung và giải pháp hoạt động này của LLVT tỉnh?

Đại tá Phạm Hùng Hưng: Đảng uỷ, Bộ CHQS tỉnh tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Chú trọng quán triệt, giáo dục cho các đối tượng nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, chủ trương, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng KVPT; nắm chắc đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và giữa quốc phòng với kinh tế. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục phù hợp với nhận thức đối tượng, đặc điểm địa bàn rừng núi, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn. Kết hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung theo cụm, khu vực với chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông trên địa bàn; phát huy hiệu quả hệ thống truyền thông. Coi trọng bồi dưỡng đối tượng là bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo, bởi đây là lực lượng trực tiếp đưa đường lối, quan điểm của Đảng, cấp ủy, chính quyền về xây dựng khu vực phòng thủ tới người dân. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; làm tốt công tác dân vận; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm cho nhân dân tin, theo Đảng, ủng hộ chính quyền, cống hiến sức người, sức của cho xây dựng và hoạt động của KVPT.

PV: Về vai trò của LLVT tỉnh trong công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng?

Đại tá Phạm Hùng Hưng: Nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế trong KVPT, Bộ CHQS tỉnh tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo tinh thần Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về sự kết hợp đó ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể, trong các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và trong từng nhiệm vụ cụ thể, nhằm bảo đảm cho kinh tế và quốc phòng phát triển cân đối, hài hòa; thực hiện mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng và ngược lại; kiên quyết đấu tranh loại bỏ tư tưởng coi trọng phát triển kinh tế, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phát triển nhanh, bền vững và toàn diện; coi trọng phát triển các trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên cơ sở thu hút đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, đường không) theo hướng đồng bộ, toàn diện, lưỡng dụng.

Thấy rõ tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến, du lịch, nông nghiệp hàng hóa, là động lực để thúc đẩy tỉnh trở thành cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương với các vùng trong nước, kết nối Việt Nam với các nước ASEAN, vùng Tây Nam – Trung Quốc và châu Âu. Khai thác hiệu quả các khu kinh tế cửa khẩu, khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quốc phòng, đơn vị làm kinh tế trên địa bàn, khu kinh tế – quốc phòng thuộc Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 345, phục vụ phát triển KT-XH và sẵn sàng chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu quốc phòng. Tiếp tục điều chỉnh lại thế bố trí dân cư theo dự án sắp xếp dân cư khu vực biên giới, nội địa gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH địa phương và phương án tác chiến phòng thủ các cấp.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

XUÂN PHÚ (thực hiện)