QK2 – Già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư ở vùng biên huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai luôn gần dân, bám bản, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; giữ vai trò quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế – văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở cơ sở. Có người là đảng viên, song nhiều người tuy chỉ là người dân bình thường nhưng được dân tín, Đảng tin nên được ví như những “Cánh tay nối dài” của Đảng ở miền biên viễn còn nhiều khó khăn này.
Kỳ 1: Già làng, trưởng bản “thời 4.0”
Một ngày cuối Thu trời nắng vàng hanh hao trải dài trên khắp các ngọn đồi và vùng ven “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, Đoàn Kinh tế – Quốc phòng (KT-QP) 345 tổ chức hội nghị gặp mặt các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong Khu kinh tế huyện Bát Xát. Ngay từ sáng sớm tinh mơ, sương mù còn giăng kín các nhành cây, ngọn cỏ và đường đi lối lại thì một số già làng đã đến hội trường của đơn vị. Người đi xe máy, người đi xe đạp và có cả những người “hành quân bộ” vài cây số đường rừng đến dự với tâm trạng rất vui mừng, phấn khởi. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 345 ai nấy đều nét mặt rạng ngời, hồ hởi đón các đại biểu, già làng, thưởng thôn, trưởng bản như những người thân đi xa lâu ngày trở về gia đình.
Nhìn Trung tá Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Dân vận, Đoàn KT-QP 345 như con thoi chạy ngược, chạy xuôi lo cho chuẩn bị nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm của ngành, chúng tôi thêm hiểu rằng vị trí, vai trò của các già làng, trưởng thôn, trưởng bản quan trọng đến nhường nào. Anh Tân chia sẻ, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị rất tin tưởng và yêu mến các già làng, trưởng thôn, trưởng bản. Và hơn hết đây là dịp để cảm ơn những tấm lòng, tình cảm và tinh thần trách nhiệm của những người được ví như “cầu nối” và “cánh tay nối dài” của Đảng đến với đồng bào các dân tộc nơi đây. Đồng thời qua dịp này để các bác bày tỏ tâm tư nguyện vọng, hiến kế, đề xuất những cách làm hay trong việc tuyên truyền, vận động dân bản.
Trước giờ khai mạc buổi gặp mặt, chúng tôi nhận thấy các già làng, trưởng thôn, trưởng bản ai nấy đều sử dụng Smartphone (điện thoại thông minh) một cách khá thành thạo. Trò chuyện với ông Ma Seo Páo, người có uy tín ở thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, được biết ông sử dụng điện thoại thông minh đã 4 – 5 năm nay. Nhờ chiếc điện thoại mà ông tạo lập nhóm zalo của bà con, thường xuyên nắm bắt được mọi tình hình và kịp thời báo cáo lãnh đạo thôn, xã xử trí các tình huống xảy ra, nhất là những người lạ đến địa bàn với mục đích tuyên truyền đạo chưa được công nhận, dụ dỗ người dân di dịch cư. Do vậy trong vài năm gần đây, thôn Lũng Pô luôn ổn định, không có tình trạng tuyên truyền đạo trái phép, không có di dịch cư tự do và buôn bán ma túy.
Đến thăm trang trại nuôi dê của ông Sùng A Cử, thôn Nậm Khoang, xã Nậm Chạc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước đàn dê ước chừng 60-70 con với đủ lứa tuổi, cân nặng. Ông mới được tín nhiệm bầu làm là Bí thư Chi bộ thôn Nậm Khoang. Trước đây ông là đảng viên thường, kinh tế thuộc diện khó khăn, được Đoàn KT-QP 345 hỗ trợ 3 con dê giống. Từ đó ông chịu khó chăm sóc, chăn nuôi, đàn dê cứ thế nảy nở, sinh sôi, mỗi năm thêm vài con. Ông Cử lấy ngắn nuôi dài, riêng đàn dê ông không vội bán và cũng không mổ thịt khi có tiệc tùng, lễ tết, mà ông lấy ngắn nuôi dài, chịu khó nuôi thêm ngan, gà, nuôi ong bán lấy tiền trang trải chi tiêu cuộc sống hằng ngày, còn đàn dê ông nuôi cho ra tấm ra món. Và kể từ đó nhiều bà con trong thôn được ông giúp đỡ, bán chịu dê giống cho nuôi, từ một người dần dần có hàng chục người học cách nuôi dê.
Từ đó ông Sùng A Cử đã sử dụng điện thoại thông minh thiết lập câu lạc bộ nuôi dê trên zalo để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, kịp thời thông báo tình hình thời tiết, bệnh tật để người nuôi dê đề phòng. Nhóm zalo nuôi dê đã giúp nhau cùng phát triển. Một số hộ dân nhờ vào nhóm zalo và sự giúp đỡ của ông Sùng A Cử, gia đình từng bước thoát nghèo nhờ chăm chỉ và biết kỹ thuật chăn nuôi, biết sử dụng đồng vốn với tinh thần “năng nhặt chặt bị”. Cách đây 2 năm ông cử đã dành tặng 5 hộ nghèo trong thôn Nậm Khoang mỗi gia đình 2 con dê giống. Kể từ đó các hộ đã nuôi thành đàn dê và thoát khỏi diện đói nghèo, tiêu biểu như hộ ông Lù A Khoa, từ 2 con dê giống ông Cử cho, đến nay ông Khoa có đàn dê 25 con; ông Sùng A Dếnh có đàn dê 20 con… Một số hộ từ đó đã thoát được nghèo đói, cuộc sống dần ổn định, có của ăn của để, mua sắm được nhiều tiện nghi phục vụ đời sống, sinh hoạt.
Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN