QK2 – Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có rất nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa như Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa (Minh Nông, Việt Trì); Lễ hội mở cửa rừng dân tộc Mường (Yên Lập); Hội vật đuổi giải (Lâm Thao); Lễ hội Đình Gia Dụ (Tam Nông); Lễ hội Đình Thổ Khối (Cẩm Khê)… Các lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia như: Lễ hội Đền Lăng Sương, Lễ hội Đình Đào Xá (Thanh Thủy), Lễ hội Đền Chu Hưng (Hạ Hòa), Lễ hội Trò Trám (Lâm Thao), Lễ hội Đền Tam Giang (Việt Trì)… Mới đây ba di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh vừa được công nhận là: Lễ hội Đền Du Yến (Thanh Ba), Lễ hội rước Chúa Gái (Lâm Thao) và Lễ mở cửa rừng của người Mường (Yên Lập).
Nhìn chung, những lễ hội này đều có nét đặc trưng độc đáo là gắn chặt với cộng đồng dân tộc, thờ cúng các Vua Hùng – Tổ tiên của người Việt và các loại hình tín ngưỡng của người Việt cổ mang tính cội nguồn sâu đậm; phản ánh các sự kiện lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân vùng Đất Tổ và của cả dân tộc Việt Nam, do vậy có ý nghĩa rất lớn trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau.
Trong đó, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng là điểm nhấn quan trọng của thực hành tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng với đó là các lễ hội truyền thống: Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa) gắn liền với huyền tích mẹ Âu Cơ sinh ra dân tộc Việt trong bọc trăm trứng, khai sơn lập ấp, dạy dân cấy lúa trồng dâu, dệt vải…; Lễ hội Đền Lăng Sương (Thanh Thủy) với sự tích bà Đinh Thị Đen sinh hạ Tản Viên Sơn Thánh, một trong “Tứ bất tử” linh thiêng được nhân dân đời đời thờ phụng; Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng tại Đàn Tịch Điền (phường Minh Nông, thành phố Việt Trì) gắn với văn hóa thời kỳ Hùng Vương, khởi thủy nghề trồng lúa nước của cư dân nông nghiệp Việt Nam; Hội Phết (Tam Nông) tri ân công đức Thiều Hoa Công chúa – Nữ tướng thời Hai Bà Trưng với công lao chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương; Hội Trò Trám (Lâm Thao) – Lễ hội cổ xưa nhất của người Việt với “lễ mật” diễn ra lúc nửa đêm cầu cho nòi giống sinh sôi, mùa màng tươi tốt…
Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Phú Thọ có 315 lễ hội (trong đó 311 lễ hội truyền thống, 4 lễ hội văn hoá). Các lễ hội dân gian truyền thống vùng Đất Tổ thường được gắn với không gian tâm linh và thực hiện các nghi lễ mang đặc trưng riêng. Hầu hết các lễ hội này thường được tổ chức vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, vì thế, lễ hội đầu Xuân đã trở thành nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Năm 2024, Phú Thọ tiếp tục đề ra các giải pháp quản lý tốt các lễ hội, kiên quyết xử lý các lễ hội có hành vi phản cảm, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, không cho phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi. Các địa phương, đơn vị, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, đảm bảo công tác tổ chức để các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng bào và du khách thập phương hành hương về Đất Tổ và tham dự các hoạt động lễ hội.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, để tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2024 đảm bảo đúng nghi thức truyền thống, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, Sở Văn hóa Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành, thị đề nghị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của tỉnh về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó có Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024 và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; không tổ chức các lễ hội mang yếu tố phản cảm, bạo lực, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự…
Đồng chí Ngô Đức Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm cho biết: Là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong tháng Giêng, huyện Lâm Thao đã ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội, hướng dẫn các địa phương tổ chức lễ hội; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các vi phạm pháp luật khác; thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; đảm bảo ANTT, ATGT trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2024 để đảm bảo các lễ hội đầu Xuân trên địa bàn huyện được tổ chức vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đảm bảo an toàn, trang trọng, văn minh.
Với nhiều giải pháp đồng bộ của Ngành Văn hóa, thể thao và Du lịch các cấp tỉnh Phú Thọ, các lễ hội dịp đầu Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ mang dấu ấn tốt đẹp khi du khách hành hương về miền Đất Tổ Phú Thọ.
Bài, ảnh: NGỌC CƯỜNG