Quân khu 2 – Vĩnh Phúc phát triển giống cây Trám đen trên vùng đất trung du

QK2 – Tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng, có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam với 3 vùng sinh thái rõ rệt: Đồng bằng, trung du và miền núi. Đối với vùng trung du ở các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô, người dân bao đời đã quen trồng nhiều loài cây lấy gỗ, cây ăn quả, không chỉ đem lại thu nhập, giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống.

Cán bộ Trung tâm giống Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra chất lượng giống Trám đen bàn giao cho các địa phương.

Cây Trám thuộc chi Trám (Canarium) là một chi trong họ Burseraceae. Trám là cây gỗ lớn, có thể cao từ 20-30m, đường kính từ 50-70 cm, thân tròn thẳng, tán lá rộng và xanh quanh năm. Cây Trám có trám đực (không ra quả) và trám cái. Cây Trám ra hoa vào tháng 6-7 và đậu quả vào tháng 8-10. Quả hạch hình trái xoan, hai đầu nhọn, khi chín màu đen và màu vàng nhạt (Trám trắng); hạt cứng hoá gỗ dày. Cây Trám thích nghi tốt với tầng đất dầy, ẩm, thoát nước. Trám cũng có khả năng chịu được đất khô cằn, sỏi đá.

Trồng cây Trám có nhiều tác dụng, là cây thường xanh, có độ che phủ lớn, góp phần làm tăng độ che phủ cho vùng trung du và miền núi; quả để ăn trực tiếp và là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn đặc sản, bổ dưỡng. Từ quả Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, như: Trám kho cá, Trám nhồi thịt… Quả Trám còn được dùng để làm ô mai mặn, ngọt được nhiều người ưa thích. Nhân hạt Trám chứa nhiều dầu béo, có vị bùi; có thể ăn sống, ép dầu hoặc làm nhân bánh. Gỗ Trám có thể được dùng trong xây dựng nhà cửa, làm nguyên liệu gỗ dán, bột giấy và củi đun. Nhựa Trám dùng để chưng cất tinh dầu, chế biến côlôphan dùng trong công nghệ nước hoa, xà phòng, véc-ni, làm hương, pha chế sơn và mực in… Ngoài ra Trám còn có tác dụng làm thuốc trong y học dân gian. Trám đen được coi là đặc sản quý ở vùng Trung du miền núi phía Bắc, được nhiều vùng miền trong nước và cả du khách nước ngoài ưa thích.

 Ở một số huyện trung du của Vĩnh Phúc (Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo…), cây Trám đã được người dân trồng từ lâu đời, nhưng số lượng ít, chưa mang tính xây dựng thương hiệu hàng hóa. Trước thực tế đó, Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc luôn trăn trở, tìm giải pháp tháo gỡ, giúp người nông dân trong khu vực này có thể “khởi nghiệp” từ cây Trám đen, với số vốn đầu tư ban đầu ít, đem lại nguồn thu bền vững, lâu dài. Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc phối hợp với Viện nghiên cứu Phát triển Vùng, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cùng một số cơ quan, doanh nghiệp liên quan tiến hành nhân giống Trám đen bằng phương pháp ghép mắt, cho ưu điểm nhanh ra quả hơn ươm trồng truyền thống. Lựa chọn những cây giống tốt, cây đầu dòng để ghép, tạo ra cây Trám đen chất lượng cao, giúp người nông dân yên tâm trồng, chăm sóc.

Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở NNPTNT Vĩnh Phúc) đã chủ động phối hợp, nghiên cứu sản xuất, cung ứng cả cây Trám đen ươm và Trám đen ghép cho Phòng Nông nghiệp các huyện, các doanh nghiệp được phép cung ứng ra thị trường giống nông nghiệp để phục vụ nông dân có nhu cầu trồng. Mặt khác, Trung tâm Giống Nông nghiệp phối hợp với UBND các xã, thị trấn, cơ quan truyền thanh các huyện làm tốt công tác tuyên truyền, khảo sát; khuyến khích người dân tận dụng triệt để diện tích đất sườn dốc, đất trống để trồng Trám đen. Người dân có thể trồng xen kẽ với các loại cây ăn quả khác để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. Trám là cây trồng có chi phí ban đầu thấp, ít sâu bệnh hại nhưng giá trị kinh tế lại cao. Cây trưởng thành cho thu hoạch trên 50 năm, có những cây cho sản lượng 200 – 300kg quả/năm. Giá bán buôn dao động từ 60-70 nghìn đồng/kg. Người trồng có thu nhập ổn định từ năm thứ 6 trở đi. Trám ghép tạo nên quần thể đồng đều, giữ được đặc tính của cây mẹ.

Bên cạnh việc nghiên cứu giống Trám đen hiệu quả, đồng thời để nâng cao giá trị của quả Trám đen cần nghiên cứu kĩ thuật thu hoạch, kỹ thuật bảo quản và chế biến trám và xây dựng thương hiệu để tạo ra giá trị gia tăng cao cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng trám. Nghiên cứu phát triển bền vững cây Trám đen sẽ là cơ sở để chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trồng cây gì để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết của từng khu vực đó là điều mà những người làm công tác giống nông nghiệp luôn quan tâm, trăn trở. Để mục đích cuối cùng là không lãng phí diện tích đất và nâng cao đời sống người nông dân. Từ quan điểm đó nên chúng tôi luôn hướng về cơ sở, sẵn sàng hỗ trợ người nông dân, đồng hành cùng nông dân để có kết quả trồng trọt chăn nuôi tốt nhất, giúp nhân dân phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: DUY TUẤN – THÚY QUỲNH