Quân khu 2 – Tăng cường xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc

QK2 – Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng trong xây dựng KVPT tỉnh. Nhân dịp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết này, Phóng viên Báo Quân khu có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Viết Khánh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy QS tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Yên Bái.

Cán bộ, chiến sĩ cơ quan Bộ CHQS tỉnh Yên Bái thi đua huấn luyện giỏi.

 Phóng viên: Thưa Đại tá Phạm Viết Khánh, nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI, Đảng ủy QS tỉnh đã có nhiều giải pháp trong tuyên truyền cũng như tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng KVPT tỉnh ngày càng vững chắc?

Đại tá Phạm Viết Khánh: Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) ban hành, Đảng ủy QS tỉnh đã quán triệt, triển khai và cụ thể hóa Chương trình hành động số 112 của Thường vụ Đảng uỷ Quân khu và Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 5/11/2012 của Tỉnh ủy về “Tiếp tục xây dựng tỉnh thành KVPT vững chắc trong tình tình mới”;  Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ khóa XI, bằng Kế hoạch số 884-KH/ĐU, ngày 10/12/2014 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 25/10/2013 của Ban CHTƯ Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, đến 100% cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT tỉnh đảm bảo nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo mục tiêu, quan điểm, phương châm, nhiệm vụ, giải pháp nghị quyết đề ra; lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của các cấp uỷ đảng, nhất là tinh thần Nghị quyết; các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng KVPT. 

Chỉ đạo các đảng uỷ cơ sở xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, giữ vững QP-AN trên địa bàn các xã, phường, thị trấn vững mạnh; phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị đưa nội dung giáo dục, quán triệt những tinh thần cơ bản của Nghị quyết vào chương trình giáo dục bồi dưỡng kiến thức QP-AN; chương trình bồi dưỡng cán bộ chủ chốt các cấp; chương trình giảng dạy của Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng Chính trị cấp huyện, thị, thành phố; qua đó, đã tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, các chương trình, kế hoạch dự án phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn trọng điểm. Qua đó, cán bộ, đảng viên, LLVT và nhân dân cơ bản nắm vững đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ QP-AN. Nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố và tăng cường; “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc; nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có chuyển biến tích cực. LLVT được xây dựng vững mạnh, có sức chiến đấu cao, cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Đồng chí nói rõ hơn về kết quả tham mưu, thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội và công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng?

Đại tá Phạm Viết Khánh: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc kết hợp phát triển KTXH với QP-AN; tích cực tham gia thẩm định các dự án, đề án phát triển kinh tế – xã hội theo đúng quy định (từ năm 2013 đến nay đã tham gia ý kiến vào 470 dự án, đề án); từng bước tham mưu đầu tư xây dựng các công trình quân sự trong KVPT. Xây dựng mọi nguồn lực của nền kinh tế vững mạnh, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với QP-AN, đối ngoại và QP-AN, đối ngoại với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Đồng thời, chú trọng xây dựng nguồn lực động viên bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; xây dựng Lực lượng DBĐV hùng hậu; sẵn sàng mở rộng lực lượng DQTV; xây dựng các cơ sở động viên công nghiệp, cơ sở kinh tế – xã hội sẵn sàng chuyển sang phục vụ nhiệm vụ QP-AN …

Công tác quản lý Nhà nước về quốc phòng được triển khai thực hiện có hiệu quả; trọng tâm là, đã tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh sớm có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời ban hành các văn bản quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban BCTƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; triển khai thực hiện nghiêm Luật DQTV, DBĐV và chế độ chính sách theo quy định của pháp luật; chấp hành thực hiện nghiêm tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng, công tác huấn luyện, diễn tập, tuyển quân, tuyển sinh quân sự, động viên, giáo dục QP-AN và xây dựng KVPT. Quản lý chặt chẽ, thực hiện tốt việc phân giới, cắm mốc đất quốc phòng và sử dụng đúng mục đích.

Thường xuyên kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của BCĐ KVPT, BCĐ Phòng không nhân dân, Hội đồng giáo dục quốc phòng an ninh, Hội đồng nghĩa vụ quân sự, Tuyển sinh quân sự và Hội đồng cung cấp KVPT. Đồng thời, quan tâm xây dựng các tiềm lực trong KVPT; triển khai điều chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến phòng thủ đúng quy định, sát với khả năng và điều kiện thực tiễn của địa phương qua từng giai đoạn. Công tác đăng ký, quản lý, xây dựng Lực lượng DQTV, DBĐV, hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ hằng năm với chất lượng cao…

Phóng viên: Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết này, các đại biểu cũng đã nêu một số điểm còn hạn chế như một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc còn đơn giản; công tác dự báo tình hình ở cơ sở có nơi còn hạn chế…Đảng ủy QS tỉnh đã đề ra giải pháp khắc phục hạn chế này như thế nào?

Đại tá Phạm Viết Khánh: Bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, vừa là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, để kịp thời khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng ủy QS tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh quán triệt sâu sắc Nghị quyết, Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 5/11/2012 của Tỉnh ủy;  Chương trình hành động số 69-CTr/TU ngày 20/01/2014 của Tỉnh uỷ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban CHTƯ Đảng (khóa XI), Nghị định số 21/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng KVPT. Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm cho từng cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT tỉnh thống nhất nhận thức, xác định rõ vị trí, tầm quan trọng của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhận thức rõ “đối tượng”, “đối tác”, qua đó nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân, hệ thống chính trị và toàn dân để có kế hoạch hành động tham gia bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thứ hai, làm tốt công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có trình độ, năng lực làm tốt công tác tham mưu vớ cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh về tổ chức, biên chế, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ; xây dựng Lực lượng DQTV, DBĐV vững mạnh; đăng ký, quản lý chặt chẽ các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu quốc phòng, sẵn sàng động viên khi có tình huống.

Thứ ba, phát huy vai trò chủ trì của cơ quan quân sự trong tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng KVPT, các quy hoạch xây dựng công trình phòng thủ, căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần – kỹ thuật… đã được phê duyệt. Từng bước thực hiện xây dựng các công trình phòng thủ phù hợp với đặc điểm của địa phương.

Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức QP-AN cho các đối tượng. Tổ chức huấn luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội thường trực, DQTV, DBĐV sát với đối tượng và địa bàn tác chiến, phù hợp với tổ chức, biên chế và trang bị đảm bảo chất lượng tổng hợp ngày càng cao của lực LLVT tỉnh, đủ khả năng độc lập xử lý các tình huống QP-AN trong thời bình, bảo vệ địa phương khi có chiến tranh, theo phương châm “tỉnh giữ tỉnh, huyện giữ huyện, xã giữ xã”.

Thứ năm, phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm, không để xảy ra các “điểm nóng”, giữ vững ổn định chính trị. Tăng cường mối quan hệ, đoàn kết quân dân và giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và LLVT. Tích cực tham gia các phong trào thi đua và chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

CAO XUÂN (thực hiện)