Quân khu 2 – Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự

QK2 – Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp  thứ 5, gồm 7 chương với 55 điều, có hiệu lực thi hành tử ngày 01/7/2024. Theo đó, nguyên tắc hoạt động PTDS là tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị- xã hội, các đoàn thể và nhân dân; được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động PTDS

Lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ phối hợp với các lực lượng ở địa phương luyện tập phương án phòng thủ dân sự sơ tán nhân dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng của thiên tai.

Lực lượng PTDS bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong đó lực lượng nòng cốt bao gồm: Dân quân tự vệ, dân phòng; lực lượng chuyên trách (LLCT), kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của bộ, ngành Trung ương, cơ quan ngang bộ, địa phương và lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.

Chính sách của Nhà nước về PTDS là ưu tiên đầu tư xây dựng công trình, trang thiết bị, nâng cao năng lực, xây dựng LLCT, tổ chức và trang bị hiện đại, chuyên nghiệp cho PTDS theo quy hoạch, kế hoạch, trong đó tăng cường trang bị, phương tiện lưỡng dụng cho lực lượng vũ trang. Đồng thời, huy động các nguồn lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động PTDS; khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho hoạt động PTDS trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế; bảo đảm dự trữ quốc gia cho hoạt động PTDS

Cấp độ PTDS được xác định trên cơ sở: Phạm vi ảnh hưởng, khả năng lan rộng và hậu quả có thể xảy ra của sự cố, thảm họa (SC,TH); vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội, dân cư, đặc điểm tình hình quốc phòng, an ninh của địa bàn chịu ảnh hưởng của SC,TH; diễn biến, mức độ gây thiệt hại và thiệt hại do SC,TH gây ra; khả năng ứng phó, khắc phục hậu quả SC,TH của chính quyền địa phương và lực lượng PTDS.

Luật PTDS quy định 3 cấp độ PTDS. Cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả SC,TH trong phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của SC, TH vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của LLCT và chính quyền địa phương cấp xã. Cấp độ 2 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả SC,TH trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của SC,TH vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp huyện. Cấp độ 3 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả SC,TH trên địa bàn một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của SC, TH vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của chính quyền địa phương cấp tỉnh…

VIỆT CƯỜNG