Điểm nhấn về nghệ thuật quân sự trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam là nghệ thuật chỉ đạo tác chiến của Đảng ta từ thế bị động nhanh chóng chuyển sang chủ động phản công và tiến công sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả.
Từ tháng 5-1975 đến tháng 4-1977, quân Pol Pot xâm chiếm các đảo Phú Quốc, Thổ Chu và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ biên giới Tây Nam nước ta. Tháng 12-1978, tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary tập trung nhiều sư đoàn mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, giết và làm bị thương nhiều dân thường, phá hủy nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân ta.
Trước hành động gây hấn và mở rộng chiến tranh xâm lược của quân Pol Pot, Đảng và Nhà nước ta đã kiềm chế và kiên trì chính sách hòa bình, hữu nghị với nhà nước Campuchia Dân chủ, nhưng càng kiềm chế thì kẻ địch càng lấn tới, buộc chúng ta phải đứng lên thực hiện quyền tự vệ chính đáng. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm mở cuộc tổng phản công và tiến công chiến lược tiêu diệt quân địch trên tuyến biên giới Tây Nam; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia nổi dậy. Thực hiện phương châm tác chiến từ thế bị động sang chủ động phản công và tiến công là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, thể hiện tư tưởng tích cực tiến công, nghĩa là tiến hành phản công địch bằng tiến công, lấy tiến công làm loại hình tác chiến chủ yếu.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định sử dụng 18 sư đoàn thuộc 3 quân đoàn (2, 3, 4); các Quân khu 5, 7, 9, các quân chủng và binh chủng cùng 600 xe tăng, bọc thép, 137 máy bay, 160 tàu chiến đấu và vận tải, tham gia cuộc phản công và tiến công lịch sử này (theo cuốn Lịch sử Đảng bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân). Quân ta vận dụng loại hình chiến dịch phản công và tiến công hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, tiến hành đồng thời và kế tiếp nhau, giữa các chiến dịch không có khoảng cách.
Theo kế hoạch, từ ngày 23 đến 31-12-1978, ta mở cuộc tổng phản công và tiến công, mở đầu bằng một loạt chiến dịch quy mô cấp quân đoàn, từ 2 đến 3 sư đoàn của các quân đoàn 2, 3, 4; hoặc cụm sư đoàn của các Quân khu 5, 7, 9 được không quân chi viện, tiến công đồng thời từ 5 hướng (Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 và Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4), trên toàn tuyến biên giới Tây Nam, dài hơn 1.200km. Trong các chiến dịch phản công và tiến công, ta vận dụng phương pháp tác chiến chủ yếu là luồn sâu, ém sẵn và thọc sâu bằng lực lượng mạnh (quy mô cấp sư đoàn), kết hợp đột phá chính diện, hình thành thế bao vây nhiều tầng, chia cắt địch ra nhiều khu vực để tiêu diệt chúng. Bằng cách đánh đó, trên hướng Quân đoàn 3, chỉ trong một ngày, ta phá vỡ tuyến phòng ngự của 4 sư đoàn địch; trên hướng Quân đoàn 2 và Quân khu 9, trong hai ngày đánh tan 2 sư đoàn địch…
Đến ngày 31-12-1978, quân ta trên các hướng tiến công đã đẩy quân Pol Pot ra khỏi biên giới, hoàn thành thắng lợi cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Theo yêu cầu của nhân dân và Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, các đơn vị bộ đội Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tiến hành chiến dịch tiến công kế tiếp, bằng phương pháp tiến công trong hành tiến, với các đòn tiến công hiệp đồng tác chiến quân, binh chủng từ nhiều hướng, giải phóng thủ đô Phnom Penh ngày 7-1-1979.
(Theo qdnd.vn)