Trong cuộc kháng chiến chống Pháp vẻ vang của dân tộc, chiến thắng Tây Bắc năm 1952 có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị và quân sự. Trong chiến thắng to lớn này, quân và dân Tây Bắc (Quân khu 2 ngày nay) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phối hợp chiến đấu với các đơn vị chủ lực của Bộ; đồng thời cung cấp sức người, cơ sở vật chất, lương thực cho chiến dịch, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng để quân và dân ta tiếp tục phát huy quyền chủ động trên chiến trường, đẩy thực dân Pháp vào thế bị động, đưa cách mạng nước ta bước sang giai đoạn mới.
Trên thực tế, từ thắng lợi Hòa Bình (2/1952) ta đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường chính Bắc Bộ, buộc địch từ tiến công chuyển sang phòng ngự, đối phó bị động, lúng túng ở cả hai mặt trận chính diện và địch hậu. Ta đã giáng đòn mạnh vào âm mưu xâm lược của thực dân Pháp và động viên, cổ vũ mạnh mẽ đồng bào, chiến sĩ cả nước tiến lên giành thắng lợi mới.
Sau thất bại thảm hại và buộc phải rút quân khỏi Hòa Bình, trong Hè -Thu năm 1952, quân Pháp đã tổ chức gần 100 cuộc hành binh càn quét trên cả nước. Riêng ở Bắc Bộ, chúng điên cuồng tiến hành 21 cuộc càn quét quy mô lớn để tiêu diệt các cơ sở chính trị, vũ trang, bắt lính, dồn dân, triệt phá kinh tế…, dùng chính sách “mị dân” thâm độc để dụ dỗ, mua chuộc người dân bản địa vùng cao gây phỉ chống lại cách mạng, thực hiện “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, nhằm bình định vùng tạm chiếm để cứu vãn về chiến lược và nâng nhuệ khí cho binh lính. Những cuộc hành binh càn quét, chà đi xát lại của địch đã gây ra rất nhiều thương đau cho nhân dân và làm cho tình hình của ta ở Tây Bắc gặp rất nhiều khó khăn. Cùng thời điểm này, các đơn vị trong toàn quân sôi nổi, rầm rộ thực hiện cuộc vận động chỉnh Đảng, chỉnh quân trước khi bước vào chiến dịch trong Đông Xuân 1952 – 1953.
Căn cứ vào thế và lực giữa ta và địch, địa thế hiểm yếu của Tây Bắc, cùng với khả năng tác chiến của bộ đội ta đã có bước phát triển mới sau chiến dịch Hòa Bình, Trung ương Đảng và Tổng Quân uỷ xác định: Hướng tiến công chính của ta trong Thu – Đông 1952 là tây bắc Bắc Bộ. Đồng thời, hạ quyết tâm mở chiến dịch tiến công trên chiến trường Tây Bắc. Thực hiện chủ trương đó, từ tháng 4 năm 1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch với quyết tâm tiêu diệt địch, giải phóng Tây Bắc.
Do có vị trí hiểm yếu nên Tây Bắc được quân Pháp xác định là vùng chiến lược quan trọng để uy hiếp căn cứ địa Việt Bắc và che chở cho Thượng Lào, đồng thời tổ chức thành khu quân sự độc lập Tây Bắc có bốn phân khu: Nghĩa Lộ, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu và các tiểu khu: Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên; với lực lượng gồm 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo; đóng phân tán trên 144 cứ điểm, trong đó 40 cứ điểm có từ 1 đến 2 đại đội; ngoài ra, còn có 3 tiểu đoàn Âu Phi chốt ở Sơn La, Lai Châu làm nhiệm vụ cơ động và các tiểu đoàn dù ở Hà Nội sẵn sàng tăng viện. Trong quá trình diễn ra chiến dịch, địch còn tăng viện 14 tiểu đoàn.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giải phóng Tây Bắc, ngày 17/7/1952, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu Tây Bắc, gồm 4 tỉnh (Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái). Là địa bàn diễn ra chiến dịch, vì vậy Khu ủy đã phối hợp với các Tỉnh ủy khẩn trương củng cố các tổ chức Đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương, trong đó có 17 chi bộ bộ đội địa phương, đồng thời tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang các tỉnh quy mô đến cấp đại đội và lực lượng du kích ở các thôn, bản.
