Quân khu 2 – Yên Bái gắn phát triển du lịch cộng đồng với đảm bảo quốc phòng – an ninh

QK2 – Yên Bái là một tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.886,28km2, dân số trên 84 vạn người. Toàn tỉnh có 9 huyện, thị xã, thành phố; 173 xã, phường, thị trấn. Những năm gần đây, kinh tế Yên Bái duy trì tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 8,62% (cao hơn so với kế hoạch là 7,5%), xếp thứ 8/14 tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; bình quân từ đầu nhiệm kỳ đạt 7,86%/ năm, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đạt mục tiêu đề ra, cụ thể: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 22,57% (kế hoạch là 22,70%); Công nghiệp – Xây dựng 32,65% (kế hoạch là 32,10%); Dịch vụ 40,50% (kế hoạch là 40,60%); Thuế sản phẩm, trừ trợ cấp sản phẩm 4,29% (kế hoạch là 4,6%).

Đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tham quan sản phẩm trưng bày tại Lễ hội Quế Văn Yên năm 2022. (Ảnh: ĐỨC ĐÀO)

Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, Yên Bái có đầy đủ các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng của tỉnh những năm qua là đã gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh một cách toàn diện, hiệu quả; bởi nền an ninh nhân dân vững chắc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo; ngăn ngừa hiệu quả tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ góp phần tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Trên cơ sở đó, việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự quan tâm, triển khai tích cực của cả hệ thống chính trị. Với lực lượng đi đầu là quân đội, công an cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, các phong trào chung tay bảo vệ an ninh Tổ quốc được lan toả rộng khắp trong phạm vi toàn tỉnh: Phong trào “5 không”, “4 biết”; mô hình thôn văn hoá thanh niên gắn với phát triển du lịch cộng đồng của Đoàn thanh niên; Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cùng các mô hình tự quản được triển khai hoạt động hiệu quả ở các địa phương đã tích cực góp phần tạo nên một Yên Bái thực sự là điểm đến an toàn của du khách.

Đại tá Phạm Viết Khánh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tặng quà các gia đình chính sách tại huyện Trạm Tấu. (Ảnh: VŨ DƯƠNG)

Có thể thấy, những năm qua, vị trí của du lịch Yên Bái đã từng bước khẳng định trên bản đồ du lịch Việt Nam, đặc biệt nổi bật tại một số địa phương như huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, tạo điểm nhấn và thương hiệu trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh đã đón trên 3 triệu lượt khách, trong đó có trên 227 nghìn lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hằng năm đạt 10,3%. Năm 2022, ước đón khoảng 1.588.900 lượt khách du lịch, vượt 44,4% kế hoạch, gấp 2,0 lần so với năm 2021; doanh thu du lịch ước đạt 1.100,6 tỷ đồng, vượt 30,2% kế hoạch, gấp 2,2 lần so với năm 2021.

Sự quần tụ của hơn 30 dân tộc anh em với những giá trị văn hóa đặc sắc, đã mang đến sự đa dạng trong những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh như: Di sản Nghệ thuật Xoè Thái đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; Di tích quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Lễ hội đền Đông Cuông (huyện Văn Yên), Lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày, Nùng, Thái mỗi dịp xuân về; Lễ hội cầu mùa của người Khơ Mú, Lễ Gầu tào của người Mông… Từ mô hình đầu tiên năm 2005 ở bản Đêu, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ), đến 30/10/2022 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 192 hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch cộng đồng với các mô hình tiêu biểu tại các địa phương như: Thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh), thôn Đồng Tý (xã Phúc An), huyện Yên Bình; bản Đêu (xã Nghĩa An), bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi), thị xã Nghĩa Lộ; bản Thái (thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải); xã La Pán Tẩn, xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải); bản Tát, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên; xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn; Xoi farmstay, Jack Ecolodge (xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên); xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên; thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn; thị trấn Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu… Về dịch vụ, tại các hộ đã đầu tư cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng phục vụ, kết hợp khai thác nền ẩm thực độc đáo cũng như một số sản phẩm thủ công của địa phương làm quà lưu niệm để phục vụ du khách.

Với chủ trương “tư duy mới, hành động mới” nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã định hướng phát triển du lịch Yên Bái trong thời gian tới là phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn và trở thành một trong những điểm du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. Tỉnh ủy Yên Bái cũng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/02/2021 về phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó xác định mục tiêu chung tạo hình ảnh và điểm đến “Yên Bái – Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với thương hiệu là “Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng”.

Để đạt được mục tiêu đó, đồng thời đảm bảo gắn phát triển du lịch với quốc phòng, an ninh, tỉnh Yên Bái xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch cộng đồng gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Trong đó, để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương của tỉnh, Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND ngày 19/8/2022 thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái, theo đó đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND, ngày 19/4/2021 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nền quốc phòng toàn dân và khu vực phòng thủ địa phương vững chắc. Chủ động phát hiện, kiên quyết đấu tranh với tư tưởng, nhận thức lệch lạc, chủ quan, mất cảnh giác, xem nhẹ công tác quốc phòng, an ninh và biểu hiện hình thức trong tổ chức thực hiện. Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng. Quá trình tổ chức thực hiện phải bảo đảm toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm ở các vùng du lịch và khu du lịch trọng điểm với xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Yên Bái vững chắc nhằm tạo ra thế bố trí chiến lược cả về kinh tế, phát triển du lịch gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang và các lực lượng trong khu vực phòng thủ, thực hiện phương châm ở đâu có đất, có rừng, có hoạt động du lịch là ở đó có dân và có lực lượng quốc phòng, an ninh, có lực lượng trị an để bảo vệ địa bàn, bảo vệ dân, bảo vệ khách du lịch.

Ba là, xây dựng nền an ninh nhân dân vững mạnh, tăng cường công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội để hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng phát triển bền vững. Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện tranh chấp có liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, trọng tâm là các địa bàn chiến lược, vùng dân tộc, tôn giáo… Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.

Bốn là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, các cấp, các ngành trong việc chung tay bảo vệ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh để phục vụ hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng.

Những giải pháp và hoạt động cụ thể nêu trên sẽ nâng cao hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, góp phần đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hoà, bản sắc và hạnh phúc”; trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

ĐỖ ĐỨC DUY, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái