VÌ SAO PHẢI XÉT XỬ PHÚC THẨM?

Xét xử phúc thẩm dân sự và hình sự là gì? Xét xử phúc thẩm xảy ra trong trường hợp nào? Mục đích và ý nghĩa của phiên tòa phúc thẩm là gì? Thẩm quyền xét xử phúc thẩm của tòa án ra sao?

Xét xử phúc thẩm là gì?

Xét xử phúc thẩm dân sự

Tại Điều 270 Bộ luật tố tụng Dân sự quy định về tính chất của xét xử phúc thẩm thì “Xét xử phúc thẩm dân sự là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị”.

Có thể hiểu xét xử phúc thẩm là lần xét xử thứ hai đối với một vụ án được tiến hành sau khi đã xét xử sơ thẩm đối với bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà pháp luật quy định.

Xét xử phúc thẩm hình sự

Theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 tính chất của xét xử phúc thẩm hình sự như sau: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”.

Những quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị là quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo và quyết định khác của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định của bộ luật tố tụng Hình sự.

Qua những quy định ta ta thấy xét xử phúc thẩm hình sự và xét xử phúc thẩm dân sự giống nhau về tính chất.

Xét xử phúc thẩm xảy ra khi nào

Khi bản án, quyết định sơ thẩm được tuyên nhưng chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà còn trong thời hạn để các đương sự có thể kháng cáo, viện kiểm sát có thể kháng nghị. Trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị đối với bản án, quyết định sơ thẩm thì sẽ xảy ra việc xét xử phúc thẩm.

Mục đích và ý nghĩa của phiên tòa phúc thẩm

Phiên tòa phúc thẩm diễn ra nhằm sửa chữa, khắc phục những sai lầm có thể có trong những bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án, bảo đảm bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần củng cố lòng tin của người dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

Qua việc xét xử phúc thẩm, tòa án cấp trên có thể kiểm tra hoạt động xét xử của tòa án cấp dưới để rút kinh nghiệm, phát hiện những sai lầm và hướng dẫn trong công tác xét xử, bồi dưỡng nghiệp vụ và trình độ đối với những người tiến hành tố tụng, bảo đảm tính thống nhất trong việc áp dụng, thi hành pháp luật.

Thẩm quyền xét xử phúc thẩm của Tòa án

Trong tố tụng hình sự

  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án quân sự cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị.

Trong tố tụng dân sự

  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Thẩm quyền xét xử phúc thẩm của các tòa án chuyên trách như sau:
  • Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định hôn nhân và gia đình chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa kinh tế Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định kinh doanh, thương mại chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa lao động Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm những vụ việc mà bản án, quyết định lao động chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm bản án, quyết định thuộc thầm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

Trong tố tụng hành chính

  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị kháng cáo, kháng nghị.
  • Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm bản án, quyết định thuộc thầm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

Thủ tục đối với phiên tòa xét xử phúc thẩm

Người có quyền kháng cáo

Người có quyền kháng cáo bản án, quyết định dân sự của Tòa án được quy định tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự là “Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện. Họ quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

Người có quyền kháng cáo bản án, quyết định hình sự của Tòa án bao gồm những chủ thể được quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng Hình sự như sau:

  • Bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
  • Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
  • Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
  • Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ.
  • Người được Tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.

Thủ tục kháng cáo

Theo quy định tại Điều 332 Bộ luật tố tụng Hình sự thì người kháng cáo phải làm đơn kháng và phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.

  • Đơn kháng cáo có các nội dung chính như:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Họ tên, địa chỉ của người kháng cáo;
  • Lý do và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
  • Kèm theo đơn kháng cáo hoặc cùng với việc trình bày trực tiếp là chứng cứ, tài liệu, đồ vật bổ sung (nếu có) để chứng minh tính có căn cứ của kháng cáo.

Đối với thủ tục kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm dân sự được quy định tại Điều 272 Bộ luật tố tụng Dân sự. Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo.

  • Nội dung chính của đơn kháng cáo gồm:
  • Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
  • Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
  • Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
  • Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
  • Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
  • Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Ngoài ra, tại Điều này cũng có những quy định chi tiết, cụ thể từng trường hợp các chủ thể khi làm đơn kháng cáo có những yêu cầu riêng biệt như thế nào.

Hotline: 0972810901 | 0387003455
Youtube: Luật Công Tâm
Website: Luật Công Tâm
Email: [email protected]
Địa chỉ: Tầng 6, số 141 Hoàng Quốc Việt, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà N
ội.