Từ ngày 6 – 9/9/1952, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đơn vị tham gia giải phóng Tây Bắc. Theo kế hoạch tác chiến, lực lượng vũ trang Tây Bắc tham gia chiến dịch gồm 1 Tiểu đoàn địa phương Phú Thọ và 11 đại đội bộ đội địa phương các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và lực lượng du kích được huy động mức cao nhất, phối hợp với Đại đoàn 308, 312, 316, Trung đoàn pháo binh 151 (Đại đoàn 351) của Bộ. Lực lượng dân công phục vụ chiến dịch được Trung ương Đảng và Chính phủ huy động ở tất cả các tỉnh. Ngày 9/9/1952, Trung ương Đảng thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch và chỉ định Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng.
Thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy, cuối tháng 9 năm 1952, Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc mở Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn Khu để phổ biến mục tiêu, nhiệm vụ của chiến dịch giải phóng Tây Bắc, học tập các chỉ thị của Trung ương về thi hành chính sách dân tộc thiểu số, công tác dân vận, học tám điều mệnh lệnh của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đồng thời chỉ đạo lực lượng vũ trang toàn Khu và nhân dân chuẩn bị mọi khả năng tốt nhất để phục vụ và tham gia chiến dịch. Qua học tập quán triệt, đội ngũ cán bộ chủ chốt của Khu Tây Bắc đã nắm vững mục đích của chiến dịch là: “Tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân vùng Tây Bắc, giải phóng một bộ phận đất đai ở Tây Bắc”.
Chiến dịch Tây Bắc diễn ra từ ngày 14/10/1952 đến ngày 10/12/1952 và diễn ra qua 3 đợt.
– Đợt 1, từ ngày 14-23/10/1952, ta tiến công Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên giành thắng lợi, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn. Phối hợp với các mũi tiến công, Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) từ Lào Cai tiến xuống giải phóng Quỳnh Nhai (tỉnh Lai Châu). Cùng thời gian này, bộ đội địa phương và các đội du kích Cao Phạ, Mường La (Lai Châu) tích cực hoạt động phối hợp với chủ lực lùng quét tàn binh địch, bảo vệ địa phương. Các đại đội Văn Bàn, Văn Chấn (Yên Bái) bao vây Làng Chàng, Bản Dìu kêu gọi địch đầu hàng và truy kích bọn tháo chạy. Đại đội 802 Lai Châu cùng Tiểu đoàn 910 vũ trang tuyên truyền tham gia xây dựng chính quyền và tổ chức lực lượng ở khu vực mới giải phóng. Sau 13 ngày chiến đấu, lực lượng vũ trang Tây Bắc cùng bộ đội chủ lực đã giải phóng được địa bàn rộng lớn, quét sạch địch ở khu vực giữa sông Thao và sông Đà, từ Vạn Yên lên tới Quỳnh Nhai.
– Đợt 2, từ ngày 7 – 22/11/1952, quân ta vượt sông Đà đánh vào Mộc Châu, Yên Châu dồn quân địch co cụm lại khu vực Nà Sản. Trên hướng vu hồi, phối hợp, Trung đoàn 165, Tiểu đoàn 910 và bộ đội địa phương tỉnh Yên Bái, Lai Châu do đồng chí Bằng Giang chỉ huy vượt sông Đà, thọc sâu vào Quỳnh Nhai đánh vào phía sau lưng địch ở bắc Sơn La và nam Lai Châu. Trung đoàn 148 được lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương chở qua sông Đà và đưa đường thực hiện bao vây, đánh tan tiểu đoàn ngụy số 56 ở ngã ba Nậm Dín. Ngày 17/11/1952, Trung đoàn chiếm được Luân Châu. Ngày 20/11, giải phóng Tuần Giáo và truy kích địch qua cầu Nậm Mức sát thị trấn Lai Châu, đồng thời một bộ phận tiến lên Sìn Hồ đuổi địch về phía huyện lỵ. Ngày 30/11, Tiểu đoàn 542 tiến về giải phóng Điện Biên. Kết quả, trên hướng phối hợp ta diệt và bắt hơn 1.400 tên, cùng với kết quả đợt 1, ta đã tiêu diệt 12 đại đội địch, bắt sống 1.750 tên, thu nhiều vũ khí, giải phóng được 6 huyện: Than Uyên, Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Mường La, Thuận Châu, Điện Biên Phủ.
