QK2 – Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước đã chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, anh dũng, kiên cường chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập nên những chiến công vang dội, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và hôm nay, cũng trên mảnh đất Điện Biên Phủ, quân và dân cả nước lại hướng về Điện Biên với “Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Ý ĐẢNG HỢP LÒNG DÂN
Hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ban hành Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Ðiện Biên và các tỉnh Tây Bắc (Đề án 09) với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Mục tiêu của chương trình là vận động các nguồn lực của xã hội để trong thời gian một năm (từ 7/5/2023 đến 7/5/2024), hỗ trợ làm mới 7.000 đến 8.000 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Điện Biên và địa bàn Tây Bắc (trong đó hỗ trợ tỉnh Điện Biên làm 5.000 căn nhà) với mức hỗ trợ 50 triệu đồng mỗi căn nhà.
Phát biểu tại Lễ phát động ủng hộ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc” là một chủ trương lớn, thể hiện quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, xây dựng nhà Đại đoàn kết để các hộ nghèo có nhà ở an toàn, ổn định, có điều kiện nâng cao mức sống, thoát nghèo bền vững. Đây là việc làm cao đẹp, nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn’, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam…
Với chủ trương đúng đắn, ý Đảng hợp lòng dân và ý nghĩa lớn lao, tính nhân văn sâu sắc, Chương trình đã nhận được sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội; sự chung tay, góp sức từ các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương đến “con Lạc, cháu Hồng” trong và ngoài nước, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tiếp sức chương trình. Ngay tại Lễ phát động đã có trên 280 tỷ đồng, tương đương với 5.600 căn nhà Ðại đoàn kết đã được các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Trung ương và địa phương ủng hộ.
PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Theo đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Điện Biên, đây là lần đầu tiên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có đề án riêng thực hiện trên địa bàn một tỉnh. Với Ðiện Biên đây là chương trình làm nhà Ðại đoàn kết có quy mô lớn nhất, được triển khai và hoàn thành trong thời gian nhanh nhất từ trước đến nay.
Phát huy tinh thần Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo thành lập BCĐ các cấp. Theo đó, từ tỉnh đến các huyện, thành, thị, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều thành lập BCĐ, Tổ giúp việc BCĐ thực hiện Đề án đảm bảo đúng, đủ thành phần, trong đó ở tất cả các cấp đồng chí Bí thư cấp ủy trực tiếp là trưởng BCĐ cùng cấp.
Cấp ủy, chính quyền, BCĐ, tổ giúp việc BCĐ các cấp đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên trong tất cả các khâu, các bước triển khai thực hiện Đề án. Việc rà soát, thẩm định lựa chọn đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ làm nhà được thực hiện chặt chẽ theo phương châm “đi đến từng nhà, rà từng người, xác định hoàn cảnh từng hộ”, sau đó tổ chức bình xét, xét duyệt từ thôn bản, khu dân cư đảm bảo công khai, khách quan, dân chủ, đúng đối tượng.
Ở các thôn, bản, khu dân cư, Ban công tác mặt trận trực tiếp tham gia giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, BCĐ các cấp xử lý những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án ngay từ cơ sỏ.
Để đảm bảo tiến độ của Đề án, cùng với việc tiếp nhận, giải ngân nguồn kinh phí phân bổ hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và trực tiếp từ các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức doanh nghiệp và nhân dân ủng hộ, tỉnh Điện Biên đã tạm ứng ngân sách 50 tỷ đồng để tạo điều kiện cho các hộ gia đình làm nhà. Các địa phương còn chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường giám sát đảm bảo ổn định giá nguyên vật liệu, tránh tình trạng nâng giá, đẩy giá… Ở một số xã, phường, thị trấn, nhất là các thôn, bản, khu dân cư còn làm trung gian đứng ra bảo lãnh, tín chấp với các hộ kinh doanh vật liệu xây dựng để cho các hộ được ứng nguyên vật liệu làm nhà đảm bảo đảm đúng tiến độ.
Ngoài huy động vật chất, cấp ủy, chính quyền, BCĐ và MTTQ các cấp đã nỗ lực vào cuộc huy động sức mạnh trong nhân dân. Toàn tỉnh đã huy động được hàng vạn ngày công, trong đó nòng cốt là lực lượng quân sự, biên phòng, công an, dân quân, tự vệ, đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ… tham gia vào tất cả các công đoạn, giúp đỡ nhân dân làm nhà. Nhờ vậy, phần lớn các căn nhà, đều hạn chế đến mức thấp nhất phần chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và nhân công xây dựng.
