QK2 – Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Gửi các bạn thanh niên” ngày 17/8/1947 vẫn còn cô đọng trong mỗi con tim.
Trong các trường quân sự quân khu trong Quân đội nhân dân Việt Nam, thanh niên chiếm tỉ lệ khá lớn, lực lượng chủ yếu trong thực hiện mọi nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chính vì vậy, xây dựng ý thức phòng, chống vi phạm pháp luật đối với thanh niên ở các trường quân sự quân khu có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, các quy định của cơ quan, đơn vị giúp họ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước những tác động của cuộc cách mạng 4.0, các nhà trường quân sự quân khu đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, trong đó đã xây dựng ý thức phòng, chống vi phạm pháp luật cho thanh niên hiên nay, góp phần không nhỏ vào việc khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội. Đối với các trường đã chủ động, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các lực lượng trong phòng, chống vi phạm pháp luật của thanh niên; phố hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình thanh niên, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức giáo dục, quản lý, rèn luyện để phù hợp với đối tượng thanh niên.
Tuy nhiên, trước sự phát triển khoa học và công nghệ các nhà trường vẫn còn mội số hạn chế đó là: Tình trạng vi phạm pháp luật, kỷ luật của thanh niên ở một số trường quân sự quân khu vẫn còn; trong đó vi phạm pháp luật, kỷ luật có tính chất lỗi phạm phức tạp, gây hậu quả rất nghiêm trọng, có trường hợp phải giải quyết bằng pháp luật, tạo ra những dư luận xấu trong đơn vị và ngoài xã hội.
Để xây dựng ý thức phòng, chống vi phạm pháp luật, hạn chế và chấm dứt các hành vi tiêu cực, tệ nạn xã hội đối với thanh niên, các trường quân sự quân khu cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu đó là:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, tăng cường giáo dục, quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị nghị quyết, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng tới mọi thanh niên trong nhà trường.
Đây là một nội dung hết sức quan trọng bởi vì có nâng cao nhận thức, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong tuyên truyền phòng, chống vi phạm pháp luật mới tạo được sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của thanh niên hiên nay. Do đó, các tổ chức, các lực lượng và mỗi thanh niên cần hiểu rõ vai trò, sự cần thiết của phòng, chống vi phạm pháp luật để hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng.
Nhận thức đúng là cơ sở của hành động trong chỉ đạo, định hướng cho hoạt động thực tiễn của mỗi con người. Thực tiễn việc xây dựng ý thức trong phòng, chống vi phạm pháp luật của thanh niên trong các trường quân sự quân khu vừa qua cho thấy nhận thức, vai trò, trách nhiệm và năng lực của các tổ chức, các lực lượng luôn là nhân tố quan trọng, hàng đầu, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của phòng, chống vi phạm pháp luật. Những thành tự đã đạt được đều bắt nguồn từ chính nhận thức, thái độ, trách nhiệm đúng đắn và nỗ lực tổ chức của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và cán bộ, lực lượng trực tiếp phòng, chống vi phạm pháp luật của thanh niên. Để phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong xây dựng ý thức phòng, chống vi phạm pháp luật của thanh niên đòi hỏi cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu, học tập Hiến pháp, pháp luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội và các quy định của nhà trường; quán triệt thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, học tập tại chức hàng năm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong đó trú trọng vào chương trình, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật. Lãnh đạo, chỉ đạo tốt các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về chấp hành pháp luật, rèn luyện kỷ luật.
Thứ hai, duy trì nghiêm pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, kịp thời đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật
Xây dựng ý thức phòng, chống vi phạm pháp luật đối với thanh niên ở các trường quân sự thông qua quản lý chặt chẽ, duy trì nghiêm kỷ luật, kịp thời đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội là việc làm đòi hỏi phải kiên trì. Đối với cấp ủy, người chỉ huy các cấp tổ chức tốt việc quản lý, duy trì, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật quân đội đối với thanh niên trên tất cả các nội dung học tập, sinh hoạt…trong đó tập trung đi sâu vào quản lý các mối quan hệ, diễn biến tư tưởng, tình cảm, niềm tin và ý chí quyết tâm cũng như bản lĩnh, thái độ hành vi ứng xử, giải quyết mọi tình huống nảy sinh về chấp hành pháp luật của thanh niên. Đặc biệt duy trì nghiêm nề nếp chính quy, kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của mọi thanh niên. Thường xuyên đổi mới nội dung, vận dụng sáng tạo các hình thức, biện pháp quản lý, duy trì kỷ luật, xử lý công minh, chính xác, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của tường thanh niên trong tự phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội.
Đây chính là nội dung có ý nghĩa trực tiếp quyết định nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội ở các trường quân sự quân khu hiện nay. Bởi vì, tự học tập, tự rèn luyện nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của học viên trong tự phòng, chống vi phạp pháp luật, kỷ luật quân đội là quá trình người học tự tổ chức các hoạt động, mang tính chuẩn xác về hành vi theo các yêu cầu của pháp luật nhà nước, điều lệnh, điều lệ quân đội và các chế độ quy định của nhà trường, tạo thành thói quen tốt trong học tập, rèn luyện, thực hiện các chế độ quy định. Để phát huy tính tích cực, chủ động trong tự phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội người thanh niên cần có thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao, tự giác, say mê với nhu cầu được trải nghiệm các hoạt động thực tiễn để tiếp nhận những thông tin, tri thức, kinh nghiệm, rèn luyện cho mình bản lĩnh, ý chí quyết tâm cao về chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội và các quy định của nhà trường; xây dựng động cơ, ý chí phấn đấu, không ngừng giành kết quả trong học tập, rèn luyện, tác phong nghiêm túc, tìm hiểu về pháp luật nhà nước, kỷ luật quân đội, tạo thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, hành động theo điều lệnh. Chính vì vậy, vai trò của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chủ trì, các cơ quan chức năng phải thường xuyên hướng dẫn, giúp thanh niên xây dựng những nội dung, kế hoạch, biện pháp tự học tập, tự rèn luyện để phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội. Định kỳ tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội của thanh niên ở từng nhà trường.
Để xây dựng ý thức của thanh niên trong các nhà trường cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng tham gia như: Hội đồng quân nhân, Đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và gia đình từng thanh niên để giáo dục, rèn luyện ý thức tự phòng, chống vi phạm pháp luật. Thường xuyên nắm chắc tình hình tư tưởng của từng thanh niên, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa những tiêu cực tệ nạn xấu xâm nhập vào nhà trường, xây dựng nhà trường an toàn, vững mạnh về mọi mặt.
Thượng tá, ThS Lê Ngọc Hà (Khoa Nhà nước và Pháp luật – Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng)
* Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Quốc phòng (2016), Chỉ thị số 91/CT-BQP ngày 22/11/2016 Về tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
2. Bộ Quốc phòng (2016), Thông tư số 42/2016/TT-BQP ngày 30/3/2016 Quy định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Bộ Quốc phòng. Hà Nội.
3. Bộ Quốc phòng (2016), Thông tư số 192/2016/TT-BQP ngày 26/11/2016 Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng. Hà Nội.
4. Bộ Quốc phòng, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật, Tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017, Hà Nội.