– Đợt 3, từ ngày 30/11 đến ngày 10/12/1952, ta tổ chức tiến công tập đoàn cứ điểm Nà Sản nhưng không thành công, Tổng Quân ủy quyết định kết thúc chiến dịch.
Sau gần 2 tháng chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, cùng với bộ đội chủ lực, quân và dân Tây Bắc đã giành thắng lợi to lớn, tiêu diệt 1.050 tên địch, bắt sống 5.024 tên (tiêu diệt 4 tiểu đoàn và 28 đại đội, đánh thiệt hại nặng nhiều tiểu đoàn tinh nhuệ), phá hủy và thu toàn bộ vũ khí, đồ dùng quân sự, các kho lương thực, thực phẩm của địch. Âm mưu củng cố “Xứ Thái tự trị”, “Xứ Nùng tự trị” của thực dân Pháp bị thất bại hoàn toàn. Tám phần mười đất đai của Tây Bắc được giải phóng (28.500km2, với 25 vạn dân), nối liền với phía tây căn cứ địa Việt Bắc, bổ sung cho tiềm lực kháng chiến và làm hậu phương của cả nước thêm lớn mạnh; đường giao thông quốc tế với Trung Quốc và Lào, từ Tây Bắc, Việt Bắc xuống Liên khu III, Liên khu IV vào miền Nam thuận lợi hơn, tạo thêm những điều kiện mới để quân và dân ta tiến lên giành nhiều thắng lợi hơn nữa.
Địa bàn Tây Bắc vừa là mặt trận trực tiếp, nơi diễn ra các trận đánh quan trọng, then chốt, quyết định, vừa là hậu phương trực tiếp của chiến dịch. Do vậy, đã được Trung ương giao nhiệm vụ huy động lực lượng vũ trang và chuẩn bị nhân lực, vật lực ở mức cao nhất phục vụ chiến dịch. Trước nhiệm vụ quan trọng, khẩn trương và khó khăn (số lượng dân công huy động rất lớn, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm nhiều, lại phải vận chuyển qua sông Đà và bám sát tiến công của bộ đội để phục vụ, trong điều kiện hết sức khó khăn do địch tăng cường càn quét, trinh sát…), Liên Khu ủy Việt Bắc, Khu Tây Bắc và các Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo kịp thời, sâu sát, động viên nhân dân dồn sức hoàn thành đúng thời gian với chất lượng tốt nhất.
Từ trước khi chiến dịch mở màn, lực lượng vũ trang và nhân dân Tây Bắc đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao trong Thu Đông 1952 – 1953 của Trung ương Đảng. Liên Khu ủy Việt Bắc, Khu ủy Tây Bắc và các Tỉnh ủy tích cực đẩy mạnh phong trào đấu tranh vùng sau lưng địch, đồng thời chỉ đạo lực lượng vũ trang tăng cường phối hợp chiến đấu và huy động cao nhất lực lượng, cơ sở vật chất, lương thực phục vụ chiến dịch Tây Bắc. Trước hết, huy động lực lượng dồn sức chuẩn bị địa điểm, cơ sở vật chất, xây dựng các kho lương thực, vũ khí đạn dược của Tổng cục Cung cấp, huy động dân công tập kết thóc gạo, xay xát lương thực, làm đường, vận tải phục vụ chiến dịch.
