QK2 – Vĩnh Phúc là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, là một trong những nơi của người Việt cổ gắn với nền văn hóa, văn minh sông Hồng; nơi sinh ra những con người luôn có khát vọng đổi mới, sáng tạo, bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Kế thừa dòng chảy truyền thống ấy, trong nhiệm kỳ này, lãnh đạo tỉnh có khát vọng xây dựng Vĩnh Phúc thành “miền quê đáng sống”, cụ thể hóa bằng những “Làng văn hóa kiểu mẫu”.
Kỳ 1: Những nghị quyết “để đời”, hướng về người dân
Lịch sử nước Việt đã tạc ghi Vĩnh Phúc là quê hương của nhiều người anh hùng, nơi sinh ra những người con ưu tú, tài năng, có ý chí, khát vọng, đổi mới, sáng tạo, phát triển. Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là một trong những người như vậy, có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ yêu cầu của thực tiễn, ông đã cùng với Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đề ra Nghị quyết số 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966, về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã, đã tạo ra “luồng sinh khí mới”, cách nghĩ và cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh lúc bấy giờ. Từ đó làm cơ sở để Trung ương Đảng ra nghị quyết về “Khoán 10” đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị, được kế thừa, bổ sung, phát triển, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Kế thừa truyền thống của quê hương có nhiều đổi mới, sáng tạo, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc qua nhiều nhiệm kỳ luôn có khát vọng, đột phá, đổi thay với mong muốn để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến việc ban hành các chủ trương, chính sách an sinh xã hội, phát triển văn hóa, nông nghiệp, nông dân và nông thôn, có thể kể đến như: Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 12 – NQ/TU ngày 12/3/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 15 – NQ/TU ngày 12/12/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 16/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 19 – NQ/TU về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, trong đó xác định mục tiêu xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống yên bình, no ấm và hạnh phúc.
Theo đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, quán triệt thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 17, nhất là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (năm 2021), từ năm 2022 lãnh đạo tỉnh đã ấp ủ, “thai nghén” và đề ra chủ trương lãnh đạo cả hệ thống chính trị tổ chức thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh. Với một phương châm xuyên suốt là “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh”. Đây là một chủ trương lớn và mới, chưa có tiền lệ, là cụ thể “6 dám” trong Nghị quyết XIII của Đảng. Do vậy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhiều lần họp, bàn cho ý kiến về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Dịp đầu năm 2023 với bộn bề công việc, nhưng lãnh đạo tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ban ngành, bộ phận hoàn thành dự thảo nghị quyết để Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp bàn, đề ra chủ trương, giải pháp lãnh đạo. Xây dựng các “Làng văn hóa kiểu mẫu” có đặc trưng riêng, yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn so với “Thôn nông thôn mới” hoặc “Làng văn hóa”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 5/5/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ra Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023-2030 và Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh về việc Thông qua Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2030 của UBND tỉnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần quyết liệt, sáng tạo, giữ vững và phát huy truyền thống, văn hóa, xây dựng hài hòa với không gian, điều kiện tự nhiên, không ảnh hưởng đến quy hoạch chung. Xây dựng các khu thiết chế văn hóa, thể thao chỉ là điểm nhấn trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, được triển khai không chỉ ở nông thôn mà cả ở tổ dân phố, khu dân cư trong các thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên. Với khát vọng chủ nhân của “Làng văn hóa kiểu mẫu” phải là những người có kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa; cần cù, chăm chỉ trong lao động sản xuất, kinh doanh, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0; áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào để sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh gia tăng giá trị; sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật; có môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh; có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Hội thảo khoa học “Xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – lý luận và thực tiễn”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Mặc dù mới triển khai thực hiện thí điểm ở một số làng nhưng hiệu quả, giá trị và ý nghĩa nhân văn, tích cực của chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân Vĩnh Phúc, đã truyền cảm hứng tích cực trong Nhân dân; cho thấy sự gắn kết bền chặt giữa Đảng với dân; là bài học quý về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong việc huy động, chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. Đó còn là những hình ảnh đẹp về sự tận tâm, tận tụy của những người cán bộ gương mẫu, năng động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, luôn đồng hành với Nhân dân, hiểu dân, biết dựa vào sức mạnh của dân để mang lại hạnh phúc cho Nhân dân.
Bài, ảnh: ĐÀO DUY TUẤN
Kỳ 2: Khi ý Đảng hợp lòng dân