Đại tá Trần Đức Sinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức 288 tổ công tác với 864 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các ban, ngành địa phương xuống 288 thôn, bản nắm tình hình an ninh chính trị địa bàn và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của địa phương, kết hợp tham mưu giúp BCĐ các cấp trong việc triển khai Đề án 09. Bộ CHQS tỉnh đã vận động cán bộ, chiến sĩ ủng hộ được gần 200 triệu đồng, đồng thời chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị dân quân, tự vệ tích cực tham gia giúp đỡ các địa phương và nhân dân trong triển khai thực hiện Đề án 09, góp phần tỏa sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.
NHỮNG CÁCH LÀM HAY, BÀI HỌC QUÝ
Theo Đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch MTQT tỉnh Điện Biên, Phó Trưởng ban thường trực BCĐ Đề án 09 tỉnh Điện biên: Nổi bật trong triển khai thực hiện Đề án 09 ở tỉnh Điện Biên đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện, hiệu lực, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, huy động sức mạnh toàn dân. Cấp ủy, chính quyền, BCĐ các cấp, đặc biệt là người đứng đầu đã phát huy tốt việc nêu gương theo tinh thần “6 dám” (Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách). Do vậy, chỉ sau gần 6 tháng kể từ ngày đồng loạt tổ chức lễ khởi công trong toàn tỉnh (ngày 23/7/2023), tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc xây dựng và bàn giao 5.000 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo theo Đề án 09 về đích trước 4 tháng so với kế hoạch đề ra.
Đồng chí Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Điện Biên tâm sự, thực tiễn triển khai Đề án 09 ở tỉnh Điện Biên đảm bảo phù hợp với chủ trương của Trung ương, sát với điều kiện, đặc điểm địa phương cũng như nguyện vọng của người dân. Tỉnh đã linh hoạt vận dụng trên điều kiện thực tế của từng địa phương và tạo điều kiện tốt nhất để người dân thực hiện việc xây dựng nhà ở theo ước muốn; hình thức nhà do các hộ dân được quyền tự lựa chọn phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc và điều kiện của mỗi gia đình. Do vậy, ngoài kinh phí 50 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Đề án, nhiều hộ gia đình còn huy động nguồn lực từ anh em, dòng họ tham gia vào xây dựng nhà. Phần lớn các căn nhà xây dựng đều từ 70 đến 80 triệu đồng trở lên, trong đó nhiều nhà trên 100 triệu đồng.
Theo BCĐ Đề án 09 tỉnh Điện Biên, trong số 5.000 căn nhà Đại đoàn kết được triển khai, có 1.810 nhà xây, 1.901 nhà gỗ truyền thống và 1.289 nhà khung sắt. Các căn nhà đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, có diện tích tối thiểu từ 40m² trở lên và đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” (nền, móng cứng; khung, tường cứng và mái cứng) theo quy định về chất lượng nhà ở của Bộ Xây dựng…
Chúng tôi trở lại gia đình bà Lường Thị Mai (dân tộc Thái) ở bản Pá Đông, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) vào một ngày giáp Tết Giáp Thìn, trong căn nhà Đại đoàn kết khang trang vừa được xây dựng bằng nguồn hỗ trợ từ những nghĩa cử cao đẹp của những tấm lòng nhân ái, sẻ chia, bà Mai đã khóc – khóc trong niềm vui, hạnh phúc đong đầy bởi cả cuộc đời bà và gia đình cũng chẳng bao giờ nghĩ sẽ có căn nhà mới, đặc biệt là đúng vào dịp Tết đến, xuân về.
Đồng chí Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, hiệu quả từ Đề án và thành công của tỉnh Điện Biên trong triển khai Đề án 09 là cơ sở để Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước triển khai những đề án kế tiếp nhằm hiện thực hoá mục tiêu xoá nhà tạm cho hộ nghèo trên khắp cả nước; đồng thời đây là bài học quý để cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp nghiên cứu, tham khảo và nhân rộng trong thời gian tiếp theo, góp phần đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân, thực hiện thắng lợi phong trào thi đua “Vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Một mùa xuân mới đã về trên khắp dải biên cương Tây Bắc, thấp thoáng giữa đại ngàn với màu trắng hoa ban là những ngôi nhà mới vừa được dựng, xây từ sức mạnh lòng dân với “Triệu tấm lòng yêu thương – Nghìn mái nhà hạnh phúc”.
Bài, ảnh: NGÔ NGỌC VIỆT