Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 326 đóng quân và thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn 15 xã thuộc 3 huyện biên giới 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên. Những năm qua, đơn vị đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả giúp địa phương phát triển kinh tế, từng bước xoá đói giảm nghèo ổn định cuộc sống.
Đứng ở khoảng trống trước quả đồi, ngắm nhìn nương cà phê của gia đình vươn lên xanh tốt, ông Quàng Văn Thiên, bản Cáp Ven, xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La) tỏ rõ niềm vui bởi thành quả lao động sau bao ngày vất vả. Ông Quàng Văn Thiên chia sẻ: “Một lần xuống xã, tôi được cán bộ đoàn KT-QP 326 giới thiệu về hệ thống bơm va có thể đưa nước từ dưới thấp lên cao mà không dùng điện hay bất cứ một loại nhiên liệu nào. Ban đầu tôi không tin, nhưng khi được cán bộ xã giới thiệu, tôi bèn tìm đến nhờ các anh bộ đội Đoàn 326 hướng dẫn lại cách sử dụng. Gia đình tôi đầu tư lắp đặt 1 chiếc lấy nước tưới tiêu cho toàn bộ diện tích cà phê của gia đình. Từ ngày có nguồn nước, nương cà phê không còn hiện tượng bị chết vào mùa đông do giá rét và thiếu nước, năng suất cũng tăng hơn 1,5 lần so với trước đây. Có nước tưới thường xuyên cà phê cho quả đẹp, bán được giá cao hơn”.
Cùng chung niềm vui khi diện tích trồng lúa của gia đình mấy năm nay có thể canh tác 2 vụ, ông Lò Văn Hùng, bản Huổi Hịa, xã Nậm Lạnh, Sốp Cộp tâm sự: “Trước đây, mảnh ruộng của gia đình tôi ở tít trên cao, chỉ cấy được 1 vụ, còn lại gia đình để ải do thiếu nước. Khi được tận mắt thấy tác dụng của hệ thống bơm va mà bộ đội Đoàn KT-QP 326 lắp đặt tại UBND xã Nậm Lạnh tôi thật bất ngờ. Tôi không nghĩ bơm va có cấu tạo đơn giản mà lại có thể đẩy được nước lên cao. Ban đầu, tôi cứ nghĩ bơm cần có động cơ bên trong mới đẩy được nước lên cao như thế”.
Theo Thượng tá Trần Quốc Việt, Phó Đoàn trưởng, Trưởng ban Quản lý Dự án Đoàn KT-QP 326, nơi các Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị (SX&XDCSCT) của đơn vị đứng chân phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân để hoang nhiều, nhất là diện tích trồng lúa. Đầu năm 2018, qua khảo sát thực tế, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn KT-QP 326 xác định nguyên nhân chính do thiếu nước sản xuất, dẫn đến diện tích đất của người dân bị bỏ hoang, diện tích đất canh tác được cũng cho năng xuất không cao. Thực tế đó, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn tổ chức nhiều hội nghị họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp: Sử dụng máy bơm nước; bơm nước dùng năng lượng mặt trời; xây bể chứa trên cao dự trữ nước vào mùa mưa, tưới và mùa khô… Tuy nhiên, các giải pháp đó đều có những hạn chế nhất định, như: Kinh phí đầu tư lớn, chi phí bảo dưỡng cao, việc áp dụng đại trà là khó khăn.
Qua tìm hiểu, nghiên cứu trên mạng internet về bơm không sử dụng động cơ để dẫn nguồn nước lên cao, Đoàn KT-QP 326 giao cho Xí nghiệp 26 phối hợp cùng Đội SX&XDCSCT Số 2 từng bước tiếp cận các thông số kỹ thuật gia công, lắp đặt. Xí nghiệp 26 gia công, thử nghiệm nhiều loại bơm nước có kích thước từ nhỏ đến lớn, bằng nhiều loại vật liệu khác nhau, song các thử nghiệm đều không đạt được như mong muốn. Bơm nước được thiết kế, chế tạo có lưu lượng nước không lớn; nước được đẩy lên không cao, vật liệu thiết kế độ bền thấp.
Trăn trở với những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất của người dân, Đoàn KT-QP 326 đã cử cán bộ về trực tiếp trường Đại học Thủy lợi tham vấn ý kiến của các giáo sư đầu ngành, đồng thời tham khảo một số địa chỉ sản xuất loại bơm này. Nhờ hướng dẫn về thông số kỹ thuật, vật liệu chế tạo của các giảng viên trường Đại học Thủy lợi, Đoàn KT-QP 326 tiếp tục khảo nghiệm các mẫu máy bơm mới. Thành công ngoài mong đợi, vào đầu tháng 8-2018, mẫu máy bơm tự áp bơm nước lên cao không dùng nhiên liệu đã được Đoàn KT-QP 326 chế tạo thành công. Máy bơm đẩy được nước lên độ cao hơn 60m từ đầu nguồn nước, lưu lượng nước đạt hơn 100m3/ngày đêm, đủ để tưới tiêu cho 2,7 hecta cây ăn quả của đơn vị.
Không dừng lại ở đó, Đoàn KT-QP 326 tiếp tục khảo nghiệm các mẫu bơm mới, loại máy 3, 4, 6 cửa thoát nước, nhằm giảm kích thước, dễ dàng di chuyển, phù hợp với chi phí của người dân địa phương. Đầu năm 2019, Đoàn KT-QP 326 đưa vào sản xuất đại trà cung ứng cho đồng bào.
Đến nay đã có hơn 30 đoàn khách trong và ngoài tỉnh Sơn La đến tham quan, tìm hiểu mô hình và có khoảng 700 hộ trên địa bàn, 13 hợp tác xã nông nghiệp ở 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên áp dụng hệ thống bơm va vào sản xuất nông nghiệp. Khi sử dụng hệ thống bơm va, các hộ dân không phải đầu tư kinh phí quá lớn, việc lắp đặt, sửa chữa cũng rất đơn giản. Nếu như trước đây để tưới cho 1ha cây trồng, người dân chi phí 3 đến 5 triệu đồng/tháng cho một máy bơm thông thường, khi sử dụng bơm va, người sử dụng không phải mất tiền điện, điều này giúp các hộ gia đình tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí trong đầu tư sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể thấy, những mô hình sản xuất mà Đoàn KT-QP 326 đã và đang triển khai, nhân rộng cho người trong vùng dự án đang từng ngày giúp cuộc sống người dân thêm khởi sắc, góp phần làm thay đổi rõ rệt một vùng biên cương nơi phên dậu của Tổ Quốc.
Bài, ảnh: MINH NGHĨA