Dưới sự chỉ đạo của Khu uỷ, Tỉnh uỷ Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang đã huy động nhân lực, vật lực trực tiếp phục vụ hướng Nghĩa Lộ. Các tỉnh Sơn La, Lai Châu cùng với các tỉnh Liên khu 3, Liên khu 4 phục vụ hướng đường 41 Sơn La.
Thời điểm diễn ra chiến dịch, mặc dù tình hình đời sống nhân dân Tây Bắc còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, phải huy động một khối lượng rất lớn sức người, sức của, nhiều nơi giáp hạt, thiếu ăn, thiếu nhân công gặt mùa, nhưng nhân dân Tây Bắc đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa của chiến dịch và được tham gia góp phần giải phóng Tây Bắc là một vinh dự lớn, nên đồng bào các dân tộc Tây Bắc hăng hái tự nguyện ủng hộ thóc gạo, lợn gà, trâu bò, ngựa thồ, đăng ký xung phong đi dân công và nô nức tình nguyện phục vụ chiến dịch, vừa đánh giặc bảo vệ hậu phương, vừa tham gia phục vụ tiền tuyến.
Chỉ trong 3 tháng, các tỉnh đã huy động được 35.000 lượt dân công làm nhiệm vụ mở đường, bắc cầu phục vụ bộ đội hành quân tiến vào Tây Bắc. Vượt qua khó khăn gian nan, các đơn vị dân công đã xây dựng 4 khu kho trên hai hướng, làm nhiều trạm cứu thương dã chiến, làm mới hàng nghìn cáng thương, vận chuyển được 50.000 tấn hàng từ hậu phương ra tiền tuyến.
Tính chung, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã huy động được 1.140 tấn gạo, 40 tấn thịt, 41 tấn thực phẩm khác, cùng với 150.000 ngày công đóng góp cho chiến dịch. Sự đóng góp của quân và dân Khu Tây Bắc đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần chiến đấu cho bộ đội chiến đấu làm nên chiến thắng Tây Bắc, khẳng định chủ trương huy động sức người, sức của của vùng mới giải phóng, hậu phương tại chỗ của Đảng ta cho chiến dịch là đúng đắn.
Chiến thắng của Chiến dịch Tây Bắc đã đập tan kế hoạch chiếm đóng, bình định lâu dài và thủ đoạn thâm độc của thực dân Pháp, giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân khỏi ách kìm kẹp của quân thù. Thắng lợi đó đã tạo nên hình thái chiến trường có lợi cho ta. Ta đã giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược; các lực lượng vũ trang nhân dân tích lũy thêm kinh nghiệm tác chiến quy mô lớn hơn, hiệp đồng binh chủng cao hơn trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương; đặc biệt bộ đội chủ lực của ta dần làm quen với cách đánh hệ thống cứ điểm mạnh. Chiến thắng Tây Bắc thể hiện sự chỉ đạo nghệ thuật quân sự đúng đắn, chính xác và sáng tạo của Đảng ta về phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân; về chọn chiến trường thích hợp, phối hợp nhịp nhàng giữa các chiến trường, các lực lượng vũ trang. Đồng thời, để lại nhiều kinh nghiệm về tổ chức một chiến dịch chính quy ở một chiến trường xa, khó tiếp tế, vận chuyển.
70 năm đã trôi qua, nhưng Chiến thắng Tây Bắc 1952 vẫn luôn là mốc son trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh; một trong những chiến dịch điển hình về chỉ đạo chiến lược đúng đắn, tài tình của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Tổng Tư lệnh, để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị cả về lý luận và thực tiễn. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, để kế thừa và phát huy thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc, lực lượng vũ trang Quân khu sẽ không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học về sự lãnh đạo của Đảng, về nghệ thuật quân sự, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp giành thắng lợi trong mọi tình huống.
Thiếu tướng PHẠM HỒNG CHƯƠNG, Tư lệnh Quân khu